Chuẩn bị kỹ lưỡng cho một kỳ thi

Trong hai ngày cuối tuần (22, 23/6), hàng vạn giảng viên từ các trường đại học (ĐH) trên cả nước đã lên đường đến các địa phương để làm nhiệm vụ coi thi. Một trong các khâu đang được quan tâm trong kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) quốc gia hiện nay là nhân sự tham gia công tác coi và chấm thi. Đây được xem là một trong những biện pháp nhằm tăng lực lượng phục vụ kỳ thi, đặc biệt là tăng cường giám sát, hạn chế gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia tại địa phương thông qua các trường ĐH.

Coi thi nghiêm túc là đòi hỏi của các kỳ thi Ảnh: TTXVN.

Coi thi nghiêm túc là đòi hỏi của các kỳ thi Ảnh: TTXVN.

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 chính thức bắt đầu từ ngày 25/6, với hơn 887.000 thí sinh trên cả nước tham gia. Rút kinh nghiệm từ sai sót gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, kỳ thi năm 2019, Bộ GDĐT đặc biệt coi trọng công tác tổ chức thi và chấm thi, nhằm khắc phục triệt để mọi gian lận và đảm bảo sự công bằng, nghiêm túc trong kỳ thi. Do đó, sự công bằng, nghiêm túc của kỳ thi THPT đang phụ thuộc rất nhiều vào sự công tâm và khách quan của đội ngũ nhân sự này.

Trong sáng 23/6, hơn 800 cán bộ, giảng viên của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã lên đường làm nhiệm vụ coi thi kỳ thi THPT quốc gia 2019 tại Thanh Hóa. Có mặt tại buổi tiễn cán bộ lên đường công tác, PGS Hoàng Minh Sơn- Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội mong muốn và tin tưởng, các thầy, cô sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quan trọng này. Đồng thời mỗi thầy cô sẽ là một “người bạn” đồng hành cùng thí sinh và toàn ngành giáo dục trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay. Bên cạnh công tác coi thi, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng được Bộ GDĐT giao nhiệm vụ chủ trì công tác chấm thi trắc nghiệm tại Hội đồng thi tỉnh Thanh Hóa.

Trước đó từ ngày 21/6 Đoàn cán bộ, giảng viên của Trường ĐH Thủy lợi gồm khoảng 350 người cũng đã lên đường tới tỉnh Điện Biên coi thi. Lãnh đạo nhà trường cho biết, ngoài tập huấn chung của Bộ GDĐT, Trường ĐH Thủy lợi còn tổ chức những buổi tập huấn riêng, có cẩm nang, tài liệu ghi lại trường hợp thường gặp, điểm cần rút kinh nghiệm qua các kỳ thi trước. Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Các cán bộ được tuyển đi phải thực hiện nghiêm túc, an toàn, giữ hình ảnh của trường và của ngành giáo dục.

Nhằm đảm bảo cho kỳ thi khách quan và công bằng, mọi công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2019 được chuẩn bị từ rất sớm. Rất nhiều giải pháp kỹ thuật được triển khai trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay như: Thay đổi cách sắp xếp phòng thi, bốc thăm cách phát đề, bốc thăm chấm thi, mã hóa toàn bộ dữ liệu chấm thi, truy vết quá trình chấm, rà soát lại tất cả điểm thi của các địa phương trước khi công bố điểm thi chính thức… Dẫu thế, tất cả các biện pháp đều chỉ mang tính phòng vệ. Ông Mai Văn Trinh- Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) nhận định, cho dù các quy trình kỹ thuật có chặt chẽ đến đâu thì yếu tố quyết định của kỳ thi vẫn là nhân tố con người. Vì vậy, Ban Chỉ đạo thi quốc gia đặt yêu cầu hàng đầu đối với các địa phương là lựa chọn nhân sự tham gia vào các công đoạn của kỳ thi quan trọng này. Theo đó, kỳ thi năm nay, Bộ tăng cường sự tham gia của các trường ĐH trong khâu coi thi và chấm thi. Trong đó ở khâu chấm thi, trường ĐH sẽ giữ vai trò chủ trì chấm thi trắc nghiệm. Công tác tập huấn cán bộ coi thi cũng rất được quan tâm từ nhiều tháng trước đó. Tất cả không nằm ngoài mong muốn hướng tới một kỳ thi đánh giá đúng năng lực thực sự của thí sinh, đánh giá đúng chất lượng dạy và học; giúp sàng lọc chất lượng đầu vào cho các trường ĐH,CĐ.

Trước khi diễn ra kỳ thi, lãnh đạo Bộ GDĐT đã đi thị sát công tác chuẩn bị thi tại nhiều địa phương trên cả nước. Một trong những điều được lãnh đạo Bộ đặc biệt lưu ý là các địa phương tuyệt đối không chủ quan, dù là ở những khâu nhỏ nhất, nhằm tổ chức kỳ thi đạt được mục tiêu như đã đề ra, từ đó tạo được niềm tin trong xã hội về kết quả của kỳ thi “2 trong 1”.

Dẫu thế, theo các chuyên gia giáo dục, để kỳ thi thực sự đạt hiệu quả cao nhất, ngoài vai trò của ngành giáo dục, của các địa phương, các bộ ngành liên quan, rất cần sự tham gia giám sát của cả cộng đồng. Bởi những dấu hiệu tiêu cực của kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 thực chất được phát giác từ những người không tham gia vào công tác của kỳ thi.

* Ngày 25-27/6, hơn 887.000 thí sinh cả nước sẽ chính thức tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2019 để xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH,CĐ (ngày 24/6 các em làm thủ tục dự thi). Năm nay số đăng ký xét tuyển ĐH,CĐ nhóm ngành đào tạo giáo viên là hơn 653.000 em. Thí sinh sẽ thi 5 bài, gồm: Toán, Văn, Ngoại ngữ, 2 bài tổ hợp Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội. Trừ Văn thi tự luận, các môn còn lại thi trắc nghiệm. Về công tác coi thi, các trường ĐH sẽ phối hợp với địa phương. Mỗi phòng thi sẽ có một cán bộ coi thi là giáo viên THPT địa phương, một người là giảng viên ĐH. 2019 là năm đầu tiên Bộ GDĐT giao cho các trường ĐH chủ trì khâu chấm thi trắc nghiệm. Đây được coi là một trong những giải pháp mới nhằm chống gian lận thi cử.

Vi Cầm

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/chuan-bi-ky-luong-cho-mot-ky-thi-tintuc440107