Chưa vội kết luận năm nay ĐBSCL đỉnh lũ sẽ cao

ĐBSCL hiện đang đối diện với 3 thách thức chính về BĐKH, những vấn đề phát triển thiếu bền vững và tác động của thủy điện Mekong. NNVN có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL.

Ông Nguyễn Hữu Thiện

Thưa ông, theo dự báo năm nay ĐBSCL sẽ xuất hiện lũ về sớm hơn so mọi năm, bên cạnh đó điều đáng lo ngại nhất mới đây là đập thủy điện ở Lào bị vỡ sẽ tràn từ dòng sông Mekong về Việt Nam, đặc biệt các tỉnh đầu nguồn như An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và Long An lo bị thiệt hại. Ông đánh giá lũ năm nay tác động ra sao đến ĐBSCL?

Vụ vỡ đập XePian - XeNamnoy ở Lào thật ra không phải là mối lo nhất đối với ĐBSCL vì khối nước này không làm gia tăng mực nước ở ĐBSCL là bao nhiêu, chỉ vài cm. Ngày 27/7/2018, Ủy hội Mekong quốc tế (MRC) đã có báo cáo phân tích cho thấy vụ vỡ đập này chỉ làm tăng mực nước tại Stungtreng, Campuchia khoảng 20cm. Stungtreng cách chúng ta hơn 300km nên khối nước do vỡ đập này không có khả năng gia tăng mực nước ở ĐBSCL nhiều.

Có ý kiến cho rằng lũ năm nay đến sớm thì cũng không hoàn toàn đúng. Mực nước tại Tân Châu và Châu Đốc có lên nhanh trong thời gian qua và cao hơn trung bình nhiều năm nhưng vẫn xấp xỉ hoặc thấp hơn một chút so với cùng kỳ năm 2017 tới thời điểm này (ngày 2/8). Thiệt hại ở các tỉnh đầu nguồn, chủ yếu là lúa, cũng không lớn lắm, chỉ ở một số xã sát biên giới Campuchia, nằm ngoài đê bao.

Cũng xin lưu ý là vì ở Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên có rất nhiều diện tích đê bao khép kín để canh tác lúa ba vụ nước không chảy vào được nên các diện tích nhỏ ngoài đê mới ngập sâu như vậy.

Những năm gần đây lũ ở ĐBSCL không còn theo quy luật, có năm lũ xuất hiện nhiều và có năm không có lũ, đây có phải là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu không?

Xin lưu ý rằng không thể chỉ thấy năm nay khác năm ngoái hay năm ngoái khác năm trước mà vội cho rằng lũ ĐBSCL đã biến động không theo quy luật.

Mức lũ ở ĐBSCL phụ thuộc vào lượng mưa từ phía trên của lưu vực Mekong đổ về. Lượng mưa thì phải biến thiên theo năm, không thể có chuyện năm nào mưa cũng giống hệt như nhau được. Biến thiên là quy luật tự nhiên. Nếu ta nhìn số liệu đỉnh lũ dài hạn từ năm 1926 đến nay thì trong quá khứ cũng luôn có những giai đoạn 10 năm đỉnh lũ liên tục đi xuống. Chúng ta không thể chỉ nhìn giai đoạn vài năm mà kết luận vội vàng khuynh hướng chung được, đặc biệt là trường hợp hạn hán cực đoan 2016 không thể xem là khuynh hướng được.

Tuy nhiên bên cạnh đó ngày nay mực nước lũ về ĐBSCL bị nhiều yếu tố khác chi phối như biến đổi khí hậu, theo dự báo là làm gia tăng lượng mưa mùa mưa và giảm lượng mưa mùa khô, chu kỳ El Nino (ít mưa) và La Nina (nhiều mưa), và yếu tố nữa cực kỳ quan trọng đó là sự có mặt của các hồ chứa trên lưu vực Mekong. Việc tích xả nước các đập này làm cho mọi dự báo về mực nước đều khó khăn.

