Chùa phải ra chùa, chợ phải ra chợ để giữ gìn tôn nghiêm chốn tu hành

Theo trụ trì chùa Ba Vàng (Uông Bí, Quảng Ninh), chốn cửa chùa vốn là nơi linh thiêng, tôn nghiêm và tĩnh mịch, nhưng ở nhiều nơi, người dân đã bất chấp tất cả, lấn chiếm đất chùa để buôn bán tư lợi cá nhân. Tình trạng này diễn ra nhiều năm nay ở rất nhiều nơi, làm giảm tôn nghiêm chốn cửa chùa.

 Khu vực phát lộc (đồ ăn, uống) miễn phí tại chùa Ba Vàng. Ảnh: PV.

Khu vực phát lộc (đồ ăn, uống) miễn phí tại chùa Ba Vàng. Ảnh: PV.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, thầy Thích Trúc Thái Minh - Trụ trì chùa Ba Vàng cho biết: "Đền, chùa là nơi cho các tăng chúng và phật tử tu hành thì phải được trang nghiêm, thanh tịnh, phải có nét riêng của chốn tu hành.

Sau khi về đây làm trụ trì, tôi đã thống nhất với chính quyền địa phương không tổ chức buôn bán tại chùa. Quan điểm nhất quán của tôi là chùa phải ra chùa, chợ phải ra chợ”.

Theo trụ trì chùa Ba Vàng, đền chùa là nơi linh thiêng, tôn nghiêm và tĩnh mịch nên cần cấm việc mua bán.

Theo thầy Thích Trúc Thái Minh - người đã trải qua 12 năm được nhân dân địa phương và chính quyền địa phương thỉnh về trụ trì chùa - lãnh đạo thành phố Uông Bí luôn ủng hộ việc cấm buôn bán tại chùa.

Nói về lý do nghiêm cấm buôn bán, kinh doanh tại chùa, Trụ trì chùa Ba Vàng cho biết, khi đến một số chùa lớn khác, thầy đã thấy nhiều hình ảnh phản cảm, không đem lại cảm xúc tích cực tốt đẹp cho người dân đi hành hương.

Thầy Thích Trúc Thái Minh - Trụ trì chùa Ba Vàng.

Thầy Thích Trúc Thái Minh lấy dẫn chứng, tại một số ngôi chùa nổi tiếng và đông du khách, ngay từ bắt đầu dưới chân chùa đi lên, hình ảnh thịt thú rừng treo lủng lẳng, nhe nanh ngay trước cửa chùa, khiến việc đi lễ không còn ý nghĩa.

“Trao đổi với tôi, nhiều vị lãnh đạo thực sự cũng thấy không vui khi trước cửa chùa nhiều quán ăn, quán nhậu. Khi rượu chè vào, nhiều trường hợp đã sinh ra cãi nhau, đánh nhau. Một số hàng quán còn nảy sinh tình trạng tranh giành khách, chèo kéo khách hàng, việc hàng thật, giả lẫn lộn rất khó kiểm chứng.

Rất đông du khách thập phương hành hương đến chùa.

Khi du khách hành hương đến chùa luôn hướng về những điều tâm linh, muốn cho tâm hồn được thanh thản nên gặp những trường hợp như thế, họ mất sự tĩnh tâm, đồng thời giảm đi sự trang nghiêm của chùa” - thầy Thích Trúc Thái Minh lý giải.

Thầy Thích Trúc Thái Minh cho biết, mặc dù, hàng quán buôn bán có thể đem lại những khoản lợi nhất định cho chùa và địa phương, nhưng nhà chùa không đồng ý. Khi được lợi nhuận về kinh tế thì lại mất đi sự thanh tịnh, trang nghiêm của chùa. Quan điểm của chùa Ba Vàng là không biến chùa thành chợ.

Nước uống miễn phí tại chùa.

Cũng theo Trụ trì chùa Ba Vàng, khi mở tuyến đường vào chùa, đã có một số hàng quán kinh doanh tại đây. Sau đó, nhà chùa cùng với thành phố giải quyết dứt điểm, không để tình trạng buôn bán trong khu vực đất chùa. Trong chùa chỉ có quầy phát hành kinh sách, băng đĩa, ấn phẩm của Phật giáo miễn phí.

Chùa Ba Vàng nghiêm cấm việc mua bán kinh doanh trong chùa, chỉ có quầy hát hành kinh sách, băng đĩa, ấn phẩm của Phật giáo miễn phí.

“Sau này, nếu chùa có điều kiện sẽ mở tiệm ăn chay miễn phí, muốn cho người dân đến chùa được thanh tâm. Tuy có tốn kém nhưng tôi vẫn sẵn sàng, ai đến chùa công đức cửa phật bao nhiêu là tùy tâm, không bắt ép. Còn nếu chùa bán thức ăn, bán lộc thì lại như chợ, lại có sự mua bán trao đổi thì dứt khoát là không được” - thầy Thích Trúc Thái Minh nhấn mạnh.

Đông - Huyền - Quang

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/van-hoa/chua-phai-ra-chua-cho-phai-ra-cho-de-giu-gin-ton-nghiem-chon-tu-hanh-657673.ldo