Chữa ung thư bằng 'thần dược': Mất tiền, thiệt thân

Bất chấp các chuyên gia hàng đầu về ung thư khẳng định, chưa có trường hợp ung thư nào được minh chứng khoa học là chữa khỏi bằng thuốc Ðông y, vẫn có rất nhiều người tin theo các ông lang, bà mế, để uống các loại lá cây không rõ thành phần và từ chối đến bệnh viện chữa trị. Hậu quả là người bệnh bỏ qua 'giai đoạn vàng', để bệnh nặng rồi mới đến điều trị thì đã muộn.

Đó là lý do vì sao ở Việt Nam tỉ lệ người tử vong do ung thư cao. Bài viết này muốn vén một góc bức màn “thần dược” chữa ung thư để mọi người nhìn thấy sự thật...

Bán “thần dược” nhưng đến bệnh viện điều trị

Giữa trưa nắng chang chang, tôi vẫn kiên trì ngồi đợi tới quá giờ Ngọ, GS. Mai Trọng Khoa mới về tới phòng. Bởi ông vừa phải tham gia hội chẩn cho các bệnh nhân ung thư rất nặng ở Trung tâm Ung bướu của Bệnh viện (BV) Bạch Mai. Tôi không hiểu ông sẽ ăn trưa vào lúc nào khi trước cửa vẫn còn gần chục bệnh nhân đang chờ ông.

Một người vừa trải qua đợt điều trị ở nước ngoài ngồi chờ suốt buổi sáng để gặp ông, xin được ông tư vấn để điều trị tiếp tại Việt Nam vì kết quả chẩn đoán, phác đồ điều trị trước đó của ông đưa ra và BV nước ngoài không khác nhau.

Chụp PET/CT để mô phỏng, lập kế hoạch xạ trị tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai.

GS. Khoa cho biết, khi biết bị ung thư, hầu hết người bệnh đều mất bình tĩnh, rất lo lắng, nhiều người suy sụp, đó là một trạng thái tự nhiên ở rất nhiều bệnh nhân. Vì thế, người có điều kiện thường vội ra nước ngoài chữa trị, còn khá đông người không hiểu biết về căn bệnh này và không dư dả về kinh tế thì cũng vội điều trị bằng các bài thuốc lá của các ông lang bà mế mà họ chỉ được nghe truyền miệng, chứ hoàn toàn không biết thầy lang có được học hành về y hay không.

Vẫn biết GS. Mai Trọng Khoa là một trong những chuyên gia ung thư hàng đầu của Việt Nam, lại là Hội viên Hội Ung thư lâm sàng Hoa Kỳ (ASCO) và Hội Xạ trị lâm sàng Hoa Kỳ (ASTRO) thì việc ông điều trị cho nhiều người là bình thường. Nhưng tôi thật bất ngờ khi ông kể từng điều trị ung thư cho không ít vị lang y nổi tiếng, trong đó có cả GS đầu ngành Đông y Việt Nam. Còn những “thầy lang” đến tìm ông điều trị ung thư dạ dày, ung thư phổi thì rất nhiều... Có điều, sự thật này hầu như các vị lang y đều giấu biệt.

Một vị GS khá nổi tiếng bị ung thư phổi. Ông giảng dạy ở một trường đại học y nổi tiếng của Việt Nam, gia đình có hiệu thuốc gia truyền nhiều đời ở Hà Nội. Chính vì là người hiểu rất rõ tác dụng của các bài thuốc về Đông y nên ông đã tìm đến GS. Mai Trọng Khoa để điều trị ngay khi phát hiện bị ung thư.

PGS.TS. Trần Văn Thuấn - Giám đốc Bệnh viện K cho biết, theo GLOBOCAL (Ghi nhận ung thư toàn cầu), mỗi năm, Việt Nam có thêm khoảng 110.000 ca mắc ung thư và khoảng 94.000 người chết vì ung thư. Số người mắc ung thư ở Việt Nam tăng nhanh, từ 68.000 ca năm 2000 lên 126.000 ca năm 2010 và dự kiến sẽ vượt 190.000 ca vào năm 2020. Bệnh gặp ở mọi tầng lớp xã hội, mọi lứa tuổi, mọi khu vực và mọi ngành nghề. Các loại ung thư thường gặp ở nước ta là ung thư phổi, vú, đại trực tràng, dạ dày, gan v.v...