Lũ đang về ĐBSCL làm hàng trăm hecta lúa bị chìm trong nước (Trong ảnh: Người dân ở huyện An Phú, An Giang cắt lúa chạy lũ)

Vì lo ngại an toàn đập, sau vụ vỡ đập XePian - XeNamnoy thì hiện nay các đập ở Lào đang xả nước gồm đập Nam Ngiep 2 ở Xiengkhuan, đập Nam Phay ở Xaysomboun, đập Nam Tha 1 ở giữa Bokeo và Luang Namtha, đập Nam Theun 2 ở Khammuan; Nam Ngum 5 phía nam Luang Prabang trong bối cảnh mưa nhiều ở Lào và sự gia tăng lưu lượng xả của đập Cảnh Hồng (Jinghong) ở Vân Nam, Trung Quốc. Việc các đập đồng loạt xả như thế này cũng có nghĩa là các đập còn thể tích để trữ lũ vào thời điểm đỉnh lũ vào giữa tháng mười tới đây, làm giảm đỉnh lũ về ĐBSCL.

Về tình hình El Nino, theo bản tin cập nhật ngày 30/7/2018 của Trung tâm dự báo khí tượng (NPC) của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Hoa Kỳ (NOAA) thì hiện nay chúng ta đang trong giai đoạn ENSO trung tính (tức không El Nino cũng không La Nina) nhưng trong những tháng sắp tới có khả năng 65% chuyển sang El Nino, tức ít mưa. Do đó, mặc dù thấy mức lũ lên nhanh thời gian gần đây, chúng ta cũng chưa vội kết luận rằng năm nay đỉnh lũ sẽ cao mà còn tùy vào tất cả các yếu tố vừa bàn ở trên.

Thông thường lũ về phải xả nước vào đồng ruộng và lấy phù sa, diệt sâu bọ… nhưng những năm gần đây các tỉnh đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp và Long An tăng cường sản xuất lúa vụ 3 (lúa TĐ) đã tiến hành cho gia cố đê bao, cống đập để bảo vệ vụ lúa. Như vậy áp lực nước lũ khi về có ảnh hưởng các tỉnh hạ nguồn không thưa ông?

Có lẽ do năm nay lúa được giá nên một số vùng ở An Giang, Đồng Tháp tăng cường SX lúa vụ ba, thay vì xả lũ vào. Lý tưởng nhất là những năm lũ có thể cao thì nên tận dụng lợi thế, xả lũ vào để tiếp nhận phù sa, nguồn trứng cá trong nước lũ Mekong, rửa trôi đồng ruộng, và để cho đất nghỉ ngơi thì mùa sau sẽ giảm được chi phí canh tác do có dinh dưỡng từ phù sa giúp giảm phân bón và cây lúa ăn phù sa chắc khỏe hơn, giảm dịch bệnh.

Canh tác ba vụ liên tiếp có lợi trước mắt, nhưng tính toán tổng thể và về lâu dài, chúng ta làm quần quật nhưng chưa chắc có lời.

Với mức lũ của năm 2000 thì vùng Tứ Giác Long Xuyên (TGLX) có không gian chứa lũ khoảng 9,2 tỷ m3 nước còn vùng Đồng Tháp Mười có sức chứa 10 tỷ m3. Nhưng hiện nay sức chứa của vùng TGLX đã giảm hơn một nửa, chỉ còn 4,5 tỷ m3 cho nên mỗi khi lũ cao như 2011 thì gia tăng ngập ở bên dưới, như Cần Thơ, khoảng 3cm. Điều này cũng có nghĩa là nước chảy tuột ra biển hết trong mùa nước, nên mùa khô các tỉnh ven biển bị xâm nhập mặn sâu hơn ngày xưa.

Xin cảm ơn ông!

Việc xây đập thủy điện quá nhiều trên dòng sông Mekong, và mới đây xảy ra sự cố vỡ đập thủy điện ở Lào như vậy có ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái và đời sống của nhân dân thuộc lưu vực sông và quan hệ giữa các nước trong khu vực không?

Bản thân các đập thủy điện trước khi vỡ đập thì đã gây ra nhiều hệ lụy về sinh thái và đời sống của người dân ở vùng bên dưới các đập và trên toàn lưu vực. Đập biến dòng sông sống thành hồ nước tĩnh, mất thủy sản, sinh kế người dân, mất phù sa, gây sạt lở, biến hệ sinh thái sông thành hệ sinh thái hồ, và nhiều ảnh hưởng khác nữa. Rủi ro vỡ đập luôn luôn chực chờ ập xuống người dân sống phía hạ lưu đập mà trong lưu vực Mekong có những nơi có rủi ro động đất nên có khả năng vỡ đập dây chuyền gây thảm họa lớn.

LÊ HOÀNG VŨ

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/chua-voi-ket-luan-nam-nay-dbscl-dinh-lu-se-cao-post223943.html