Chưa thể tuyên án vụ vợ chồng kêu oan tội phá rừng

Sau nhiều ngày nghị án, sáng 5-10, phiên tòa xét xử vụ án hủy hoại rừng quay lại phần xét hỏi rồi chưa thể tuyên án mà đang phải tạm hoãn phiên tòa.

Sáng 5-10, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án hủy hoại rừng đối với bị cáo Phạm Lê Huân, Phan Thị Tâm (vợ ông Huân), Trần Văn Năng, Phạm Đình Cầu, Nguyễn Phi Trường và Phạm Thị Huyền (trú huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) thay vì tuyên án như đã thông báo trước đó thì quay lại phần xét hỏi.

Vợ chồng Huân và Tâm bị cáo buộc thuê Năng, Cầu, Trường và Huyền phát thực bì tại rừng Kền Kền thuộc xã Phú Gia. Kết quả điều tra xác định trong hơn 23 ha rừng đã phát, chặt phá có 41.400 m2 rừng tự nhiên thuộc khoảnh 2 và 5a, tiểu khu 229, xã Phú Gia (huyện Hương Khê), thiệt hại về rừng 360 triệu đồng (120m3 gỗ) và về môi trường hơn 1 tỉ đồng.

Theo chủ tọa phiên tòa, các luật sư (bảo vệ cho bị cáo ông Huân và bà Tâm) đã xuất trình thêm một số tài liệu, chứng cứ nên cần được làm rõ tại phiên tòa. Do vậy, HĐXX TAND tỉnh Hà Tĩnh quay lại xét hỏi.

Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm.

Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm.

Luật sư cho rằng ở phiên xét xử trước đã xuất trình thêm bản đồ kiểm kê rừng xác định rất rõ khoảnh 5a tiểu khu 229 (xã Phú Gia, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) là rừng trồng, đất trồng đồi núi trọc. Và việc xuất trình thêm Quyết định số 3158 năm 2016 công bố hiện trạng rừng năm 2015 của Bộ NN&PTNT là đi với bản đồ trên, để khẳng định khoảnh 5a của tiểu khu 229 là không có rừng tự nhiên.

“Tôi hỏi rằng tại bản cáo trạng và hồ sơ truy tố các bị cáo đã phát, chặt phá khoảng 41.400 m2 rừng tự nhiên thuộc khoảnh 2 và 5a, tiểu khu 229 thì trong đó không rõ khoảnh 2 bao nhiêu, khoảnh 5a bao nhiêu?. Việc xuất trình chứng cứ hôm nay cần làm rõ hơn nữa. Tôi nghĩ rằng dù trả hồ sơ điều tra lại thì cơ quan điều tra vi phạm rất nghiêm trọng trong quá trình tố tụng, mà cái này không thể khắc phục được... Các bị cáo không phạm tội” - luật sư nói.

Luật sư phát biểu tại phiên tòa.

Luật sư đề nghị: “Cần trả hồ sơ để điều tra lại... Ở vụ án này 120m3 gỗ đi đâu không được làm rõ”.

Đại diện Sở NN&PTNT Hà Tĩnh đề nghị “Hôm trước thấy luật sư xuất trình bản đồ, hôm nay thì thấy xuất hiện Quyết định 3158 của Bộ NN&PTNT. Nếu về cảm quan xác định thì quyết định này là có, bản đồ có, nhưng sự liên hệ giữa bản đồ và quyết định này thì cần phải xem lại. Quyết định có đi với bản đồ không, bản đồ lấy ở đâu cơ quan xuất trình thế nào, cái này cần xem lại”.

Đại diện Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Triêm cho biết khi ký hợp đồng giao khoán rừng với hộ ông Huân, bà Tâm có giao anh Bảo và anh Nguyễn Văn Dương (cán bộ của Ban) đi kiểm tra cụ thể hiện trạng rừng. Sơ đồ kèm theo hợp đồng giao khoán rừng cho gia đình ông Huân có trích vẽ tiểu khu 229 là ông Dương – người trực tiếp vẽ.

Chủ tọa mời ông Dương lên và ông Dương xác nhận có khảo sát và vẽ sơ đồ giao khoán.

Hội trường xét xử không đủ chỗ ngồi, nhiều người phải đứng quanh cửa sổ để theo dõi phiên xử.

Chủ tọa hỏi: “Theo như quan điểm của ông, khoảnh 5a không có rừng nhiên?”. Ông Dương trả lời: “Khoảnh 5a là rừng trồng rồi”.

“Theo như ông rừng tự nhiên giao cho ông Huân nằm ở khoảnh 2, chứ không phải ở khoảnh 5a?”- chủ tọa hỏi tiếp. Ông Dương trả lời: “Vâng”.

Đại diện VKSND tỉnh Hà Tĩnh không có ý kiến gì.

Luật sư bảo vệ cho bị cáo Huân và Tâm nói: “Khoảnh 5 không hề có rừng tự nhiên, phiên xử hôm trước chúng tôi có cung cấp cho HĐXX Quyết định 1439 năm 2008 của UBND tỉnh Hà Tĩnh do ông Trần Minh Kỳ- Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký là không có rừng rồi. Chúng tôi thu thập tiếp về Quyết định số 3645 năm 2012 của UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã xác định tại tiểu khu 229, khoảnh 2 và khoảnh 5a là đều không có rừng tự nhiên. Như vậy, căn cứ nào xác định đây là rừng tự nhiên?. Tại thời điểm hôm nay cũng chưa làm rõ được có rừng hay không có rừng. Để xác định có rừng thì chúng ta cần phải làm rõ các nội dung mâu thuẫn có trong hồ sơ vụ án cũng như các quyết định chưa được thu thập đầy đủ theo tố tụng. Do đó đề nghị HĐXX xem xét căn cứ điều 280 Bộ luật Tố tụng hình sự trả hồ sơ để làm rõ tất cả nội dung. Đồng thời đề nghị HĐXX cho các bị cáo quyền lợi ích hợp pháp, trong đó có việc xác định chưa có gỗ, cần làm rõ cho các bị cáo”.

Ông Hồ Đức Quang- Thẩm phán chủ tọa phiên tòa nói: “HĐXX đã hỏi một số người liên quan, cơ quan có thẩm quyền nội dung liên quan đến có rừng hay không có rừng, những nội dung này HĐXX sẽ tạm nghỉ để tạm dừng phiên tòa vào hội ý và đưa ra quyết định”.

Sau khi hội ý, HĐXX công bố quyết định hoãn phiên tòa và thời gian mở lại phiên tòa sẽ thông báo sau.

Đ.LAM

Nguồn PLO: http://plo.vn/phap-luat/chua-the-tuyen-an-vu-vo-chong-keu-oan-toi-pha-rung-796328.html