“Đặc biệt, khi đến BV điều trị, bệnh nhân này tuân thủ nghiêm ngặt các phương pháp điều trị Tây y, chứ không sử dụng thuốc Đông y. Mỗi khi sử dụng thuốc hỗ trợ gì, đều xin ý kiến bác sĩ điều trị” - GS. Khoa cho biết.

Là người có gần nửa thế kỷ gắn với công tác điều trị ung thư cả ở trong và ngoài nước, GS. Mai Trọng Khoa cho biết: Cho đến nay tôi chưa thấy, cũng chưa có thông tin xác thực liệu trong dân gian có hay không những bài thuốc gia truyền chữa khỏi bệnh ung thư. Song có sự thật là tôi chưa thấy bệnh nhân nào mà tôi đã từng thăm khám khỏi ung thư chỉ nhờ các bài thuốc Đông y. Trong khi những bệnh nhân bị biến chứng, bệnh nặng lên do dùng thuốc của các “thầy lang” thì rất nhiều.

Theo GS. Khoa, có 3 nhóm bệnh nhân ung thư liên quan đến thuốc Đông y thường gặp là: Những người bị bệnh nhưng không đến BV điều trị, mà do nhận thức hoặc điều kiện kinh tế, họ chỉ uống thuốc của các ông lang bà mế. Đến khi bệnh đã ở giai đoạn cuối mới đến BV. Lúc này, việc điều trị vô cùng khó khăn, rất tốn kém mà không hiệu quả, tỉ lệ tử vong cao. Số bệnh nhân này chiếm nhiều nhất.

Nhóm bệnh nhân thứ hai là những người đến BV khám và được chẩn đoán bệnh ung thư nhưng lại bỏ điều trị ở BV để về uống thuốc Nam. Đến khi bị tái phát mới quay lại BV điều trị tiếp thì đã muộn.

Nhóm bệnh nhân nữa là những người đã được chẩn đoán và điều trị ở BV, nhưng giữa các đợt điều trị lại tự ý uống thuốc của các ông lang bà mế, dẫn đến biến chứng suy gan, suy thận, phải cấp cứu và chạy thận nhân tạo... Lúc này, việc điều trị Tây y cũng phải dừng lại vì biến chứng khiến bệnh nặng lên, nhiều nguy cơ tử vong.

“Trong quá trình điều trị Tây y, nếu sử dụng thuốc Đông y thì phải cân nhắc rất kỹ và nhất định phải được phép của bác sĩ để tránh sự tương tác không mong muốn giữa các thuốc làm bệnh nặng hơn” - GS. Khoa lưu ý.

Những hậu quả đau lòng

Các chuyên gia đầu ngành nhiều lần khuyến cáo một số bài thuốc Đông y chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị, chứ không thể chữa khỏi ung thư. Nhưng nhiều người vẫn tin vào những lời truyền tai về những “bài thuốc” chữa ung thư thiếu cơ sở khoa học, như lá đu đủ, bìm bịp, dâm bụt, lá sắn dây... Hậu quả là họ đã bỏ qua “thời gian vàng” và rước thêm bệnh, rơi vào tình trạng nguy kịch.

Trong lần dự một hội nghị ở BV K, tôi được TS. Phạm Thị Việt Hương - Khoa Nội nhi của BV K kể cho nghe một vài trường hợp đau lòng liên quan đến thuốc Nam: Một bệnh nhi ung thư xương được điều trị ổn định nên ra viện. Nhưng khi về nhà, cháu uống thuốc của một người tự xưng là “thánh” chữa ung thư, mỗi tháng hết 10 triệu đồng. Khỏi bệnh đâu chả thấy, chỉ thấy sau khi uống thuốc, cháu mệt mỏi, sút cân nhưng vẫn không dám bỏ vì bị “thánh” dọa nếu dừng thuốc của “thánh” thì tế bào ung thư phát tác rất nhanh(!).

Lần cùng các nhà hảo tâm đến thăm các bệnh nhi ở BV K, chúng tôi thấy một cháu bé gầy xơ xác, da xanh tái, thoi thóp trên giường bệnh. Bác sĩ cho biết, khi mới phát bệnh, cháu đã được điều trị tại BV nhưng rồi gia đình lại xin về để chữa bằng thuốc của thầy lang.

