Chưa thể yên tâm

Mặc dù đã được thẩm duyệt và cấp văn bản nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy, nhưng nhiều chung cư trên địa bàn TP Hà Nội vẫn tồn tại một số vi phạm, có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn của cư dân khi có sự cố xảy ra. Điều này khiến xã hội, nhất là các cư dân chưa thể yên tâm.

Kiểm tra áp lực nước chữa cháy tại chung cư Ecolife Capitol.

Vi phạm ở nhiều tầng mức...

Sau khi kiểm tra chung cư Ecolife Capitol (quận Nam Từ Liêm), Đại úy Vũ Đức Hưng, Phó Trưởng phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy (Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội) cho biết, hệ thống phòng cháy, chữa cháy của tòa nhà bảo đảm theo hồ sơ đã được duyệt. Tuy nhiên, hệ thống hút khói (gồm cả hệ thống tăng áp ở hành lang và tầng hầm) hoạt động chậm; 5 đến 10 phút sau khi khói nhân tạo được mở, nhưng hệ thống hút khói vẫn chưa được thực hiện. "Đây mới chỉ là khói nhân tạo, có độ nhẹ và nhanh tan. Nếu là khói của đám cháy thật thì sẽ rất nguy hiểm khi hệ thống hút khói hoạt động chậm như vậy" - Đại úy Vũ Đức Hưng nói. Ngoài ra, chủ đầu tư đã chèn các vật liệu ở các điểm trục kỹ thuật thông tầng bằng 2 lớp tôn, ở giữa có lớp bông thủy tinh. Theo đúng quy định, khu vực này phải được ngăn bằng các vật liệu chống cháy, nếu chủ đầu tư sử dụng các vật liệu khác phải được cơ quan có thẩm quyền kiểm định. Chưa kể, việc ngăn chia khu vực thương mại tại chung cư này cũng chưa đúng với hồ sơ đã được thẩm định, vì vậy đoàn kiểm tra yêu cầu chủ đầu tư lập hồ sơ để thẩm duyệt lại.

Theo Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 3, tại chung cư 15T (quận Cầu Giấy) cũng có một số tồn tại như, văn bản thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy không được lưu trữ đầy đủ; cửa lùa khu vực buồng thang hầm tầng 1 và tầng 2 chưa được kết nối với hệ thống báo cháy tự động; đèn chiếu sáng thoát nạn khi có sự cố gặp trục trặc; việc ngăn chia khu vực kinh doanh (từ tầng 1 đến tầng 3 của tòa nhà) chưa được thẩm duyệt bổ sung… Ngoài ra, chung cư này cũng chưa mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc. Còn ở chung cư Packexim 1 (quận Tây Hồ), dù hầu hết hệ thống phòng cháy, chữa cháy đều hoạt động tốt, nhưng áp lực nước thấp nên mất nhiều thời gian để máy bơm hoạt động, khi có sự cố xảy ra, điều này sẽ làm giảm hiệu quả chữa cháy ban đầu.

Những tồn tại trong công tác phòng cháy, chữa cháy không được khắc phục triệt để, chắc chắn sẽ tiềm ẩn những rủi ro không nhỏ về người và tài sản. Nhất là gần đây vẫn liên tiếp xảy ra hỏa hoạn, như vụ cháy vào chiều 25-5, căn hộ tại tầng 18 tòa CT3, chung cư Bắc Hà (quận Hà Đông); hay vụ cháy vào tối 23-5, tầng 5 tòa B, chung cư Vinaconex 3 (quận Cầu Giấy). Một điều đáng nói khác, hai chung cư này đều đã được thẩm duyệt và cấp văn bản nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy...

Tiếp tục công khai công trình vi phạm

Đại úy Vũ Đức Hưng cho biết, mục đích của đoàn kiểm tra liên ngành nhằm thực hiện theo tinh thần Thông báo số 64/TB-VP ngày 5-4-2018 của UBND TP Hà Nội về kết luận buổi họp kiểm điểm tình hình công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn thành phố, thống nhất chỉ đạo tăng cường biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy trong thời gian tới. Trong đó, UBND thành phố giao Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội chủ trì cùng Sở Xây dựng và 30 quận, huyện, thị xã tổ chức tổng kiểm tra, rà soát, đánh giá điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với 100% nhà, chung cư cao tầng trên địa bàn thành phố. Sau các buổi kiểm tra, đoàn liên ngành đã yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý, ban quản trị chung cư nhanh chóng khắc phục những tồn tại, hạn chế. “Các chủ đầu tư đều cam kết sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện khắc phục trong thời gian sớm nhất, bảo đảm an toàn cho người dân” - Đại úy Hưng cho hay.

Lực lượng chức năng kiểm tra hệ thống chữa cháy tại một chung cư trên địa bàn TP Hà Nội.

Đại tá Trần Văn Vụ, Trưởng phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy (Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội) cho biết, sau khi rà soát, kiểm tra, cuối tháng 5-2018, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội đã có Văn bản số 722/CSPC&CCHN-P3, công khai danh sách 91 cơ sở, công trình nhà cao tầng tồn tại về phòng cháy, chữa cháy. Phần lớn trong danh sách này là các chung cư cao tầng, cũng có không ít khách sạn, ngân hàng, thậm chí là trụ sở cơ quan nhà nước cấp quận. Đại tá Trần Văn Vụ nhấn mạnh, đây mới chỉ là danh sách đợt 1, bởi công tác kiểm tra, rà soát vẫn đang được tiến hành. Nếu tiếp tục phát hiện sai phạm, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố sẽ tiếp tục công bố để người dân nắm rõ.

Đối với những công trình cao tầng, đặc biệt là chung cư còn tồn tại về vấn đề này, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố tiếp tục phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn chủ đầu tư khắc phục. Riêng những chung cư cao tầng vi phạm nghiêm trọng về an toàn phòng cháy, chữa cháy nhưng chủ đầu tư, đơn vị quản lý chây ỳ, cố tình không chấp hành các biện pháp xử lý vi phạm hành chính, không thực hiện các nội dung kiến nghị, yêu cầu khắc phục của cơ quan có thẩm quyền thì xem xét, đề xuất chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự theo quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự.

Theo Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội, tính đến cuối tháng 5-2018, vẫn còn 28/79 chung cư cao tầng vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy trong lĩnh vực đầu tư xây dựng chưa hoàn thành công tác khắc phục. Trong khi đó, theo Văn bản số 1850/UBND-NC của UBND TP Hà Nội thông báo yêu cầu khắc phục các tồn tại, vi phạm phòng cháy, chữa cháy, các công trình này phải hoàn thành khắc phục xong trước ngày 30-6.

Bài, ảnh: Tiến Thành

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/903647/chua-the-yen-tam