Chuẩn bị đủ lượng và chủng loại để sẵn sàng gieo trồng lại sau lũ

Cục Trồng trọt khuyến cáo người dân theo dõi thường xuyên vườn cây, đặc biệt là cây bị long gốc để kịp thời phát hiện bệnh rễ do nấm gây ra và có biện pháp phòng trừ kịp thời.

Trận mưa lũ vừa qua, 5 tỉnh miền Trung đã bị thiệt hại khoảng 5,2 nghìn ha lúa Mùa. Ảnh minh họa: Hồ Cầu – TTXVN

Trận mưa lũ vừa qua, 5 tỉnh miền Trung đã bị thiệt hại khoảng 5,2 nghìn ha lúa Mùa. Ảnh minh họa: Hồ Cầu – TTXVN

Để khôi phục sản xuất sau mưa lũ ở các tỉnh miền Trung, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Cục đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố chủ động khơi thông dòng chảy, nạo vét mương máng, rãnh thoát nước trên ruộng; chuẩn bị đủ lượng và chủng loại hạt giống rau để sẵn sàng gieo trồng lại. Nông dân chỉ tiến hành gieo trồng lại khi thời tiết hết mưa, tạnh ráo.
Cục Trồng trọt chủ trì kết hợp với Viện Nghiên cứu Rau quả, Viện Nghiên cứu Ngô và các đơn vị liên quan xây dựng tài liệu hướng dẫn và tổ chức các đoàn công tác với các địa phương chỉ đạo hướng dẫn các giải pháp khôi phục sản xuất lúa, rau mùa, cây ăn quả.
Cục Trồng trọt cũng phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia xây dựng các chương trình, mô hình khuyến nông, phổ biến tuyên truyền các tiến bộ kỹ thuật mới trong việc khôi phục sản xuất sau mưa lũ.
Đối với vườn cây ăn quả đang ngập úng, nông dân cần tiến hành đào rãnh ngay, khơi thông dòng chảy, bơm hút nước, rút nhanh ra khỏi líp, hố và vườn cây. Những vườn đã rút nước cần tập trung xới nhẹ, phá váng lớp đất mặt (vùng tán cây) giúp đất thông thoáng, khắc phục tổn thương và tái sinh rễ mới.
Cục Trồng trọt khuyến cáo người dân theo dõi thường xuyên vườn cây, đặc biệt là cây bị long gốc để kịp thời phát hiện bệnh rễ do nấm gây ra và có biện pháp phòng trừ kịp thời. Cây bị long gốc cần dậm chặt, vun gốc, sau đó có thể tưới thuốc trừ nấm hoặc các chế phẩm sinh học đối kháng nấm hại bằng loại thuốc có trong danh mục thuốc được phép sử dụng, nồng độ và cách sử dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
Khi bộ rễ cây đã phục hồi, mới tiến hành bón phân hữu cơ kết hợp với phân khoáng, phun phân bón lá (hạn chế sử dung phân bón hóa học) để tăng khả năng phục hồi của cây.
Ông Nguyễn Như Cường đề nghị các tỉnh khẩn trương rà soát, tổng hợp diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; tham mưu UBND tỉnh đề xuất Thủ tưởng Chính phủ (thông qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) hỗ trợ hạt giống từ nguồn dự trữ quốc gia để kịp thời khôi phục sản xuất.
Trận mưa lũ vừa qua, 5 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Nam) đã bị thiệt hại khoảng 5,2 nghìn ha lúa Mùa. Riêng rau màu đã gieo trồng với diện tích khoảng 12,5 nghìn ha bị thiệt hại gần như hoàn toàn.
Tổng diện tích rau màu dự kiến gieo trồng sau mưa lũ kết thúc khoảng 39 nghìn ha; trong đó ngô khoảng 25,5 nghìn ha, rau màu 13,3 nghìn ha.
Với cây ăn quả, cây công nghiệp, 5 tỉnh có gần 113 nghìn ha. Hiện các địa phương chưa đánh giá được tình hình thiệt hại./.

Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/chuan-bi-du-luong-va-chung-loai-de-san-sang-gieo-trong-lai-sau-lu/175814.html