Chưa nghiệm thu đã bán nước cho Hà Nội, Công ty Sông Đuống nói gì?

Công ty CP nước mặt sông Đuống lên tiếng về việc chưa nghiệm thu đã khai thác, bán nước thu tiền.

Nhà máy nước mặt sông Đuống (Gia Lâm, Hà Nội)

Nhà máy nước mặt sông Đuống (Gia Lâm, Hà Nội)

Vì sao nhà máy nước mặt sông Đuống chưa đủ điều kiện nghiệm thu đã vận hành bán nước cho Hà Nội? Liệu chất lượng nước có đảm bảo an toàn?

“Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, trước khi nhà máy nước mặt sông Đuống đi vào hoạt động, tổng công suất cung cấp nước của TP Hà Nội là 921.145m3/ngày, trong đó nước ngầm khai thác từ các giếng khoảng 701.850m3/ngày, nước do Công ty CP nước sạch sông Đà cung cấp khoảng 219.295 m3/ngày. Khi nhà máy nước mặt sông Đuống đi vào hoạt động, nước sông Đuống dần được thay thế nước giếng ngầm đang đóng dần theo chủ trương điều chỉnh quy hoạch cấp nước thủ đô đến 2030.

Trả lời Báo Giao thông, đại diện Cty CP nước mặt sông Đuống cho biết: Trong quá trình thực hiện dự án, luôn phối hợp với các cơ quan chức năng nói chung và Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) nói riêng, cung cấp đầy đủ các hồ sơ, tài liệu kiểm tra tiến độ và chất lượng nghiệm thu dự án. Sông Đuống đã chủ động thuê đơn vị tư vấn kiểm định có năng lực lập báo cáo, tổ chức kiểm định độc lập... Trong quá trình xây dựng và vận hành, Nhà máy nước mặt sông Đuống chịu trách nhiệm về chất lượng nước cấp cho người dân cũng như chất lượng tuyến ống truyền tải.

"Hơn ai hết chúng tôi luôn đặt chất lượng của dự án, của sản phẩm lên hàng đầu vì nếu chất lượng không bảo đảm sẽ ảnh hưởng ngay đến vấn đề tài chính của công ty", đại diện Cty Sông CP sông Đuống cho biết.

Liên quan đến sự cố hư hỏng hố van xả cặn tuyến ống truyền dẫn nước sạch trong quá trình thi công, vận hành Dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống đoạn chân cầu vượt Phú Thụy (Gia Lâm, Hà Nội), chủ đầu tư cho biết: Nguyên nhân bị tuột mối nối với đường ống van xả cặn DN400 do một chiếc xe container trọng tải lớn đè vào hố van xả cặn.

Trả lời câu hỏi: "Đoạn ống vỡ được sản xuất từ đâu, chất lượng và giá thành như thế nào? Loại ống trên được lắp những đâu, dài bao nhiêu km", chủ đầu tư cho biết đã tổ chức đoàn chuyên gia tổ chức lựa chọn đánh giá các nhà cung cấp (Ống Gang, Ống Thép, Ống HDPE, Bê Tông lòng thép) trên cơ sở các tiêu chí về kỹ thuật (đường kính lớn, độ bền, khả năng chịu tác dụng của lực, khả năng thi công cũng như mức sẵn sàng của hàng hóa khi thực hiện tiến độ dự án trong thời gian ngắn) và tìm ra nhà cung cấp phù hợp.

Hệ thống tuyến ống truyền dẫn nước mặt sông Đuống sử dụng rất nhiều loại vật liệu khác nhau tùy thuộc vào địa hình và địa chất cụ thể nơi tuyến ống đi qua. Cụ thể vật liệu ống gồm ống thép, ống HDPE, ống gang dẻo được sản xuất ở Đức, Pháp, Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc, các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất UAE. Việc kiểm định chất lượng tất cả các loại vật liệu cho tuyến ống chúng tôi được thực hiện bởi đơn vị kiểm định độc lập của Pháp và Ban quản lý dự án của Công ty cùng giám sát chặt chẽ công tác thi công xây dựng mạng lưới đường ống đảm bảo chất lượng theo quy định.

Tuy nhiên, câu hỏi: Có thông tin cho rằng TP Hà Nội yêu cầu cấp nước sớm (trước khi được nghiệm thu) vì TP thiếu nước sạch, việc này có cơ sở, văn bản không? Chủ đầu tư không trả lời.

Trước đó, Báo Giao thông đã thông tin, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng - Bộ Xây dựng khẳng định công trình Nhà máy nước mặt Sông Đuống - GĐ 1 (huyện Gia Lâm, Hà Nội) chưa đủ điều kiện nghiệm thu để đưa vào sử dụng.

PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình (Bộ Xây dựng) cho rằng, về nguyên tắc cơ quan Nhà nước chưa ra văn bản nghiệm thu công trình thì chưa được đưa vào sử dụng. “Việc công trình chưa được chấp nhận nghiệm thu mà chủ đầu tư đã đưa vào sử dụng là vi phạm. Một nhà máy nước lớn như nhà máy sông Đuống chưa được nghiệm thu đã cung cấp bán nước cho dân thì không được, không ổn”, ông Chủng nhấn mạnh.

Mã Lương

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/chua-nghiem-thu-da-ban-nuoc-cho-ha-noi-cong-ty-song-duong-noi-gi-d440889.html