Chưa thể hạ nhiệt căng thẳng

Căng thẳng giữa Brussels và Rome kéo dài từ cuối tháng 9 đến nay vẫn tiếp tục gia tăng khi Liên minh châu Âu (EU) lần thứ hai bác bỏ kế hoạch ngân sách năm 2019 do Italia đệ trình, mở đường cho các biện pháp trừng phạt nhằm vào nền kinh tế lớn thứ ba Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Tuyên bố bất ngờ: Anh có thể ở lại EU đến cuối năm 2022?

Nhiều người dân Italia ủng hộ chính sách của Chính phủ.

Theo kế hoạch vừa được đưa ra, đất nước hình chiếc ủng muốn nâng mục tiêu thâm hụt ngân sách từ mức 1,8% GDP trong năm nay lên mức 2,4% GDP vào năm tới, nhằm tăng các khoản chi cho an sinh xã hội và giảm bớt một số cải cách thuế. Dù mục tiêu trên vẫn nằm trong phạm vi 3% GDP giới hạn thâm hụt ngân sách do Ủy ban châu Âu (EC) đề ra nhưng con số này cao gấp 3 lần cam kết mà Chính phủ cánh tả tiền nhiệm Italia đưa ra về việc giữ thâm hụt ngân sách trong năm tài khóa 2019 ở mức 0,8% GDP nhằm cắt giảm nợ công đang ở con số 2.300 tỷ Euro.

Việc mở Quy trình xử phạt chi tiêu công quá mức (EDP) chưa từng có trong lịch sử đối với Italia bắt đầu sau khi EC kết luận, kế hoạch ngân sách mới của nước này vi phạm nghiêm trọng quy tắc của EC. Đây là quy trình được châu Âu áp dụng với những quốc gia có mức thâm hụt ngân sách vượt trần theo Hiệp ước Tăng trưởng và ổn định (SGP) của khối. Quy trình này cho phép EU áp đặt hình phạt nghiêm khắc với nước vi phạm, có thể lên tới 0,2% GDP.

Quyết định vừa được đưa ra không quá bất ngờ bởi tháng trước, EC đã bác bỏ kế hoạch ngân sách tạm thời và đặt hạn chót là ngày 13-11 để Italia nộp bản sửa đổi nếu không muốn chịu trừng phạt. Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh, Eurozone chỉ có thể hoạt động nếu tất cả quốc gia thành viên thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình, vì nền tài chính bền vững. Trong khi EU kêu gọi các quốc gia trong khối hạn chế chi tiêu công để giảm thâm hụt ngân sách thì kế hoạch ngân sách cho tài khóa 2019 mà Rome đệ trình được dự báo sẽ làm tăng thâm hụt. EC cũng cho rằng kế hoạch này vi phạm rõ ràng các quy tắc tài chính của EU, làm tăng tỷ lệ nợ công đang rất cao ở nước này, vốn chỉ đứng sau Hy Lạp.

Bất chấp chỉ trích của các nước EU, người dân Italia lại có cái nhìn khả quan hơn về kế hoạch ngân sách của Chính phủ. Khảo sát do Hãng Demopolis thực hiện cho thấy, 52% người dân được hỏi ủng hộ, trong khi có 38% phản đối kế hoạch mới. Chính phủ liên minh cánh hữu gồm đảng Liên đoàn và Phong trào Năm sao cho rằng, kế hoạch ngân sách mới sẽ giúp kích thích tăng trưởng nền kinh tế lớn thứ ba khu vực Eurozone và giảm đáng kể các khoản nợ. Thậm chí, Phó Thủ tướng Italia Luigi Di Maio còn tuyên bố, chính quyền mới ở Rome được bầu để đảo ngược các chính sách khắc khổ trong quá khứ.

Song, điều mà giới quan sát lo ngại hơn cả chính là việc những bất đồng về ngân sách chi tiêu có thể châm ngòi cho một làn sóng bài EU do Italia đi đầu, khi mà sóng gió từ tiến trình Anh rời khỏi mái nhà chung (Brexit) chưa qua. Trước đó, mâu thuẫn đã nhen nhóm khi Rome phản đối kịch liệt các biện pháp trừng phạt của EU nhằm vào Nga, thậm chí kêu gọi các quốc gia có hoạt động kinh doanh với Mátxcơva tạo ra trào lưu chống trừng phạt hoặc nghiêm trọng hơn là rời EU để có quyền tự quyết vận mệnh kinh tế của quốc gia mình.

Các nhà lãnh đạo Italia đã nhiều lần nhấn mạnh, kế hoạch ngân sách của nước này không nhằm chống lại EU. Rome là một trong những thành viên sáng lập và luôn muốn duy trì, cải thiện, làm cho liên minh này dân chủ hơn. Chưa có dấu hiệu nào cho thấy Chính phủ Italia sẽ nhượng bộ trước những yêu cầu của EC. Trong khi đó, bài học từ Brexit hay việc Hy Lạp phải chật vật "thắt lưng buộc bụng" để thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công là điều mà các nhà lãnh đạo châu Âu phải cân nhắc để làm hài hòa lợi ích chung của khối với nguyện vọng của các thành viên.

Chưa thể hạ nhiệt căng thẳng

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/The-gioi/919454/chua-the-ha-nhiet-cang-thang