Chữa trầm cảm, đau xương khớp tự dưng… biến mất

Không ít trường hợp điều trị triệu chứng lo âu, trầm cảm thì các cơn đau xương khớp, dạ dày cũng biến mất.

Cuộc sống hiện đại nhiều áp lực, bệnh lý trầm cảm ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, nhiều người mắc bệnh trầm cảm nhưng lại biểu hiện triệu chứng ở nhiều cơ quan khác khiến bệnh nhân lẫn bác sĩ (BS) lầm tưởng, chỉ tập trung chữa trị bệnh lý các cơ quan mà không biết rằng căn nguyên lại chính từ vấn đề tâm lý.

Đau lưng gần ba năm không khỏi

Khoa nội thần kinh - Bệnh viện (BV) Quân y 175 (TP.HCM) tiếp nhận nhiều bệnh nhân từng chữa các bệnh lý cơ xương khớp, dạ dày, thậm chí Parkinson ở nhiều nơi mà không khỏi.

Mới đây, khoa tiếp nhận bệnh nhân NTN (28 tuổi, quận Gò Vấp, TP.HCM) bị đau lưng gần ba năm. Thời gian đầu chị N. tự mua thuốc ở phòng mạch tư về uống nhưng triệu chứng không giảm. Chị tiếp tục đi khám ở vài BV chuyên khoa về chấn thương chỉnh hình, được cho thuốc kháng viêm giảm đau, giãn cơ và tập vật lý trị liệu. Thậm chí chị còn được cho sử dụng phương án mạnh tay là “phong bế” chích thuốc trực tiếp vào vùng đau.

Chị N. tìm đến Khoa nội thần kinh của BV để điều trị rối loạn giấc ngủ. Chị cho biết mình đang làm việc cho một công ty đa quốc gia, thường xuyên được giao khoán công việc và phải hoàn thành với thời gian gấp gáp. Do từ miền Tây lên TP.HCM lập nghiệp, kinh tế không dư dả nên chị luôn cố gắng làm tốt công việc để nhận mức lương, thưởng cao nhằm trang trải cuộc sống.

Qua khai thác bệnh sử, các BS nhận thấy bệnh nhân có nhiều yếu tố thiên về thể bệnh rối loạn lo âu, trầm cảm nên quyết định cho dùng thuốc kết hợp với liệu pháp tâm lý. Sau hai tuần điều trị, các triệu chứng đau lưng của chị giảm hẳn, ngủ ngon hơn. Sau sáu tháng, chị N. đã phục hồi tốt. Chị cho biết xác định sức khỏe là quan trọng nên đã tạm gác công việc, dự định tìm việc khác nhẹ nhàng để tránh bệnh tái phát.

Trường hợp nghiêm trọng hơn là ông LAT (47 tuổi, quận Tân Bình, TP.HCM) đến BV khám sau thời gian dài lo âu, căng thẳng vì công việc làm ăn thất bại. Cạnh đó, ông còn có triệu chứng lờ đờ, chậm chạp. Theo lời ông T., ông từng được chẩn đoán mắc bệnh Parkinson và phải uống thuốc thời gian khá dài, thậm chí nhập viện điều trị nội trú nhưng không đỡ.

Tại Khoa nội thần kinh, các BS đã bỏ hết thuốc điều trị chứng Parkinson, tập trung vào nhóm thuốc chống trầm cảm cho bệnh nhân thì các triệu chứng của bệnh Parkinson thuyên giảm. Sau hai tháng, ông T. đáp ứng tốt với điều trị, không còn run tay chân, vận động thanh thoát và hiện được tiếp tục duy trì thuốc, liệu pháp tâm lý đến sáu tháng sau.

BS Tạ Vương Khoa đang tìm hiểu và tư vấn tâm lý cho một người bệnh trẻ. Ảnh: AC

BS Tạ Vương Khoa đang tìm hiểu và tư vấn tâm lý cho một người bệnh trẻ. Ảnh: AC

Trầm cảm ảnh hưởng nhiều cơ quan

BS Tạ Vương Khoa, Khoa nội thần kinh BV Quân y 175, cho biết tình trạng người bệnh đến đăng ký khám tâm lý, than phiền về việc điều trị đau cơ xương khớp dai dẳng ở nhiều nơi nhưng không khỏi khá phổ biến. Sau khi khai thác bệnh sử và điều trị bằng các loại thuốc chống trầm cảm, các chứng đau thực thể của bệnh nhân cũng được cải thiện.

