Chùa Từ Hiếu, nơi thiền sư Thích Nhất Hạnh tịnh dưỡng ở đâu?

Chùa Từ Hiếu hay Tổ đình Từ Hiếu là tên một ngôi chùa ở thôn Dương Xuân Thượng III, phường Thủy Xuân, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Chùa là một trong những ngôi cổ tự lớn và là một danh lam có tính văn hóa và lịch sử của cố đô Huế.

Chánh điện chùa Từ Hiếu. Ảnh: My Trà

Chánh điện chùa Từ Hiếu. Ảnh: My Trà

Ngôi cổ tự độc đáo ở xứ Huế

Ẩn mình trong một rừng thông, chùa Từ Hiếu có khuôn viên rộng chừng 8 mẫu, mang vẻ đẹp hài hòa giữa kiến trúc và không gian thơ mộng, sơn thủy hữu tình.

Chùa vừa mang nét giản dị và vừa mang dáng dấp của kiến trúc cung đình Huế. Trên các bức phù điêu tại chùa được chạm khắc, trang trí với những hoa văn rồng phượng.

Chùa có lối kiến trúc chữ “Khẩu” với ba gian hai chái truyền thống tạo thành tổng thể khép kín. Trước là chính điện thờ Phật, sau là Quảng Hiếu Đường. Ở khu nhà hậu có án thờ Tả quân đô thống Lê Văn Duyệt cùng con ngựa gỗ và thanh đại đao của ông.

Cổng chùa được xây theo kiểu vòm cuốn, hai tầng có mái che và ngay trước con đường lát gạch để vào chánh điện là một hồ bán nguyệt trồng sen và nuôi cá cảnh.

Không giống với những ngôi chùa khác, bên cạnh những bức tượng Tam thế phật, Phật Thích Ca, chùa Từ Hiếu thờ tranh thay tượng. Điều này khiến không gian chốn thờ tự trở nên gần gũi hơn.

Cổng Tam quan của chùa Từ Hiếu. Ảnh: Báo Tổ quốc

Biểu tượng của lòng hiếu thảo

Được dựng nên từ năm 1843, chùa Từ Hiếu ban đầu chỉ là một Thảo Am với tên gọi là am An Dưỡng do Tổ sư Nhất Định tịnh tu và dưỡng mẹ già.

Một ngày nọ, mẹ của nhà sư Nhất Định bị bệnh rất nặng, phải bồi dưỡng thịt cá vì quá suy nhược cơ thể. Hàng ngày sư Nhất Định chống gậy băng rừng hơn 5km để xuống chợ mua cá mang về nấu cháo cho mẹ tẩm bổ, mặc những lời đàm tiếu của người đời vì cho rằng là hòa thượng nhưng lại ăn mặn

Câu chuyện của sư Nhất Định đến tận tai Tự Đức. Vốn là một vị vua rất hiếu thảo với mẹ. Vào năm 1848, một năm sau ngày sư Nhất Định viên tịch, Vua Tự Đức nhớ đến chuyện xưa, đã ban tiền để tu sửa lại và ban tên “Từ Hiếu tự”. Thảo Am An Dưỡng được mang tên chùa Từ Hiếu từ đó.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh (ngồi xe) dạo chùa cùng các tăng ni, Phật tử. Ảnh: PĐ

Nơi an dưỡng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Ngày nay, nhiều du khách gần xa còn biết đến chùa Từ Hiếu là nơi thiền sư Thích Nhất Hạnh trở về và an dưỡng đến lúc cuối đời.

Ngày 28/10/2018, Thiền sư Thích Nhất Hạnh trở về chùa Từ Hiếu để xin tịnh dưỡng tại đây cho đến lúc viên tịch. Sở dĩ Thiền sư Thích Nhất Hạnh chọn chùa Từ Hiếu làm nơi tịnh dưỡng vì đây là nơi mà ngài đã xuất gia tu học năm ngài 16 tuổi.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là ai?

Thiền sư Thích Nhất Hạnh sinh năm 1926 tại Thừa Thiên - Huế với tên khai sinh là Nguyễn Xuân Bảo. Ông xuất gia theo Thiền tông vào năm 16 tuổi tại chùa Từ Hiếu. Ông trở thành một nhà sư vào năm 1949.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Ảnh: UBC

Ông đã viết hơn 100 cuốn sách, trong đó hơn 40 cuốn bằng tiếng Anh, với một số tác phẩm nổi bật như Đường xưa mây trắng, Phép lạ của sự tỉnh thức, Hạnh phúc cầm tay, Phật trong ta, Chúa trong ta...

Ông là người đưa ra khái niệm “Phật giáo dấn thân” (engaged Buddhism) trong cuốn sách "Việt Nam: Hoa sen trong biển lửa" (Vietnam: Lotus in a Sea of Fire).

Năm 1956 ông là Tổng biên tập của Phật giáo Việt Nam, tờ báo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Vào thập niên 1960, ông thành lập Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội (School of Youth for Social Services – SYSS) ở Sài Gòn, một tổ chức từ thiện xây dựng lại các làng bị bỏ bom, xây dựng trường học và các trạm xá, và giúp các gia đình bị trở thành vô gia cư trong Chiến tranh Việt Nam.

Cuộc đời ông gắn liền với các hoạt động vì hòa bình.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nhiều lần đến Mỹ để nghiên cứu và diễn thuyết tại Viện Đại học Princeton và Viện Đại học Cornell, và sau này giảng dạy tại Viện Đại học Columbia. Tuy nhiên, mục đích chính của những chuyến ra nước ngoài của ông chủ yếu là để vận động cho hòa bình.

Năm 1965, Thiền sư đã viết thư cho nhà hoạt động nổi tiếng Mỹ Martin Luther King Jr. để kêu gọi ông công khai chống lại Chiến tranh Việt Nam. Trong cuộc gặp gỡ 1 năm sau đó giữa hai người, King đã phản đối mạnh mẽ chiến tranh Việt Nam. Năm 1967, King đề cử Thiền sư Thích Nhất Hạnh cho Giải Nobel Hòa bình. Tuy nhiên năm đó không ai được trao giải.

Ông cũng từng tổ chức các khóa tu thiền cho người Israel và người Palestine, khuyến khích họ lắng nghe và học hỏi lẫn nhau. Đồng thời kêu gọi các nước đang tham chiến hãy đình chiến và tìm kiếm giải pháp hòa bình. Năm 2005, ông tổ chức buổi diễu hành vì hòa bình ở Los Angeles với sự tham gia của hàng nghìn người.

Theo thiền sư Thích Nhất Hạnh, chìa khóa để hòa giải chính là việc "biết lắng nghe". Ông cũng khuyên các chính trị gia nên học theo con đường của Phật giáo để giúp ích cho đàm phán và hòa giải.

Sau hơn 40 năm rời xa quê hương, ông về Việt Nam lần đầu vào năm 2005 và năm 2007, ông đi khắp đất nước, tổ chức những khóa tu, buổi pháp thoại và gặp gỡ các tăng ni phật tử. Trong cùng năm đó, ông đã tổ chức ba trai đàn chẩn tế lớn tại ba miền Việt Nam nhằm cầu nguyện và giải trừ oan khổ cho những người từng chịu hậu quả của chiến tranh.

Trong một bài viết năm 2009, tờ AP của Mỹ đánh giá thiền sư Thích Nhất Hạnh là nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai ở phương Tây, chỉ sau Đạt Lai Lạt Ma bởi những hoạt động không ngừng nghỉ của mình.

An Nhi

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/chua-tu-hieu-noi-thien-su-thich-nhat-hanh-tinh-duong-o-dau-89936.html