Chưa rõ chỗ xây sân bay Ứng Hòa đã lo 'sốt đất', đầu cơ 'cầm đèn chạy trước ô tô'?

Vị trí đề xuất làm sân bay chưa rõ, quy hoạch sân bay mới tại Ứng Hòa (Hà Nội) mới là câu chuyện dài hạn, có thể hàng chục năm nhưng lập tức đã dội lên thông tin đất Ứng Hòa có thể lên cơn 'sốt'

Sở Quy hoạch Kiến trúc vừa có kiến nghị gửi UBND TP Hà Nội đề xuất phương án bố trí sân bay thứ 2 cho Vùng Thủ đô Hà Nội tại khu vực phía Nam thành phố.

Trong đó, các vị trí đã và đang được đề xuất đó là huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam), cách trung tâm Hà Nội 60 – 65km; sân bay tại huyện Ứng Hòa (Hà Nội), cách trung tâm Hà Nội khoảng 35 – 40km; sân bay tại huyện Thanh Miện và Bình Giang (tỉnh Hải Dương), cách trung tâm Hà Nội khoảng 45 – 50km; sân bay tại huyện Tiên Lãng (Hải Phòng), cách trung tâm Hà Nội khoảng 120km.

Chưa rõ vị trí xây dựng sân bay đã lo

Chưa rõ vị trí xây dựng sân bay đã lo

Tuy nhiên, đó mới chỉ là kiến nghị của Sở Quy hoạch Kiến trúc gửi thành phố xem xét, giao đơn vị liên quan xây dựng dự thảo của Hà Nội đề nghị Bộ GTVT xem xét phương án bố trí sân bay thứ 2 cho Vùng Thủ đô Hà Nội và cân nhắc việc lựa chọn vị trí tại khu vực phía Nam Hà Nội.

Thế nhưng, thông tin trên đã khiến nhiều nhà đầu tư tìm kiếm đất đai ở khu vực Ứng Hòa. Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn xác nhận lượng tìm kiếm đất ở khu vực Ứng Hòa trên trang của đơn vị ông đã lập tức tăng.

Tuy nhiên, theo khảo sát của PV Infonet trên một số trang website rao bán nhà đất cho thấy, lượng tìm kiếm, rao bán nhà đất ở Ứng Hòa không nhiều lắm, vẫn chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Vậy thông tin cảnh báo nguy cơ về "sốt đất" ở Ứng Hòa có thật không? Nhiều chuyên gia lưu ý các nhà đầu tư cần cẩn trọng, tránh “cầm đèn chạy trước ô tô” để chạy vào cuộc đua gom đất nhằm đón đầu sân bay.

Trao đổi với PV Infonet, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, việc Hà Nội đề xuất làm sân bay ở Ứng Hòa thì cũng giống như cách đây một số năm TP.HCM đề xuất sân bay Long Thành và cũng có hiện tượng giá đất lên xuống nhiều lần về việc sốt đất, thậm chí lừa đảo xảy ra liên tục ở khu vực Long Thành.

“Hiện tượng đó liệu có tái xuất hiện ở thị trường Ứng Hòa hay không, tôi cho rằng hoàn toàn có thể nếu chúng ta không kiểm soát tốt”, ông Đính nói.

Theo ông Đính, đây mới chỉ là đề xuất và đề xuất này có được đồng ý hay không còn là vấn đề. Để thông qua vấn đề này còn rất lâu, 2-3 năm không thể giải quyết được mà có khi đến 5 năm, thậm chí chục năm nữa mới trở thành hiện thực nếu Hà Nội kiên quyết bảo vệ.

“Hà Nội khi đưa vấn đề này ra thì cũng phải lường được bài học về cơn "sốt đất" như ở Long Thành, có biện pháp quản lý, kiểm soát các hoạt động về đất đai ở địa phương để tránh vấn đề như ở Ba Vì, mới đây nhất là ở Thạch Thất hay một số huyện chuẩn bị lên quận. Như thế chúng ta sẽ bị rối, và sẽ làm xấu bản chất của thị trường, ảnh hưởng không tích cực đến việc phát triển ổn định của thị trường bất động sản”, ông Đính lưu ý.

Còn bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc bộ phận Nghiên cứu, tư vấn phát triển và thẩm định giá của CBRE Việt Nam (chi nhánh Hà Nội) cho hay, vị trí đề xuất làm sân bay nằm trong khu vực gần như chưa hình thành thị trường bất động sản rõ rệt.

Bà An cho biết, ở các nước khác, thành phố lớn nào cũng thường có hai sân bay. Một sân bay tập trung nhiều chuyến bay quốc tế, một sân bay gần trung tâm hơn có thể tập trung nhiều chuyến bay nội địa hơn. Khoảng cách có thể trong vòng 2 tiếng lái xe, đó là bài toán quy hoạch các sân bay ở các thành phố lớn.

“Quy hoạch sân bay mới là câu chuyện rất dài hạn, có thể chục năm hoặc vài chục năm. Trong quá trình đó, thị trường bất động sản sẽ phát triển dần dần. Khi nói đến dự án sân bay mới nó không thể phát triển trong nay mai, các nhà đầu tư nếu kỳ vọng chỉ trong nay mai thì sẽ chỉ là làn sóng ngắn hạn vì thị trường cần thời gian để phát triển. Khi khu vực vẫn chỉ là “đồng không mông quạnh” chưa có gì xung quanh thì các dự án quy mô hàng chục, hàng trăm hecta sẽ phải mất nhiều năm để đầu tư xây dựng. Vì đó, đó là dự án dài hạn, câu chuyện dài hạn”, bà An nói.

Do đó, bà An khuyên rằng, khi muốn đầu tư ở khu vực nào thì nhà đầu tư phải chú ý đến vấn đề thanh khoản. Nếu đầu tư vào những khu vực không có thanh khoản cao, sản phẩm kén người mua, gặp thị trường tốt sẽ không sao, nhưng chẳng may thị trường khó khăn, khủng hoảng thì rủi ro này các nhà đầu tư sẽ phải gánh chịu. Chưa kể các vấn đề liên quan đến pháp lý, không biết vị trí đất có có nằm trong quy hoạch hay không, thông tin có thể hiện thực hóa đến đâu, tài chính của nhà đầu tư có đủ vững hay không?...

Theo bà An, các nhà đầu tư cần nắm rõ, chắc chắn trước khi quyết định đầu tư lướt sóng. Trong đầu luôn có quy tắc, kỳ vọng giá tăng càng cao thì rủi ro càng cao, nếu nhà đầu tư chấp nhận điều này thì họ có thể có cơ hội tăng giá, cũng có thể rơi vào việc giá giảm sâu và họ không rút ra kịp trước khi thị trường đi xuống.

Minh Thư

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/thi-truong/nha-dat/lo-sot-dat-o-ung-hoa-vi-xay-san-bay-nha-dau-tu-dang-cam-den-chay-truoc-o-to-266294.html