Chưa tìm được tiếng nói chung

Mỹ đề nghị Triều Tiên nối lại đàm phán tại Stockholm

(HNM) - Trong bối cảnh tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vẫn “giậm chân tại chỗ” kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi tháng 2-2019, hai nước đồng minh truyền thống là Mỹ và Hàn Quốc chưa tìm được tiếng nói chung trong các dự án hợp tác liên Triều, khi xứ Cờ hoa kiên định thực thi các chính sách gia tăng sức ép với quốc gia Đông Bắc Á.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gợi ý các hoạt động hợp tác liên Triều tại khu vực biên giới.

Sự khác biệt trong quan điểm giữa Seoul và Washington xuất phát từ những phương án hợp tác liên Triều nhằm thúc đẩy hòa bình khu vực mà Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đưa ra trong bài phát biểu chúc mừng năm mới hôm 7-1 vừa qua. Theo nhà lãnh đạo Hàn Quốc, vấn đề hòa bình trên bán đảo Triều Tiên cần nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, song có những việc có thể giải quyết bằng hợp tác liên Triều. Do đó, ông đề xuất hai miền Triều Tiên chân thành đối thoại và thảo luận. Tổng thống Moon Jae-in lập luận rằng, mở rộng hợp tác sẽ giúp thúc đẩy tiến trình đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên, trong một số trường hợp sẽ mở đường để cộng đồng quốc tế gỡ bỏ một phần các biện pháp trừng phạt với Bình Nhưỡng. Bên cạnh đó, ông chủ Nhà Xanh cũng đưa ra gợi ý về các hoạt động hợp tác tại khu vực biên giới, đồng thời xem xét các tour du lịch tư nhân tới Triều Tiên.

Trước những phương án này, Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Harry Harris đã công khai bày tỏ lập trường phản đối. Trả lời câu hỏi của báo giới ngày 16-1 về ý định cho phép khách lẻ du lịch tới Triều Tiên, Đại sứ H.Harris cho rằng bất kỳ kế hoạch nào của Hàn Quốc đều phải được nhóm công tác Mỹ - Hàn thông qua nhằm tránh gây hiểu lầm và có thể khiến Washington áp đặt các lệnh cấm vận. Ngoài ra, ông H.Harris còn đánh giá suy nghĩ của Tổng thống Moon Jae-in có phần lạc quan nhằm tạo ra một tia hy vọng, song Hàn Quốc cần phải thảo luận với Mỹ khi hành động trên thực tế. Phát biểu này mang hàm ý nếu Seoul vẫn xúc tiến việc đưa khách du lịch tới Triều Tiên, Washington có thể sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt.

Trả lời câu hỏi của Hãng thông tấn Yonhap, Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ nước này luôn ủng hộ tiến trình hợp tác, phối hợp liên Triều và hy vọng việc này chung nhịp với tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, nhưng lại nhắc tới việc các quốc gia cần thực thi đầy đủ nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm vào Bình Nhưỡng. Bình luận này cho thấy xứ Cờ hoa đang khá dè chừng trước những nỗ lực của quốc gia đồng minh châu Á nhằm khôi phục các dự án hợp tác liên Triều mà không có sự tham vấn trước với Mỹ. Trên thực tế, nhiều sáng kiến mà Tổng thống Moon Jae-in đưa ra, trong đó có dự án kết nối đường sắt và đường bộ giữa hai miền, hiện bị trì hoãn do các lệnh trừng phạt quốc tế.

Trong khi đó, Hàn Quốc lại duy trì quan điểm tương đối kiên quyết về các hoạt động hợp tác của nước này với Triều Tiên. Đáp lại nhận định của Đại sứ H.Harris, Chính phủ Hàn Quốc chỉ trích đây là phát biểu rất không phù hợp. Văn phòng Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho rằng, hợp tác liên Triều là vấn đề do Chính phủ Hàn Quốc quyết định. Trong một cuộc họp báo hồi tuần trước, Tổng thống Moon Jae-in cũng cho biết các chuyến du lịch cá nhân tới Triều Tiên không nằm trong phạm vi các lệnh trừng phạt mà Mỹ và cộng đồng quốc tế áp đặt đối với Bình Nhưỡng.

Washington vốn vẫn luôn lo ngại việc cho phép miễn trừ trừng phạt có thể hủy hoại chính sách gây sức ép tối đa nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Phát biểu của giới chức Mỹ tiếp tục được đánh giá là áp lực đặt lên chính quyền Tổng thống Moon Jae-in, trong khi Hàn Quốc vẫn đang xoay xở tìm cách khởi động các dự án liên Triều không chịu ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc để thúc đẩy đối thoại Mỹ - Triều.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/955991/chua-tim-duoc-tieng-noi-chung