Chưa thể lập nghiệp ở Làng Thanh niên lập nghiệp Mô Rai

Làng Thanh niên lập nghiệp (TNLN) Mô Rai, xã Ia Dom, huyện Ia H'Drai tỉnh Kon Tum từng được kỳ vọng, nhưng thực tế sau gần 10 năm thành lập, sự nghèo khó vẫn bám riết những chủ nhân của làng.

Học trò bé bỏng của cô giáo Cầm. Ảnh: Bích Nguyên

Học trò bé bỏng của cô giáo Cầm. Ảnh: Bích Nguyên

Những đứa trẻ sau song sắt

Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi tới Làng TNLN Mô Rai là sự đìu hiu, vắng lặng. Trục đường chính của làng thưa thớt người qua lại. Chúng tôi dừng chân ở điểm trông trẻ của làng trong sự ngỡ ngàng. Trước mắt chúng tôi là ngôi nhà nhỏ. Những đứa trẻ đứng sau song cửa nhìn ra khoảng sân đất, nơi có 2 người đàn ông đang hàn xì một khung nhôm. Đây là nhà của chị Lâm Thị Mộng Cầm, cô giáo mầm non.

Từ sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất, chị Cầm trưng dụng toàn bộ phòng khách của nhà mình làm nơi trông trẻ, bởi nhà trẻ cũ đã xuống cấp. Trong “lớp học” đặc biệt này chỉ có một chiếc phản gỗ bày la liệt quần áo của trẻ, các em ngồi chơi với nhau dưới nền nhà láng xi măng. Chúng tôi không thấy bàn, ghế, kệ, tủ cũng không thấy bất kỳ thứ đồ chơi, đồ dùng học tập nào như ở các điểm trông giữ trẻ ở nơi khác. Điều này khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng.

Cô giáo Cầm vừa ru một em bé ngủ trên vai, vừa phân xử mấy em nhỏ giành đồ ăn của nhau, rồi lại xoay qua dỗ dành một em bé khác đang khóc. Chị cứ xoay như chong chóng với đám trẻ trong suốt thời gian chúng tôi lưu lại. Trong lúc nói chuyện với chị Cầm, có hai phụ nữ khác đưa con tới gửi. Họ là công nhân cạo mủ cao su. Do đặc thù công việc, họ phải gửi con từ lúc nửa đêm. Họ bảo rằng, dù điều kiện chăm sóc trẻ không được như mong muốn, nhưng vẫn phải gửi con vì không còn cách nào khác.

Với điều kiện cơ sở vật chất dưới mức tối thiểu, không có người trợ giúp, cô giáo Cầm chỉ có thể trông giữ trẻ theo đúng nghĩa đen. Nếu đi đủ, sĩ số lớp của chị Cầm sẽ là 28 cháu, ở độ tuổi từ 6 đến 36 tháng tuổi. Chị Cầm phải trông trẻ từ khoảng 2 giờ sáng đến 12 giờ trưa. Công việc hết sức vất vả, phải làm cả ngày nghỉ thứ 7 và chủ nhật, lương được 3 triệu đồng/tháng.

Tháng 5-2018, lớp học của cô giáo Cầm đã chuyển về khu Nhà điều hành của Tổng đội Thanh niên xung phong (TĐTNXP) Kon Tum. “Ở đây có 2 phòng, một phòng ngủ và một phòng sinh hoạt chung. Có thêm một cô giáo nữa phụ giúp tôi. Lớp mới được trang bị nệm, gối và mền, còn thiếu chiếu, thau rửa mặt, đồ chơi và một số vật dụng khác nữa” – Chị Cầm liệt kê cho chúng tôi những thứ đã có và còn thiếu của lớp học. Có vẻ chị đã tạm hài lòng với những gì hiện có, còn tôi thì vẫn thấy rằng chừng đó là chưa đủ để chăm sóc cho những đứa trẻ ở đây phát triển một cách toàn diện ngay từ những năm đầu đời.

Làm buổi sáng, ăn buổi trưa

Làng TNLN Mô Rai có quyết định thành lập từ tháng 10-2008 với tổng vốn đầu tư hơn 84 tỉ đồng, do TĐTNXP tỉnh Kon Tum làm chủ đầu tư. Năm 2014, xã Ia Dom được thành lập, Làng TNLN Mô Rai được quy hoạch thành thôn 3 của xã Ia Dom, các đội viên của làng trở thành cư dân của xã nhưng vẫn chịu sự quản lý của TĐTNXP tỉnh Kon Tum.

