Chưa Trung thu đã phát hiện hàng lậu

Năm nào cũng vậy, cứ gần đến rằm Trung thu, lực lượng chức năng lại đau đầu với vấn nạn hàng lậu, trong đó mặt hàng bánh Trung thu là một trong những hàng hóa gây nhức nhối nhất. Việc nhiều cơ sở kinh doanh có hành vi buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây bất an cho người tiêu dùng.

Bánh trung thu “3 không”

Theo Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội, thời gian gần đây một số đối tượng mở tờ khai nhập khẩu các sản phẩm hàng hóa bánh kẹo hợp pháp, thế nhưng lại lợi dụng vấn đề này để lấy những tờ kê khai và công bố sản phẩm hợp pháp đã in nhãn phụ dán mác bánh Trung thu không rõ nguồn gốc, không phù hợp với chủng loại hàng hóa đã khai báo để nhập hàng. Lực lượng chức năng đã phát hiện hàng chục vụ nhập lậu bánh Trung thu, tiến hành thu giữ hàng ngàn sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra và phát hiện hàng chục nghìn sản phẩm bánh Trung thu nhập lậu.

Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra và phát hiện hàng chục nghìn sản phẩm bánh Trung thu nhập lậu.

Điển hình, vào sáng ngày 21/8/2020, Đội 3, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an thành phố Hà Nội phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 17, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội tiến hành kiểm tra địa điểm tập kết hàng hóa của Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Hoàng Minh Đức (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Tại thời điểm kiểm tra, trong kho hàng của công ty có 22.000 sản phẩm là bánh Trung thu (bánh nướng các loại) do Trung Quốc sản xuất, không có hóa đơn chứng từ và công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Cũng tại thời điểm kiểm tra, bà Nguyễn Thị Giang là giám đốc công ty chỉ xuất trình được một hóa đơn nhưng không phù hợp với chủng loại hàng hóa kiểm tra. Lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ hàng hóa để tiếp tục củng cố hồ sơ, xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, ngày 8/8/2020, hai đơn vị trên cũng đã phát hiện số lượng lớn hàng hóa là bánh kẹo do nước ngoài sản xuất không rõ nguồn gốc. Cụ thể, vào trưa ngày 8/8/2020, hai đơn vị này bất ngờ kiểm tra điểm tập kết hàng hóa do Nguyễn Hữu Bách (trú tại huyện Chí Linh, Hải Dương) làm chủ tại số 27 Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 8.000 sản phẩm bánh kẹo, tương đương khoảng hơn nửa tấn không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Theo ghi nhận, các sản phẩm bánh gồm: Bánh Trung thu, bánh chuối, bánh pho mai,... do nước ngoài sản xuất. Quá trình khai thác, Bách khai số hàng hóa trên được thu mua gom, trôi nổi trên thị trường ở các cửa khẩu biên giới phía Bắc, sau đó tập kết tại 27 Trần Duy Hưng để bán cho các đầu mối ở Hà Nội và các tỉnh lân cận để kiếm lời.

Mới đây, Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cũng cho biết, đơn vị này vừa phối hợp với lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện, xử lý hai trường hợp vận chuyển tổng số lượng lên đến hàng nghìn chiếc bánh Trung thu, có dấu hiệu nhập lậu. Trong đó, vụ việc đầu tiên liên quan đến Nguyễn Duy Khánh (trú tại quận Hai Bà Trưng), số hàng này bị phát hiện, bắt quả tang tại trước cửa số nhà 3/1 Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng, khi đang vận chuyển 10 thùng hàng hóa là bánh Trung thu (loại 100 chiếc/thùng) ghi nhãn hiệu Longfuchip. Quá trình kiểm tra, toàn bộ số hàng do Khánh vận chuyển đều được ghi nhãn bằng tiếng nước ngoài nhưng đối tượng không xuất trình được hóa đơn chứng từ liên quan đến công bố chất lượng, nguồn gốc xuất xứ,…

Lực lượng chức năng đã tạm giữ số bánh trên để xử lý theo quy định. Vụ việc thứ hai liên quan đến Trần Hồng Hạnh (trú tại huyện Đông Anh, Hà Nội). Đội Cảnh sát kinh tế và lực lượng chức năng phát hiện đối tượng này đang cho tập kết 20 thùng hàng hóa là bánh Trung thu tại số 938 Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng. Toàn bộ số hàng này được xác định do nước ngoài sản xuất. Tổng số hàng đối tượng vận chuyển là 2.400 chiếc bánh Trung thu, không có hóa đơn chứng từ.Theo chỉ huy Đội Cảnh sát kinh tế, các cá nhân này đã gom bánh nhập lậu ở các tỉnh biên giới rồi đưa vào nội địa, tìm cách tiêu thụ ở các cửa hiệu tạp hóa ngay tại Hà Nội.

