Chuẩn bị các tình huống để phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả

Diễn biến của dịch Covid-19 đang phức tạp, nhất là nguy cơ lây lan, bùng phát dịch tại cộng đồng do người dân từ các địa phương có các ổ dịch trở lại các thành phố lớn làm việc sau Tết là rất cao. Tại cuộc họp giao ban trực tuyến triển khai công tác phòng, chống Covid-19 ngày 19-2, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị các địa phương phải chuẩn bị tất cả các tình huống, kịch bản để khi dịch xảy ra không bị động.

Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Diễn biến của dịch Covid-19 đang phức tạp, nhất là nguy cơ lây lan, bùng phát dịch tại cộng đồng do người dân từ các địa phương có các ổ dịch trở lại các thành phố lớn làm việc sau Tết là rất cao. Tại cuộc họp giao ban trực tuyến triển khai công tác phòng, chống Covid-19 ngày 19-2, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị các địa phương phải chuẩn bị tất cả các tình huống, kịch bản để khi dịch xảy ra không bị động.

Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Ðặng Quang Tấn cho biết, tính đến ngày 18-2, thế giới ghi nhận hơn 110 triệu trường hợp mắc và hơn 2,4 triệu trường hợp chết do Covid-19 tại 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong vòng một tháng qua, số ca mắc mới trên thế giới đã giảm 44,5%. Tuy nhiên, hiện vẫn tiếp tục ghi nhận các biến chủng mới, trong đó bước đầu đã có bằng chứng về đột biến (D484K) có liên quan đến việc tăng khả năng lây nhiễm và giảm đáp ứng miễn dịch của người mắc.

Tại Việt Nam đã ghi nhận 2.347 người mắc và 35 người chết. Riêng đợt dịch thứ ba, tính từ ngày 25-1 đến 18-2, ghi nhận 755 trường hợp mắc tại 13 tỉnh, thành phố, gồm: Hải Dương, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Gia Lai, Bình Dương, Bắc Ninh, Ðiện Biên, Hưng Yên, Bắc Giang, Hòa Bình, Hà Giang, Hải Phòng. Ðáng chú ý, Việt Nam đã ghi nhận bốn biến chủng, gồm: D614G từ châu Âu (dịch tại Ðà Nẵng); B.1.1.7 từ Anh đang gây dịch tại Hải Dương; B.1.351 từ Nam Phi; A A.23.1 xuất hiện từ Ru-an-đa (châu Phi) tại Sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh). Trong đó, biến chủng B.1.1.7 từ Anh tại tỉnh Hải Dương được xác định có khả năng lây lan nhanh hơn vi-rút gây dịch tại Ðà Nẵng (biến thể châu Âu D614G).

Các ổ dịch như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh hiện cơ bản đã được kiểm soát; các ổ dịch khác tại Hải Phòng, Hòa Bình, Ðiện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Bắc Giang, Gia Lai không ghi nhận ca mắc Covid-19 trong vòng từ bảy đến 20 ngày qua. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiện tình hình dịch Covid-19 tại tỉnh Hải Dương còn rất phức tạp, có khả năng vẫn tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc trong thời gian tới. Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn: Ðáng lo ngại là sau Tết Nguyên đán, người dân trở lại các thành phố lớn, các khu, cụm công nghiệp sinh sống và làm việc có thể mang theo mầm bệnh vào các khu vực này. Trong khi đó, người bệnh từ các địa phương về các bệnh viện lớn đóng trên địa bàn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh để khám, chữa bệnh nên cũng tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Do vậy, thực hiện sự chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, hiện ngành y tế Hà Nội phối hợp các cơ quan chức năng đang khẩn trương tiến hành rà soát, đề nghị tất cả người dân sinh sống trên địa bàn TP Hà Nội đã từng đi, đến, về tỉnh Hải Dương từ ngày 15-1 đến nay và 11 tỉnh, thành phố có ổ dịch tự cách ly y tế và liên hệ ngay với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn và lấy mẫu xét nghiệm. Theo số liệu báo cáo nhanh, tính đến sáng 19-2, Hà Nội đã rà soát, thống kê sơ bộ được gần 34 nghìn người từ tỉnh Hải Dương trở về và đang được lấy mẫu để xét nghiệm... Ðược biết không chỉ Hà Nội, mà nhiều địa phương trên cả nước cũng đang triển khai một số hoạt động giám sát, cách ly, lấy mẫu trên diện rộng những đối tượng có nguy cơ cao đến từ các khu vực có dịch để kiểm soát, phát hiện kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19.

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, hiện 12 trong số 13 tỉnh, thành phố đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch, nhưng tại tỉnh Hải Dương vẫn phức tạp, nguy cơ dịch lây lan ở cộng đồng là rất lớn. Do vậy, Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các địa phương coi nhiệm vụ chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm trong quý I năm 2021; chuẩn bị tất cả tình huống, kịch bản, không được chủ quan, lơ là để khi dịch xảy ra không bị động trên địa phương mình. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm công tác xét nghiệm, điều hành trong lấy mẫu và điều phối xét nghiệm. Tất cả các nhân viên y tế phải được tập huấn lấy mẫu, chia nhỏ để lấy mẫu, tại gia đình, cộng đồng, tại khu cách ly... Ðây là mấu chốt trong kiểm soát dịch Covid-19, vì nếu xét nghiệm chậm, sẽ “chạy theo dịch” chứ không phải ngăn chặn dịch. Thực hiện tốt việc rà soát các trường hợp đi, về từ các địa phương; yêu cầu những người đi, về từ khu vực có dịch phải thực hiện khai báo trung thực, lấy mẫu xét nghiệm, cách ly phù hợp với từng địa phương; xử phạt nghiêm những người không khai báo y tế hoặc khai báo y tế không trung thực...

Đáng chú ý, vấn đề vắc-xin phòng Covid-19 cũng được chú trọng triển khai các giải pháp một cách khẩn trương. Hiện, Bộ Y tế đã đàm phán với chương trình COVAX facility cam kết cung cấp cho Việt Nam 30 triệu liều trong năm 2021 (chủ yếu dành cho sáu tháng cuối năm). Ngoài ra, Công ty AstraZeneca cũng cam kết cung cấp 30 triệu liều. Như vậy, Việt Nam có 60 triệu liều vắc-xin trong năm 2021. Bộ Y tế đang tích cực đàm phán với các công ty khác, một số nước khác để có thêm vắc-xin, với tinh thần thực hiện quyết liệt để bảo đảm vắc-xin cho người dân, bảo đảm hiệu quả trong phòng, chống dịch. Bộ Y tế sẽ thực hiện tất cả các quy trình về rà soát hồ sơ, dữ liệu về lâm sàng, chất lượng vắc-xin để cấp phép sớm theo quy định pháp luật, trên tinh thần là giảm đến mức thấp nhất thủ tục hành chính trên cơ sở khẩn cấp. Khi có vắc-xin sẽ ưu tiên khu vực có dịch và có nguy cơ cao sử dụng trước…

THÁI SƠN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-y-te/chuan-bi-cac-tinh-huong-de-phong-chong-dich-covid-19-hieu-qua-635952/