Chuẩn bị cho bước 'nhảy vọt' của kinh tế chia sẻ

Cùng với sự phát triển của công nghệ số, thời gian gần đây xuất hiện một khái niệm mới là 'kinh tế chia sẻ' (KTCS). Mặc dù là mô hình kinh tế mới, nhưng KTCS đang phát triển rất nhanh, tạo áp lực cạnh tranh mạnh mẽ lên các mô hình kinh tế truyền thống, đồng thời mang lại nhiều lợi ích chung cho xã hội.

Lái xe Grab chở khách trên phố Lê Thái Tổ (TP Hà Nội). Ảnh: THỦY NGUYÊN

Tuy nhiên, KTCS cũng làm nảy sinh các mối quan hệ mới trên thị trường, tiềm ẩn nhiều rủi ro; đòi hỏi, cần phải có sự quản lý, điều tiết kịp thời, hợp lý của Nhà nước để bảo đảm hài hòa lợi ích người tiêu dùng, người cung cấp dịch vụ cũng như giải quyết mâu thuẫn giữa các mô hình kinh doanh mới và kinh doanh truyền thống.

Mô hình mới

Nói về KTCS tại Việt Nam phải kể đến hai cái tên là Grab và Uber. Chỉ sau vài năm hoạt động, với thế mạnh là tiện lợi, minh bạch, an toàn,... hai doanh nghiệp ta-xi công nghệ này đã nhanh chóng đè bẹp các doanh nghiệp ta-xi truyền thống, chiếm lĩnh phần lớn thị phần. Bên cạnh đó, có thể kể đến dịch vụ chia sẻ phòng Airbnb, mô hình kết nối người cần thuê nhà, phòng trọ với những người có nhu cầu cho thuê trên khắp thế giới thông qua ứng dụng di động. Theo ước tính, hiện có khoảng 6.500 cơ sở tham gia Airbnb tại Việt Nam. Ngoài ra, còn nhiều loại hình dịch vụ khác của mô hình KTCS như dịch vụ cung cấp nền tảng cho phép người dùng tự xây dựng “tua” du lịch Trippme; dịch vụ kết nối người dùng với các nhà cung cấp dịch vụ sửa chữa điện tử, điện lạnh, xây dựng Rada; dịch vụ tài chính ứng dụng công nghệ để kết nối bên vay và người đi vay hay còn gọi là cho vay ngang hàng huydong.com;...

Có nhiều định nghĩa về KTCS, nhưng theo cách hiểu phổ biến nhất, mô hình này là một hệ thống kinh tế mà ở đó, tài sản hoặc dịch vụ được chia sẻ dùng chung giữa các cá nhân với tính chất điển hình là thông qua các công cụ in-tơ-nét. Đây là phương thức mới, sử dụng công nghệ số kết nối giữa người mua và người bán mà không thông qua đối tượng trung gian, bắt nguồn từ mong muốn của người tiêu dùng đang ngày càng có nhiều hơn nhu cầu kiểm soát chất lượng thay vì chỉ là “nạn nhân” thụ động của tiêu dùng. Mặc dù còn khá mới mẻ trên thế giới và càng mới ở Việt Nam, nhưng KTCS đang phát triển ngày một mạnh mẽ, mang lại nhiều lợi ích chung cho xã hội do giúp giảm chi phí giao dịch và sử dụng tài sản, tài nguyên hiệu quả hơn.

Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) Lại Việt Anh nhận định: KTCS đang và sẽ mang lại nhiều hiệu quả tiềm năng tại Việt Nam như với việc cung cấp nhiều trải nghiệm mới, đồng thời đóng góp vào tăng trưởng kinh tế; tận dụng tài nguyên nhàn rỗi một cách hiệu quả; đẩy mạnh kinh tế vùng địa phương. Đồng thời, KTCS cũng thúc đẩy sự phát triển của ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, hướng tới xây dựng đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hòa nhập với xu hướng phát triển cách mạng công nghiệp 4.0 của thế giới.

