Chưa phát hiện án oan trong năm 2018

Nhìn chung, việc xét xử các vụ án hình sự đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp nào được xét xử trong năm qua kết án oan người không có tội, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình báo cáo Quốc hội.Việc quy định về mô hình phòng xét xử mới là bước tiến bộ của cải cách tư pháp và đã nhận được sự đánh giá cao của dư luận trong và ngoài nước, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh...

Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày báo cáo.

Sáng 13/11, Quốc hội nghe báo cáo về phòng chống tội phạm, tham nhũng, thi hành án và báo cáo của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao.

Điểm danh án tham nhũng lớn

Báo cáo tình hình thụ lý, xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng được dư luận xã hội quan tâm, Chánh án cho biết các tòa án đã xét xử sơ thẩm 200 vụ với 472 bị cáo phạm các tội tham nhũng, so với năm 2017, số bị cáo bị xét xử các tội về tham nhũng tăng 39 bị cáo.

Một số vụ án được dư luận xã hội rất quan tâm, như: vụ án Châu Thị Thu Nga phạm tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất (Housing Group). Vụ án Trịnh Xuân Thanh phạm tội "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "tham ô tài sản" xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN). Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như phạm tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản"; vụ án Đinh La Thăng phạm tội "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản" liên quan đến việc góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (Oceanbank).

Những vụ án được Chánh án điểm danh tiếp theo là vụ Phạm Ngọc Ngoạn phạm tội "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty in, thương mại và dịch vụ AGRIBANK. Vụ án Lâm Ngọc Khuân phạm tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" xảy ra tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Phương Nam. Vụ án Bùi Văn Khen phạm tội "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính thuộc Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam...

Trong số 472 bị cáo phạm tội tham nhũng đã xét xử, các tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt tù chung thân và tử hình đối với 9 bị cáo, xử phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm đối với 30 bị cáo, tù từ trên 7 năm đến 15 năm đối với 52 bị cáo, tù từ 3 năm đến 7 năm đối với 105 bị cáo, tù từ 3 năm trở xuống đối với 172 bị cáo. còn lại là các hình phạt khác.

Chánh án khẳng định, các tòa án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước, đồng thời cũng chú ý áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, các biện pháp tư pháp và các hình phạt bổ sung nhằm đảm bảo việc thu hồi tài sản của Nhà nước đã bị các bị cáo chiếm đoạt hoặc gây thiệt hại.

Các tòa án cũng đã trả hồ sơ yêu cầu Viện kiểm sát điều tra bổ sung đối với 108 vụ phạm tội về kinh tế, 100 vụ phạm tội về tham nhũng, 16 vụ phạm tội về chức vụ.

Bình đẳng giữa buộc tội và gỡ tội

Đối mới mô hình phòng xét xử, ban hành tiêu chuẩn đánh giá và tổ chức các phiên tòa theo yêu cầu cải cách tư pháp đúng quy định của pháp luật là một nội dung được Chánh án nhấn mạnh trong báo cáo.

Ông Bình cho biết, đã ban hành và triển khai thực hiện thông tư quy định về mô hình phòng xét xử mới. Theo đó, vành móng ngựa được thay thế bằng bục khai báo, vị trí của luật sự và đại điện viện kiểm sát được bố trí ngang hàng nhau, thể hiện sự bình đẳng giữa bên buộc tội và bên gỡ tội theo nguyên tắc tranh tụng. Có hàng rào ngăn cách giữu khu vực của những người tiến hành tố tụng và những người tham dự phiên tòa, có quy định riêng về "phòng xét xử thân thiện" phục vụ xét xử các vụ án hôn nhân, gia đình và người chưa thành niên, có khu vực dành riêng cho các phóng viên báo chí.

Việc quy định về mô hình phòng xét xử mới là bước tiến bộ của cải cách tư pháp và đã nhận được sự đánh giá cao của dư luận trong và ngoài nước, Chánh án nhấn mạnh.

Thông tin tiếp theo từ Chánh án là Tòa án nhân dân Tối cao cũng đã hướng dẫn về các yêu cầu của phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp. Theo đó, phiên tòa phải đảm bảo hội đồng xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng, tôn trọng quyền con người. Hội đồng xét xử phải thực hiện hết thẩm quyền của mình theo quy định của pháp luật.

Hà Vũ

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/chua-phat-hien-an-oan-trong-nam-2018-20181113085500696.htm