Chuẩn bị kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XIII: Bước chuyển biến trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Năm 2018, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp, ngành đẩy mạnh việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn tỉnh. Trong đó, nhiều giải pháp hiệu quả đã được triển khai, mang đến kết quả rất tích cực, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong công tác này.

Căn cứ Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018 được ban hành tại Quyết định 217/QĐ-TTg ngày 13/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố, như: Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ban hành kèm Quyết định số 1605/QĐ-UBND ngày 9/5/2018 của UBND tỉnh; Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020 ban hành kèm Quyết định số 708/QĐ-UBND ngày 15/3/2016 của UBND tỉnh, văn bản số 3041/UBND-TM3 ngày 14/5/2018 của UBND tỉnh về việc kiểm điểm, chấn chỉnh việc thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Nhờ ứng dụng CNTT tại các trung tâm hành chính công và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại, Quảng Ninh đã tiết kiệm chi phí, công sức của người dân khi giải quyết thủ tục hành chính.

Đồng thời, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động xây dựng nội dung Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hàng năm của từng đơn vị để đưa vào sinh hoạt chính trị thường kỳ. Các đơn vị cũng đều xác định công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đều xây dựng quy chế làm việc, quy chế chi tiêu nội bộ và thực hiện công khai, minh bạch trong nội bộ từng cơ quan, đơn vị, từ đó đã thực hiện tốt thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên.

Công tác tuyên truyền về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được các cấp, ngành triển khai kịp thời bằng nhiều hình thức. Đặc biệt, các cơ quan thông tin, báo chí của tỉnh đã đăng tải tin, bài, ảnh, phóng sự về công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí của các cơ quan, đơn vị. Qua đó, biểu dương, khích lệ các tập thể, cá nhân tiên tiến điển hình trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để góp phần lan tỏa sâu rộng ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và nhân dân trong tỉnh. Đồng thời, tích cực đấu tranh, phê phán các hành động tham ô, tham nhũng, lãng phí trong sử dụng ngân sách, tài sản, khai thác tài nguyên, khoáng sản...

Đặc biệt, công tác thanh, kiểm tra, giám sát, kiểm toán về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được tỉnh triển khai một cách chủ động, hiệu quả cao. Tỉnh Quảng Ninh đã chủ động đề nghị Kiểm toán Nhà nước kiểm toán các dự án có giá trị đầu tư lớn, các dự án kinh doanh hạ tầng, kiểm toán phương án giá đất... Trong năm 2018, Thanh tra tỉnh, thanh tra sở, ngành và các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức thanh, kiểm tra việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí lồng ghép trong các cuộc thanh tra. Cụ thể: Triển khai 124 cuộc thanh tra kinh tế - xã hội (trong đó Thanh tra tỉnh 46 cuộc), kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 26.985 triệu đồng, các kiến nghị khác 19.807 triệu đồng; triển khai 18 cuộc thanh tra trách nhiệm tại 48 đơn vị, kiến nghị các đơn vị khắc phục một số tồn tại, hạn chế trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Cùng với đó, Thanh tra các sở đã thành lập 366 đoàn thanh, kiểm tra và 4.653 cuộc thanh, kiểm tra độc lập trên các lĩnh vực; phát hiện và xử phạt hành chính đối với 5.593 trường hợp với tổng số tiền là 13.449,87 triệu đồng.

Nhờ sự quyết liệt, chủ động trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, mà tỉnh và các đơn vị, địa phương đã tiết kiệm được ngân sách. Cụ thể, các cơ quan, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch dự toán thu, chi ngân sách của từng ngành, từng địa phương; hướng dẫn các đơn vị cấp dưới phân khai nhiệm vụ chi bám sát theo kế hoạch đã đề ra; thực hiện nghiêm túc các quy chế thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi phí văn phòng phẩm; sử dụng điện, nước, điện thoại; tiết kiệm trong chi tiếp khách, tổ chức hội nghị... Qua đó đã chủ động tiết kiệm dự toán chi thường xuyên ước thực hiện cả năm 2018 trên 58,3 tỷ đồng để bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức, người lao động. Các đơn vị khối tỉnh đã tiết kiệm 10% kinh phí tự chủ, tương ứng với 40,126 tỷ đồng giữ tại ngân sách cấp tỉnh để dành nguồn đảm bảo thực hiện cải cách tiền lương. Các đơn vị khối huyện đã tiết kiệm 86.782 triệu đồng chi thường xuyên để dành nguồn đảm bảo thực hiện cải cách tiền lương theo quy định.

Đồng thời, việc thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về các quyết định của cơ quan trong việc quản lý, sử dụng biên chế và kinh phí theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ đã mang lại những chuyển biến rõ rệt trong quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước, làm tiền đề để thực hiện tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tại Quyết định số 5303/QĐ-UBND ngày 29/12/2017 của UBND tỉnh về việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đối với 84 đơn vị sự nghiệp công lập (tăng 15 đơn vị so với năm 2017).

Cùng với đó, Quảng Ninh cũng chủ động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mua sắm, sử dụng phương tiện đi lại và phương tiện, thiết bị làm việc của cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng; quản lý sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ và công trình phúc lợi công cộng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên...

Bảo Bình

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/201811/chuan-bi-ky-hop-thu-9-hdnd-tinh-khoa-xiii-buoc-chuyen-bien-trong-thuc-hanh-tiet-kiem-chong-lang-phi-2409767/