Chùa Quỳnh Lâm - Danh lam cổ tự xứ Đông

Đến TX Đông Triều, một trong những ngôi chùa được du khách hay tìm đến là Quỳnh Lâm (phường Tràng An) - một thắng cảnh nổi tiếng của vùng đất xứ Đông xưa...

Thích Ca Phật điện...

Thích Ca Phật điện...

... và Di Lặc Phật điện là hai trong số 3 tòa điện lớn tại chùa Quỳnh Lâm.

Chùa Quỳnh Lâm được cho có lịch sử khởi dựng từ thời Lý và có các trùng tu lớn vào các thời Trần, Lê, Nguyễn. Tấm bia “Trùng tu tái tạo Tiên Du sơn đệ nhất Quỳnh Lâm tự” trước tam quan hiện nay cho thấy lịch sử hàng ngàn năm của chùa.

Tấm bia này cao 2,46m, rộng 1,53m dầy 0,25m, vốn được dựng vào thời Lý, đến thời Lê Trung hưng, khi trùng tu chùa, người ta đã gọt bỏ một phần họa tiết hoa văn và toàn bộ minh văn của tấm bia này để khắc lại. Đây là một trong những tấm bia lớn nhất của thời Lý hiện còn ở Quảng Ninh.

Trải bao thời gian, mưa nắng, chiến tranh, chùa đã trở thành phế tích vào giữa thế kỷ XX. Ngôi chùa hôm nay mới được khôi phục trở lại và hiện là một trong những ngôi chùa gỗ lớn vào bậc nhất ở khu vực phía Bắc, được xây dựng từ hơn 1.500m3 gỗ lim.

Sự bề thế, nguy nga của chùa Quỳnh thể hiện qua quần thể 3 tòa điện lớn với tổng diện tích lên tới hơn 1.000m2, được dựng lại trên nền móng chùa xưa, với những vật liệu truyền thống, có sự nối tiếp, chọn lọc.

Tượng Phật ngọc là điểm nhấn của tòa Lưu Ly Phật điện chùa Quỳnh Lâm.

Ngôi điện lớn ngoài cùng là Thích Ca Phật điện, ngoài nhiều cột gỗ lớn, còn có hai cột gỗ ngọc am rất quý với đường kính hơn 100cm, có mùi thơm tự nhiên đặc trưng rất dễ chịu. Tòa Di Lặc phật điện nằm ở giữa, thờ Tam thế Phật. Tòa Lưu ly phật điện nằm ở phía sau cùng. Nơi đây có điểm nhấn là bức tượng Phật ngọc Thích Ca Mâu Ni trọng lượng khoảng 3,5 tấn, cao 2,2m được Tập đoàn Vingroup cung tiến với trị giá khoảng 20 tỷ đồng.

Chùa Quỳnh Lâm xưa ngoài tượng Di Lặc được xem là An Nam tứ đại khí còn rất nổi tiếng với gác chuông chùa. Công trình nay được xây mới trên vị trí nền móng cũ, với khung kết cấu bằng gỗ lim. Đặc biệt, chiếc chuông bằng đồng lớn treo tại đây có niên đại 200 năm, được đúc khi trùng tu, tôn tạo chùa vào thời nhà Nguyễn.

Chuông chùa Quỳnh Lâm được đúc từ thời nhà Nguyễn.

Gắn với lịch sử lâu đời, chùa Quỳnh Lâm lưu danh tên tuổi, công đức của rất nhiều tăng sĩ qua các tháp mộ vẫn còn rải rác trong vườn chùa.

Đặc biệt trong số đó có ngôi tháp xưa kia được Thiền sư Pháp Loa – vị tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử xây dựng, để an trí xá lị của Phật hoàng Trần Nhân Tông và Tuệ đăng tháp là tháp mộ của thiền sư Chân Nguyên, người đã có công lớn trong việc trùng hưng lại chùa dưới thời Lê Trung hưng. Đây cũng là ngôi tháp lớn nhất hiện còn tại khu vườn tháp.

Các chân tảng, bậc thềm bằng đá vốn là di vật kiến trúc của chùa Quỳnh Lâm xưa.

Xưa có câu “Sân chùa Muống, ruộng chùa Quỳnh” ý nói về của cải, ruộng đất rộng lớn của chùa. Giờ đây dù diện tích không còn được như vậy nữa nhưng chùa Quỳnh vẫn có khuôn viên rất rộng rãi với nhiều loại cây xanh bóng mát.

Quanh vườn chùa, du khách có thể ngắm nhìn các di vật xưa của chùa còn sót lại, giúp du khách thêm nhiều xúc cảm. Nhiều nhất là các chân tảng, bậc thềm đá từ thời Lý, Trần, Lê, trong đó có hai cối quay bằng đá là một phần của tòa cửu phẩm liên hoa ở Quỳnh Lâm và một bệ chân tảng hoa sen rất lớn thời Lê Trung hưng…

Quỳnh Lâm tự xưa và nay, dù ở thời nào vẫn là một danh thắng xứ Đông, đem lại sự trải nghiệm đặc biệt cho du khách mỗi khi tìm về.

Ngọc Mai

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/chua-quynh-lam-danh-lam-co-tu-xu-dong-2918207.html