Chưa rõ vai trò 'đòn bẩy'

TP Hồ Chí Minh đã và đang đầu tư mạnh mẽ để đẩy mạnh việc nghiên cứu, áp dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên hoạt động khoa học, công nghệ (KH&CN) vẫn chưa khẳng định được vai trò "đòn bẩy" trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thấy rõ nhất trong câu chuyện này chính là sự phát triển của lĩnh vực công nghệ sinh học (CNSH) hiện nay.

Nhiều chuyển biến

Theo Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh, giai đoạn 2011-2015, CNSH nói riêng và hoạt động KH&CN thành phố nói chung đã dẫn đầu trong 9 ngành dịch vụ (tỷ lệ 16,9%), tỷ lệ ứng dụng trực tiếp công trình nghiên cứu sau nghiệm thu vào thực tế bình quân là 35,5%, qua đó hỗ trợ 70% doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đổi mới công nghệ, góp phần phục vụ 6 chương trình đột phá phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của thành phố.

Để có được những bước tiến trên, TS Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm CNSH TP Hồ Chí Minh cho biết, giai đoạn 2011-2015, thành phố đã đầu tư xây dựng Trung tâm CNSH quy mô 23ha. Nhờ có môi trường làm việc tốt nên đã hạn chế được tình trạng “chảy máu chất xám” như những giai đoạn trước. Với sự đầu tư này, đội ngũ cán bộ khoa học của trung tâm đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu cho ra sản phẩm CNSH có hàm lượng công nghệ cao như các giống hoa lan mới, phân bón vi sinh, kit chẩn đoán bệnh cho người và vật nuôi, vắc xin cho cá tra, kháng thể đơn dòng và protein tái tổ hợp ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị bệnh.

Tuy nhiên, theo GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh, sự phát triển của CNSH vẫn chưa theo kịp được yêu cầu của thành phố. Nguyên nhân chủ yếu là do cơ chế, chính sách về CNSH nói riêng và KH&CN nói chung vẫn thiếu tập trung và nhất quán. Đầu tư của Nhà nước và xã hội còn thấp (chỉ chiếm hơn 2% tổng chi ngân sách TP Hồ Chí Minh). Trong đó, cơ cấu đầu tư chưa hợp lý, dàn trải, ngân sách cho hoạt động nghiên cứu thấp (gần 8% tổng chi). Ngoài ra, thị trường CNSH đã hình thành nhưng phát triển chậm, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp còn chưa theo kịp nhu cầu.

Cần có tầm nhìn dài hạn

Về những bước phát triển trong thời gian tới, GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng cho biết, trong Chương trình nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và nâng cao tiềm lực KH&CN TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020 đã xác định, CNSH là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên. Trong đó, các hoạt động CNSH được tập trung đầu tư là nghiên cứu chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới (tế bào gốc, gen, nano,…); kỹ thuật tạo giống, bảo quản chế biến phục vụ lĩnh vực nông nghiệp và y tế; nghiên cứu sản xuất các chế phẩm sinh học.

GS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam cho rằng, thời gian tới CNSH thành phố cần nghiên cứu, triển khai có hiệu quả các ứng dụng thực tiễn phục vụ nông nghiệp đô thị như chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển rau an toàn, phát triển hoa cảnh.

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, giai đoạn 2016-2020, thành phố sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện Trung tâm CNSH với tổng vốn ngân sách dự kiến hơn 1.100 tỷ đồng. Trong đó, dự án khu nghiên cứu có mức đầu tư hơn 300 tỷ đồng với các hạng mục phòng thí nghiệm, nhà sản xuất thử nghiệm, sân bãi, hệ thống xử lý nước thải,… Ngoài ra, Trung tâm CNSH còn có 12 phòng thí nghiệm chuyên ngành với mức đầu tư trên 800 tỷ đồng đang được hoàn thiện. Các dự án nghiên cứu tại đây sẽ được hỗ trợ theo từng loại hình, cao nhất là 100% kinh phí.

Cũng theo ông Lê Thanh Liêm, theo quy hoạch mạng lưới các viện, trung tâm nghiên cứu và phòng thí nghiệm về CNSH đến năm 2025 của Chính phủ, Trung tâm CNSH TP Hồ Chí Minh sẽ được đầu tư bổ sung để phát triển thành Trung tâm CNSH quốc gia miền Nam. Trung tâm sẽ có cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh nói riêng và khu vực miền Nam nói chung.

Tiến Thành

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Khoa-hoc/853985/chua-ro-vai-tro-don-bay