Theo lực lượng chức năng, để buôn bán trót lọt, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động, phương tiện vận chuyển được thay đổi biển kiểm soát và thậm chí đổi địa điểm tập kết hàng hóa liên tục. Về đến Hà Nội, các đối tượng lại phân chia, xé lẻ hàng đi ngay chứ không tập kết lâu ở một địa điểm.
Cũng theo lực lượng chức năng, đây là những chiếc bánh “3 không”: không rõ thành phần nguyên liệu, không ghi ngày sản xuất và không hạn sử dụng, nhập lậu với giá siêu rẻ. Mỗi chiếc bánh này được nhập vào từ 1.000 đến 2.000/chiếc, thường được bán trên mạng xã hội hoặc các trang thương mại điện tử.

Qua các vụ bắt giữ gần đây cho thấy, thủ đoạn chung mà các đối tượng thường sử dụng để tiêu thụ hàng lậu là: Rao bán trên các trang mạng, khi khách đặt hàng mới bắt đầu gửi ship. Đáng chú ý, để tránh sự chú ý của lực lượng chức năng, thay vì buôn bán rầm rộ, chủ hàng chỉ tập kết với số lượng nhỏ lẻ, trị giá chỉ vài chục triệu đồng nhưng việc nhập hàng diễn ra gần như đều đặn. Một số chủ hàng gom bánh nhập lậu ở các tỉnh biên giới rồi đưa vào nội địa, tìm cách tiêu thụ ở các cửa hàng tạp hóa.

Gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người tiêu dùng

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học thực phẩm), dù là loại bánh nào cũng cần phải công khai bảng thành phần, tên thương hiệu,… đến người tiêu dùng để người tiêu dùng tự kiểm chứng và quyết định có mua hay không. Trong khi những loại bánh này lại giấu nhẹm những thông tin quan trọng nhất thì dù cho giá rẻ đến mấy, người tiêu dùng cũng cần cẩn trọng, đừng để ăn vào hại thân. “Cũng như nhiều loại bánh khác, bánh Trung thu sẽ được người sản xuất sử dụng các loại màu thực phẩm. Nếu sử dụng màu thực phẩm được Bộ Y tế cho phép thì an toàn sức khỏe. Nhưng nếu rủi ro, chúng ta sẽ ăn phải bánh sử dụng chất tạo màu không được phép sử dụng trong công nghệ chế biến thực phẩm. Điều này vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng. Do đó, không nên mua và ăn những loại bánh Trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không được công khai bảng nguyên liệu thành phần”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khẳng định.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, một số chất tạo màu có thể gây nguy hiểm sức khỏe là: Brilliant blue (dùng trong chế biến sữa, thạch, xiro, đồ uống, kẹo) có nguy cơ gây dị ứng, erythrosine (sử dụng trong chế biến kẹo, bánh nướng, gia vị, thực phẩm ăn nhẹ) gây ung thư tuyến giáp, allura red (sử dụng trong chế biến thực phẩm ăn nhẹ, nước uống không cồn) có thể gây dị ứng, hen suyễn,viêm mũi ở người, chứng hiếu động thái quá ở trẻ em,… Việc không công khai bảng thành phần khiến người tiêu dùng không thể yên tâm được và nguy hại sức khỏe hoàn toàn có thể xảy ra.

Qua đó, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyên, người tiêu dùng không nên ham rẻ, tránh mang bệnh tật vào người. Hiện nay, thị trường bánh Trung thu nói chung khá loạn về chất lượng nên cần hết sức cẩn trọng khi mua về sử dụng, nhất là với những loại bánh làm từ nguyên liệu giá rẻ, không rõ cơ sở sản xuất, hạn sử dụng,… “Nên lựa chọn sản phẩm có xuất xứ rõ ràng, không ham rẻ, màu sắc bắt mắt, hấp dẫn vì không đảm bảo sức khỏe cho chúng ta. Đối với các loại bánh Trung thu nhập ngoại nếu không có nhãn phụ bằng tiếng Việt cũng được coi là không rõ nguồn gốc, xuất xứ, người tiêu dùng nên cẩn trọng khi mua”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cảnh báo.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cũng khuyến cáo rằng: “Các cơ quan chức năng nên tổ chức lấy xác suất một số mẫu bột làm bánh trên thị trường để xem có gây mất an toàn thực phẩm hay không, nếu không an toàn phải cấm lưu hành để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Khi mua bánh về, nếu thấy dấu hiệu bánh hỏng thì không được sử dụng, kể cả bánh chính hãng”.

Bên cạnh nỗ lực của các cơ quan chức năng thì để có một Tết Trung thu vui vẻ, an toàn, người tiêu dùng chỉ nên mua và sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, kiểm tra kỹ nhãn, mác, đảm bảo sức khỏe cho chính mình và người thân./.

H. Phong

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/chua-trung-thu-da-phat-hien-hang-lau-112083.html