Chưa tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu

Ngày 12-7, trong khuôn khổ phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe các tờ trình, báo cáo và cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của UBTVQH về Biểu thuế bảo vệ môi trường. Cơ quan thường trực của Quốc hội cũng đã cho ý kiến về điều chỉnh tổng mức đầu tư các dự án đường sắt đô thị TPHCM và một số vấn đề khác liên quan đến phân bổ nguồn ngân sách Nhà nước, trong đó có việc sử dụng 15.000 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng của kế hoạch trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020 cho các dự án đường sắt, đường bộ quan trọng, cấp bách…

Tăng thuế sẽ làm tăng CPI

Theo Tờ trình dự án nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường, Chính phủ đề nghị giá xăng tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; dầu hỏa được đề nghị tăng từ 300 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít...

Đối với túi ni lông thuộc diện chịu thuế, Chính phủ đề nghị tăng mức thuế từ 40.000 đồng/kg lên mức trần 50.000 đồng/kg. Phương án điều chỉnh nêu trên được cho sẽ tác động làm tăng Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2018 khoảng 0,11% - 0,15%.

Đổi lại, việc tăng thuế sẽ khuyến khích sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả; góp phần khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường; đồng thời sẽ góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) khoảng 15.189,2 tỷ đồng/năm, từ đó góp phần tạo thêm nguồn thu để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, trong đó có các nhiệm vụ chi cho bảo vệ môi trường.

Đại diện cơ quan thẩm tra, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, cho biết đa số ý kiến trong ủy ban nhất trí với tờ trình của Chính phủ.

Tuy nhiên, để bảo đảm tạo sự đồng thuận của xã hội trong việc điều chỉnh tăng mức thuế bảo vệ môi trường và làm căn cứ để UBTVQH xem xét thông qua nghị quyết, ủy ban đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn một số nội dung, như: tác động của việc tăng giá đối với hiệu quả của nền kinh tế nói chung và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống người dân nói riêng và CPI. Đáng lưu ý, cần giải trình rõ việc sử dụng nguồn tăng thu từ thuế bảo vệ môi trường theo hướng ưu tiên bố trí để xử lý, khắc phục hậu quả môi trường…

Về mức tăng đối với các mặt hàng cụ thể, có ý kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng, trong điều kiện hiện nay, CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,29% (đang dần tiệm cận mức Quốc hội giao là 4%) thì để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tránh tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, việc tăng thuế với xăng cần được cân nhắc.

Tương tự, với dầu mazut, hiện vẫn là đầu vào của một số ngành sản xuất hàng hóa nên việc điều chỉnh tăng thuế suất ở mức trên 100%, tương đương mức tăng 1.100 đồng/lít là cao, tác động đến sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp và cuộc sống của người dân.

Đặc biệt, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cho rằng, mức tăng thuế suất với dầu hỏa như tờ trình của Chính phủ là quá cao và đột ngột, có thể gây ảnh hưởng nhất định đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân tại vùng sâu, vùng xa chưa có điện…

Băn khoăn về thời điểm, mức tăng thuế

Cho ý kiến về vấn đề tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, các thành viên UBTVQH thể hiện quan điểm khác nhau với không ít băn khoăn về thời điểm, lộ trình tăng thuế, về tác động đến CPI, hiệu ứng xã hội…

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nhận định, nếu nghị quyết được thông qua thì sẽ có hiệu lực từ ngày 27-8 tới đây, song trong bối cảnh đang mùa mưa bão, giá lương thực thực phẩm có xu hướng tăng, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đang căng thẳng... thì việc giá xăng dầu tăng ở thời điểm này là chưa phù hợp.

Chỉ ra rằng mức tăng theo đề xuất của Chính phủ là đã “kịch khung”, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng phân vân về khả năng kiềm chế CPI năm nay ở mức không quá 4% như Quốc hội đã ấn định.

“Tăng giá dầu mazut tác động trực tiếp đến dân, mà giá cũ cũng đã cao rồi, cần phải rất cân nhắc. Rồi giá than đá cũng đề nghị tăng, trong khi Việt Nam chủ yếu là điện than”, ông Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng phải dành thêm thời gian bàn kỹ bởi tăng thuế xăng dầu là vấn đề khó. Theo bà Nga, xăng là mặt hàng thiết yếu, “đụng vào là ảnh hưởng đến cả xã hội”, trong khi đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng đã là không đúng thì nay lại dự kiến tăng thuế bảo vệ môi trường… Nhắc lại tuyên bố của Thủ tướng Chính phủ là từ nay đến cuối năm không tăng giá điện, Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội Nguyễn Thanh Hải quan ngại rằng tăng thuế xăng dầu như Chính phủ đề xuất thì khó đảm bảo điều này.

UBTVQH quyết định chưa biểu quyết; đồng thời cũng chưa xác định thời điểm xem xét lại việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.

ANH THƯ

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/kinh-te/chua-tang-thue-bao-ve-moi-truong-doi-voi-xang-dau-59686.html