Tuy nhiên, thực tế là các loại hình dịch vụ của mô hình KTCS cũng làm nảy sinh các mối quan hệ mới trên thị trường, tiềm ẩn không ít rủi ro. Trầm trọng hơn, một số chuyên gia kinh tế còn cho rằng, các mô hình KTCS này đang dần biến tướng trở thành những mô hình đầu tư mới, dựa vào thế mạnh của công nghiệp và nguồn vốn khổng lồ huy động được để cạnh tranh bất bình đẳng đối với các loại hình kinh doanh truyền thống. Do đó, KTCS cũng đang đặt ra không ít thách thức đối với các nhà quản lý trong việc tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên; kiểm soát minh bạch về thông tin, giao dịch; quản lý chất lượng dịch vụ, sản phẩm; chống thất thoát thuế;...

Hoàn thiện khung pháp lý

Ở Việt Nam, việc hình thành của KTCS dù mang lại nhiều kết quả tích cực, nhưng cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề mà khuôn khổ pháp lý hiện hành còn chưa theo kịp để đáp ứng yêu cầu quản lý. Sự phát triển của các loại hình dịch vụ KTCS chủ yếu mang tính tự phát, còn bản thân các cơ quan quản lý nhà nước vẫn khá lúng túng trong việc xác định bản chất và cách thức quản lý. Chẳng hạn, mô hình này đang gây khó cho cơ quan quản lý kiểm soát nghĩa vụ tài chính, nghĩa vụ với xã hội, nghĩa vụ với các đối tượng tham gia. Cụ thể như đối với Airbnb, cơ quan chức năng chưa có thống kê chính xác về số lượng các cơ sở lưu trú đang tham gia dịch vụ này, cho nên cũng chưa có biện pháp quản lý cũng như thu thuế hữu hiệu. Trong khi đó, hệ thống pháp luật về hoạt động kinh doanh của nước ta như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Giao dịch điện tử,... và các quy định về thuế hầu như còn bỏ ngỏ đối với KTCS.

Trước thực tế xu thế ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh là không thể đảo ngược, theo các chuyên gia kinh tế, để phát triển KTCS bền vững tại Việt Nam, Chính phủ cần sớm điều chỉnh và bổ sung kịp thời các văn bản pháp quy để quản lý tốt hoạt động kinh doanh theo mô hình mới này, khai thác tối đa tiềm năng của mô hình này, qua đó giúp nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, đồng thời hạn chế thấp nhất những bất cập vốn có. Hệ thống pháp luật hoàn chỉnh sẽ giúp điều chỉnh mọi hoạt động kinh doanh trong nền KTCS, bảo đảm môi trường thuận lợi cho phát triển, vừa tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa nền kinh tế này với các mô hình kinh doanh truyền thống. Hoàn thiện hành lang pháp lý cũng giúp Chính phủ Việt Nam kiểm soát được khoản thuế từ các công ty cung ứng dịch vụ và “người chia sẻ tài sản”.

Được biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được Chính phủ giao xây dựng Đề án về KTCS nhằm đánh giá thực trạng và xu hướng phát triển của mô hình KTCS, từ đó làm căn cứ cho việc điều chỉnh cơ chế, chính sách liên quan, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời gian tới. Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Mục tiêu của đề án hướng tới các giải pháp phát triển những loại hình kinh doanh của KTCS theo hướng tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, nâng cao hiệu lực của quản lý nhà nước. KTCS là vấn đề mới đối với Việt Nam, liên quan đến chức năng quản lý của nhiều bộ, ngành nên cần được nghiên cứu kỹ càng, từ việc xác định phạm vi, loại hình và hình thức hoạt động cũng như các mối quan hệ và tác động tới phát triển kinh tế.

THÁI LINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/nhan-dinh/item/35845802-chuan-bi-cho-buoc-%E2%80%9Cnhay-vot%E2%80%9D-cua-kinh-te-chia-se.html