Theo BS Khoa, trầm cảm gây rối loạn hoạt động thần kinh não bộ, cuối cùng biểu hiện ra ngoài bằng các triệu chứng khó chịu ở hàng loạt cơ quan đích như cơ xương khớp, tim, phổi, dạ dày, ruột, gan, thận, mạch máu… Người bệnh vì vậy có thể than phiền triệu chứng ở bất cứ cơ quan nào. Trong đó, cơ xương khớp là một trong những vị trí hay thể hiện triệu chứng nhất.

Nhiều người mắc bệnh trầm cảm nhưng không hề biết, lâu dài có thể gây tổn thương các cơ quan đích, là yếu tố nguy cơ của hàng loạt bệnh lý, trong đó có các bệnh lý rất nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Nếu có những triệu chứng lo âu, rối loạn giấc ngủ, thay đổi bất thường về sức khỏe tinh thần…, bạn cần đến gặp BS chuyên khoa tâm thần kinh để được can thiệp sớm.

BS TẠ VƯƠNG KHOA, Khoa nội thần kinh - BV Quân y 175

Cũng theo BS Khoa, trầm cảm có thể gặp ở nhiều lứa tuổi nhưng nhiều nhất ở tuổi trung niên. Đáng lo ngại là xu hướng mắc bệnh đang có dấu hiệu ngày càng trẻ hóa, Khoa nội thần kinh BV Quân y 175 gặp bệnh nhân ở độ tuổi 20-30 tương đối phổ biến. Gặp bệnh nhân trẻ đến khám, than phiền đã chữa trị các triệu chứng đau cơ xương khớp dài ngày ở nhiều nơi không khỏi, các BS sẽ có thêm cơ sở nghĩ đến nhóm bệnh trầm cảm.

“Các BS tuy không thuộc chuyên khoa tâm thần kinh nhưng cũng cần có kiến thức cơ bản để nhận diện và tư vấn cho người bệnh. Chẳng hạn, người bệnh than đau khớp dai dẳng nhưng phim chụp thể hiện hình ảnh thoái hóa, viêm rất ít, thậm chí không có thì cân nhắc tham khảo ý kiến hoặc gửi bệnh nhân đến BS chuyên khoa tâm thần kinh để phối hợp chẩn đoán và điều trị. Không nên tập trung vào mỗi bệnh lý tại chỗ” - BS Khoa lý giải.

BS Khoa khuyến cáo đối với bệnh nhân, nếu có các triệu chứng bất thường về cơ xương khớp, dạ dày, bụng, ngực… đã khám và điều trị nhiều đợt tại các chuyên khoa liên quan không thấy đỡ, hãy nghĩ và thử tìm đến các BS chuyên khoa tâm thần kinh. Đối với các BS, nếu quá trình thăm khám, điều trị và theo dõi cảm thấy nghi ngờ, nên tư vấn và giới thiệu bệnh nhân đến gặp BS chuyên khoa tâm thần kinh, tránh bỏ sót nhóm bệnh lý rối loạn lo âu, trầm cảm.

Trầm cảm vì liều mua chung cư trả góp

Anh THV (32 tuổi, quận Thủ Đức, TP.HCM) đến Khoa nội thần kinh BV Quân y 175 khám do đau dạ dày đã sáu tháng với một xấp giấy xét nghiệm dạ dày, danh mục thuốc bảo vệ niêm mạc, chống co thắt dạ dày được kê trước đó. Anh V. là công nhân, lương ba cọc ba đồng nhưng… đánh liều mua chung cư trả góp. Vài tháng gần đây, áp lực nợ nần tăng, vợ chồng thường xuyên lục đục nên anh cảm thấy bế tắc. Sau khi được các BS cho uống thuốc kết hợp với tư vấn tâm lý, các triệu chứng về tâm thần kinh dần cải thiện, chứng đau dạ dày của anh cũng biến mất.

HOÀNG LAN

Nguồn PLO: https://plo.vn/suc-khoe/chua-tram-cam-dau-xuong-khop-tu-dung-bien-mat-941962.html