Chỉ sau 2 tháng, cháu được đưa trở lại BV trong tình trạng sức khỏe suy kiệt, thở khó khăn. Lúc này, đã qua mất “giai đoạn vàng” để điều trị nên khối u của cháu phình to chiếm hết ổ bụng, vượt quá đầu dò siêu âm, không đo được kích thước, nên việc bé tử vong đã cận kề...

Một bệnh nhân điều trị ở nước ngoài về xin GS. Mai Trọng Khoa tư vấn và điều trị tiếp.

Phòng bên cạnh, một bé khác quê ở Hải Dương may mắn hơn. Vài tháng trước, khi đang được điều trị hóa chất ở BV K đã tiến triển tốt thì bà cháu đưa về nhà uống thuốc Nam của ông lang trên Hà Giang. Sau khi uống, cháu liên tục nôn ọe và yếu đi rất nhanh, còn khối u càng phát triển.

Mẹ cháu đưa cháu quay lại BV K. khi cháu đã bị suy gan, suy thận do uống nhiều nước lá độc. May mắn, các bác sĩ cho cháu truyền hóa chất cùng các biện pháp hỗ trợ cần thiết nên sức khỏe của cháu dần được cải thiện, khối u nhỏ dần.

Mới đây, BV Ung bướu TP Hồ Chí Minh tiếp nhận một nữ bệnh nhân bị ung thư vú giai đoạn cuối. Theo bệnh nhân, khi phát hiện có khối u nhỏ, chị đã nghe theo lời đồn nên chỉ đắp lá dâm bụt để hút khối u. Cho đến khi khối u lớn, chảy nước vàng, người đau nhức, chị mới đến BV thì đã muộn vì khối u di căn...

BV Ung bướu Hà Nội cũng đã tiếp nhận một nữ bệnh nhân vết lở loét, sưng phồng, chảy máu mủ ở vú và khối u đã ở sang giai đoạn cuối... Các bác sĩ xác định bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng tuyến vú và phần hoại tử đã lan rộng nên phải cắt bỏ toàn bộ vú. Đây cũng là nạn nhân tin vào lời quảng cáo “chữa khỏi các bệnh ung thư mà BV trả về” để sử dụng thuốc lá của thầy lang.

Quảng cáo các bài thuốc ung thư như “thần dược”, khiến nhiều người bệnh tin theo, nhưng khi các “thầy lang” bị ung thư thì lại nhanh chân tìm đến y học hiện đại để chữa chứ họ không uống các thứ “thuốc” mà họ cho người khác dùng. Sự thật này, nếu không nhờ GS. Mai Trọng Khoa, tôi và rất nhiều người hoàn toàn không thể biết.

“Thần dược” và sự cả tin

Trong cơn bi quẫn vì bệnh hiểm nghèo, người bệnh và gia đình họ rất dễ tin vào lời quảng cáo với hy vọng thoát “án tử hình”. Vì thế, mới đây rộ lên phong trào sử dụng nano vàng vì “là phương pháp khoa học chữa khỏi ung thư”. Khác với thuốc của các “lang vườn”, người rao bán nano vàng là một nhà khoa học nên nhiều người sẵn sàng bỏ ra 10-14 triệu mỗi chai và 4-5 chai/đợt uống, với hy vọng thoát được căn bệnh này. Có điều, sự thật không như họ nghĩ.

Anh Trần Gia Trung (Hà Nội) cho biết, vợ anh được bác sĩ cho biết bị ung thư gan và chỉ định hóa trị vì ở giai đoạn sớm. Nhưng, chị được bạn bè giới thiệu trên mạng bán nano vàng nên mua để uống và từ chối điều trị ở BV. Rồi, không như kỳ vọng, bệnh ngày càng trở nặng. Anh đưa chị đến BV thì bác sĩ lắc đầu vì nano vàng đọng ở gan gây độc tính, khiến bệnh diễn biến xấu nhanh hơn.

“Tôi thật hối hận khi đã không kiên quyết đưa vợ đến BV mà chiều theo để cô ấy sử dụng nano vàng. Giờ đây, hậu quả là các con tôi không còn mẹ...” - anh Trung nghẹn lời.

Đáng buồn khi trường hợp như vợ anh Trung không phải là duy nhất. Vì thế, mới đây, BV K đã phải họp báo, thông tin chính thức về việc điều trị ung thư bằng nano vàng. PGS.TS. Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc BV K khẳng định, Hiệp hội Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) và Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) chưa cho phép thử nghiệm nano vàng trên người mà mới chỉ thử nghiệm trên động vật.

