Chưa thể coi là đổi mới

Năm học mới 2020- 2021 vừa mới bắt đầu chưa đầy nửa tháng, nhưng đã có nhiều tai nạn hi hữu xảy ra ở một số trường học gây thương vong cho trẻ nhỏ. Những sự đã rồi ấy hẳn nằm ngoài sức tưởng tượng của phụ huynh. Nhưng rõ ràng mọi việc đều có nguyên nhân, mà suy cho cùng đều bắt đầu từ sự thiếu trách nhiệm của người lớn.

Đơn cử như vụ sập cổng tại trường Tiểu học Khánh Yên Thượng, phân hiệu Bản Phung (Văn Bàn- Lào Cai) đã được xác định là được xây dựng từ năm 2016 và không có cốt thép. Hay vụ việc mới đây, một học sinh trường Tiểu học Kim Đồng-TP Lào Cai đang ngồi trong lớp vào giờ ra chơi, bất ngờ bị quạt trần rơi trúng, văng vào trán khiến em này phải nhập viện trong tình trạng thương tích khá nặng, âu cũng xuất phát từ sự tắc trách của nhà trường khi đã không bảo trì, bảo dưỡng sớm thiết bị để xảy ra sự cố có khả năng gây chết người như vậy.

Trước thềm năm học mới, một trong những giải pháp Bộ GDĐT đưa ra là toàn ngành thực hiện rà soát hệ thống trường lớp, xây dựng kế hoạch duy tu, bảo dưỡng, đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đối với các trường thực hiện dạy học 2 buổi/ngày. Bộ GDĐT yêu cầu kiên quyết không đưa vào sử dụng các công trình trường, lớp học đã hết niên hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn theo quy định khi chưa được cải cạo, sửa chữa, nâng cấp. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu gặp khó khăn, vướng mắc, UBND các tỉnh, thành cần kịp thời phản ánh tình hình về Bộ GDĐT để phối hợp, xem xét và giải quyết theo thẩm quyền. Nhưng trên thực tế, khó khăn nhất là vấn đề xin kinh phí để cải tạo trường học.

Một giải pháp đã được Bộ GDĐT đề xuất bên cạnh việc huy động nguồn lực Trung ương, địa phương để phân bổ kinh phí hợp lý; cần đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước để khắc phục tình trạng trường, lớp học chưa được kiên cố hóa ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học; mở rộng quy mô lớp học để giảm sĩ số học sinh ở khu vực thành thị.

Dẫu thế, theo các chuyên gia việc quy hoạch mạng lưới cũng như đầu tư cơ sở vật chất (CSVC) cho trường học không thể làm theo kiểu “ăn xổi ở thì”. Ông Đặng Tự Ân- Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông cho rằng: Đến năm học 2020-2021, năm học đầu tiên triển khai Chương trình mới giáo dục phổ thông mới thì bài toán CSVC vẫn khó giải, nhất là ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số thành phố, thị xã lớn vẫn còn bất bập, nhiều việc cần làm. Mỗi năm, các địa phương dành nhiều tỷ đồng để sửa chữa nâng cấp, nhưng mạng lưới trường học tại các địa phương vẫn chưa đáp ứng. Khu vực đông dân cư, khu đô thị mới, khu công nghiệp, chế xuất thiếu trường, thiếu lớp; sĩ số bình quân học sinh mỗi lớp quá cao, vượt chuẩn quy định.

Chương trình GDPT mới đã bắt đầu triển khai với lớp 1, nhưng rõ ràng nếu chỉ mới về SGK, về chương trình mà vấn đề CSVC chưa được quan tâm đúng mức; sĩ số học sinh vẫn quá tải, thậm chí năm học sau quá tải hơn năm học trước…thì chưa thể coi đó là sự đổi mới trong giáo dục.

Vi Cầm

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/chua-the-coi-la-doi-moi-507745.html