Gần trưa, chúng tôi tới nhà anh Đỗ Thanh Thành, một đội viên “xịn” của Làng TNLN Mô Rai. Anh Thành hiện là Bí thư Chi bộ thôn 3. Tháng 9-2009, vợ chồng anh lên xã biên giới Ia Dom với khí thế hừng hực của tuổi trẻ và tràn trề hy vọng. Anh kể: “Vợ chồng tôi là một trong số những gia đình đầu tiên lên đây. Chỗ này, xưa rậm rạp, hoang vu, đường đi lại hiểm trở, vất vả. Từ thành phố Kon Tum lên đây mất nguyên một ngày đường. Chúng tôi được chia 5 sào cao su tiểu điền, 1 sào đất ở với một ngôi nhà xây rộng hơn 40m2, không có nhà vệ sinh, không có nhà bếp”.

Vợ chồng anh Thành hy vọng sau một vài năm vất vả, cuộc sống sẽ khá lên nhưng thực tế không như mong ước. “Ngoài làm công nhân, vợ chồng tôi còn khai hoang, tận dụng bờ lô cao su trồng mì, nghệ, mở quán tạp hóa bàn hàng nhưng vẫn không dư giả được. Ở đây “làm buổi sáng, ăn buổi trưa” nói gì tới chuyện làm giàu. Chúng tôi sống bằng niềm tin vào tương lai là chính” – Anh Thành tâm sự.

Thời điểm đông nhất, Làng TNLN Mô Rai có 103 hộ. Các đội viên được nhận vào làm công nhân cho Công ty cổ phần Cao su Sa Thầy và Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh, đơn vị liên kết của TĐTNXP Kon Tum. Do cuộc sống quá khó khăn, những điều kiện đảm bảo không được như cam kết lúc ban đầu, một số người đã bỏ về. Hiện tại, còn lại 70 hộ sinh sống ở đây.

Anh Thành chia sẻ: “Trong giai đoạn chăm sóc cao su, công nhân được trả lương khoảng 5 triệu mỗi tháng. Giờ cây cao su bước vào giai đoạn khai thác, công nhân chỉ được trả lương trong 8 tháng, tùy theo năng suất lao động. Thời điểm mùa mưa, không cạo mủ được, công nhân phải nghỉ 4 tháng không lương. Giai đoạn từ năm 2012 đến 2014, chúng tôi còn bị chậm lương. Bây giờ vẫn có người băn khoăn, nhấp nhổm muốn bỏ đi vì không có đất sản xuất, lương quá thấp trong khi chi phí sinh hoạt quá cao”.

Anh Thành cho biết thêm, thôn 3 cách trung tâm xã 30km. Khoảng cách xa xôi, cách trở gây nhiều bất lợi cho người dân khi cần giải quyết các công việc hành chính. Thêm vào đó, cơ sở vật chất về y tế, giáo dục, nước sạch ở đây rất hạn chế.

“Thôn chỉ có điểm trường mầm non và tiểu học với lớp ghép. Học sinh cấp 2 phải ra trung tâm xã học nội trú. Nước sinh hoạt rất thiếu, nhất là dịp sau Tết”. Chính vì thiếu thốn trăm bề, anh Thành và một số gia đình khác phải gửi con về quê nhờ ông bà chăm sóc.

Một điểm thu mua củ mì tại Làng Thanh niên lập nghiệp Mô Rai. Ảnh: Bích Nguyên

Có một thực tế là chỉ 24 hộ đầu tiên của Làng TNLN Mô Rai được chia 5 sào cao su. Các hộ tới sau không được hưởng quyền lợi này, chỉ đơn thuần làm công nhân. Cho tới nay, các cư dân của Làng TNLN Mô Rai chưa có hộ nào được cấp quyền sở hữu nhà đất ở, giấy chứng nhận sử dụng đất sản xuất. Vì thế, họ không có tài sản thế chấp để vay vốn phát triển kinh tế. Nhà bị xuống cấp, hư hại cũng không được sửa chữa.

Những bất cập này đang tạo bức xức cho các đội viên của Làng TNLN Mô Rai. “Gần 10 năm nay rồi, chúng tôi sống trong nghèo khổ. TĐTNXP Kon Tum chỉ tiếp nhận hồ sơ lập nghiệp chứ không trực tiếp giải quyết được các vấn đề bức xúc của người dân. Nhà ở bị hỏng, chúng tôi cũng không được cải tạo, sửa chữa. Thời gian đầu, chúng tôi được tổng đội huy động làm gạch nhưng không hề được trả công. Sau này, chúng tôi phải làm đường ống nước tự chảy từ trên núi về thôn nhưng cũng không được sử dụng. Hệ thống đường ống đến giờ hư hỏng cả. Chúng tôi phải tự đào giếng lấy nước dùng. Nguyên vọng của chúng tôi là được cấp đất sản xuất, cấp quyền sử dụng nhà ở” - Anh Thành cho biết.

Rõ ràng rất cần hướng giải quyết căn cơ và toàn diện để tiếp sức và tạo điều kiện thuận lợi cho đội viên của Làng TNLN Mô Rai gây dựng cơ nghiệp ở vùng biên gian khó Ia Dom.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/chua-the-lap-nghiep-o-lang-thanh-nien-lap-nghiep-mo-rai/