Tại Việt Nam, hiện nano vàng không có tên trong danh mục thuốc điều trị ung thư vì không có cơ sở khoa học, thậm chí, việc tích lũy hạt nano vàng ở các cơ quan trong cơ thể còn gây ra độc tính, nguy hiểm đến sức khỏe. Bộ Y tế không cho phép sử dụng nano vàng để điều trị ung thư, cũng chưa cấp bất kỳ giấy phép nào để nghiên cứu trên người.

Nghe tôi hỏi về nano vàng điều trị ung thư, GS. Mai Trọng Khoa cho biết, nano vàng chưa trở thành phác đồ điều trị ung thư tại Việt Nam vì Bộ Y tế chưa hướng dẫn. Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu - BV Bạch Mai là trung tâm ung bướu lớn nhất Việt Nam cũng chưa ứng dụng nano vàng vào điều trị.

Một loại “thuốc” nữa cũng được nhiều người tin tưởng là lá đu đủ. Khi bạn tôi nằm điều trị tại BV K, em chồng chị mang đến một bao tải lá đu đủ để chị sắc uống. Hóa ra, không ít người bệnh vẫn rỉ tai nhau về việc điều trị bằng lá đu đủ, sau khi đọc bài báo nói về một người đàn ông Úc bị ung thư di căn, nhờ uống lá đu đủ mà khỏi bệnh. Thông tin này vẫn được truyền tai nhau bất chấp nhiều trường hợp bị tai biến nặng do dùng lá đu đủ chữa bệnh.

Theo Ths. Đoàn Lực - Trưởng khoa Chống đau của BV K, việc tự ý chữa bệnh ung thư bằng lá đu đủ rất nguy hiểm vì có sự nhầm lẫn khi lá đu đủ được thổ dân Úc dùng là loại “paw paw” - đu đủ thân gỗ, còn đu đủ ở Việt Nam là cây thân thảo.

Cách đây vài tháng, bà N.T.T vào BV Ung bướu Hà Nội với khối u sắp vỡ, nguy cơ tử vong rất cao. Các bác sĩ cho biết, trước đây bệnh nhân đã được chẩn đoán bị ung thư vú giai đoạn 2 và khuyên bệnh nhân tuân thủ phác đồ điều trị vì còn khả năng khỏi bệnh. Tiếc rằng, bà T. lại nghe theo lời đồn mà bỏ trị để về đắp thuốc lá của thầy lang và uống lá đu đủ suốt 6 tháng liền.

Nọc bọ cạp xanh cũng đang được quảng cáo như một loại thuốc đặc trị ung thư. Tuy nhiên, các chuyên gia của BV K cho rằng, nọc bọ cạp xanh chỉ có tác dụng giảm đau. TS. Hà Phương Thư (Trưởng phòng Vật liệu nano y sinh, Viện Khoa học vật liệu - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) - người có nhiều công trình nghiên cứu khoa học về hỗ trợ điều trị ung thư với các giải thưởng trong nước và quốc tế, cho biết: Chưa có bằng chứng khoa học về tác dụng điều trị ung thư của nọc bò cạp. Mà các thực phẩm chức năng chỉ có tác dụng hỗ trợ nên không thể dùng độc lập, mà phải dùng với các loại thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.

GS. Trần Bình Giang - Giám đốc BV Việt Đức cho biết, trong chuyến sang Cuba làm việc, ông đã hỏi một số đồng nghiệp về tác dụng của nọc bò cạp trong điều trị ung thư thì các bác sĩ ở chính quê hương của nọc bò cạp xanh cho biết, họ chỉ coi đó là một loại “thuốc” của các “lang băm”, vì không tìm thấy bằng chứng khoa học điều trị được ung thư.

GS.TS. Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, nhấn mạnh: Ung thư không phải dấu chấm hết. Hiện nay, với những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đã có nhiều phương pháp điều trị ung thư chính thống hiệu quả như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, điều trị trúng đích, điều trị sinh học, điều trị miễn dịch v.v... Quan trọng là, mọi người phải chủ động đi khám, phát hiện sớm để điều trị kịp thời ung thư.

Thanh Hằng

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/chua-ung-thu-bang-than-duoc-mat-tien-thiet-than-505822/