Chưa nên thực hiện thu phí người nuôi bệnh

Thu phí người nuôi bệnh đang là câu chuyện gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận thời gian gần đây. Tại TP Hồ Chí Minh, một số bệnh viện đã tổ chức triển khai thu phí đối với người chăm, nuôi bệnh nhân (mức 30.000đ/người), gây phản ứng từ phía người dân, nhất là những người nhà thăm nuôi người bệnh.

Tạm dừng vì người dân phản đối

Vừa qua, tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) đã thu phí người chăm, nuôi bệnh nhân với mức thu 30.000đ/người. Lý giải về việc thu 30.000đ/ngày/người nhà bệnh nhân, ông Cao Tấn Phước, Giám đốc bệnh viện cho hay, hiện nay bệnh viện công tự chủ tài chính nên điện, nước… dùng cho sinh hoạt đều tăng nên bệnh viện không biết lấy kinh phí đâu để bù đắp.

Khi thu tiền, bệnh viện sẽ cung cấp lại 4 dịch vụ cho họ, gồm: máy nước nóng lạnh (dùng lấy nước uống, ăn mì gói...), chỗ sạc điện thoại, ghế bố ngủ qua đêm và chỗ giặt, phơi quần áo. Việc thu phí góp phần chấn chỉnh tình hình an ninh trật tự tại bệnh viện. Do vấp phải sự phản đối quyết liệt từ người nuôi bệnh nên việc thu phí hiện đã tạm dừng.

Tại khu dịch vụ Bệnh viện Từ Dũ, người nuôi bệnh thứ nhất không phải trả phí, nhưng người nuôi bệnh thứ 2 phải trả phí 100.000đ/ngày. Theo giải thích của lãnh đạo bệnh viện, phí đó không phải nhằm mục đích chính tăng nguồn thu mà là để quản lý và hạn chế số người lưu trú để đảm bảo an ninh, an toàn cũng như công tác điều trị tốt cho bệnh nhân.

Sở dĩ người nhà bệnh nhân phản đối quyết liệt vì họ cho rằng, mức thu nhập bình quân đầu người dân còn thấp, người thân nằm viện là một gánh nặng lớn, nhất là những người bệnh mãn tính, thường xuyên phải nhập viện. Người bệnh đã phải trả viện phí, bệnh nặng còn phải mua thuốc ngoài bảo hiểm, tiền chi phí ăn ở, đi lại, nếu “cõng” thêm phí nuôi bệnh trong khi cơ sở hạ tầng bệnh viện không đáp ứng tốt thì hoàn toàn không phù hợp.

Chị Phạm Thị Lan, có con điều trị bệnh máu khó đông ở Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương bày tỏ: “Con nhà tôi phải truyền máu suốt đời, nghĩa là phải gắn với bệnh viện suốt đời. Điều trị cho con khiến gia đình kiệt quệ, nếu như phải trả phí nuôi bệnh nữa sẽ là một gánh nặng quá sức”.

Thu phí người nuôi bệnh gặp phải phản ứng của người dân. Ảnh minh họa

Thu phí người nuôi bệnh gặp phải phản ứng của người dân. Ảnh minh họa

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế - GS Nguyễn Viết Tiến, hiện nay các bệnh viện đã thực hiện tự chủ tài chính, chủ trương của Bộ Y tế cố gắng tạo điều kiện cho các cơ sở y tế làm chủ kinh phí để có nguồn trả lương cho nhân viên và nhiều khoản khác. Những khoản thu hợp pháp, không sai luật thì vẫn được phép thu. Người nhà bệnh nhân vào viện sử dụng điện, nước, vệ sinh... ảnh hưởng đến môi trường. Bệnh viện thuê nhân viên dọn, xử lý và phải trả lương cho họ. Người nhà vào sử dụng dịch vụ theo nguyên tắc phải trả tiền. Nhưng thu bao nhiêu một ngày phải có giá phù hợp.

Việc làm vội vàng

Thu phí chăm nuôi có hợp lý và đúng quy định hay không? Theo PGS.TS Phạm Bích San, Viện Nghiên cứu tư vấn và Phát triển, nếu bệnh viện thu phí người chăm nuôi phải đồng nghĩa với người bệnh và người nhà của họ được hưởng dịch vụ y tế như thế nào để đáp ứng với phí đã thu hay không.

Còn theo PGS.TS.BS Nguyễn Văn Bàng, nguyên Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, thu phí 30.000đ/người chăm nuôi không phải là khoản tiền lớn. Nhưng vấn đề cốt lõi ở đây là tại sao phải thu phí.

Trong việc bảo vệ sức khỏe, chúng ta đang chuyển từ chế độ bao cấp theo kế hoạch sang chế độ tự chủ với việc triển khai rộng rãi và khá ồ ạt Nghị định 43 (tự chủ một phần, một số khâu có thể) nhưng trên thực tế là chủ trương tự điều hành "toàn diện" dưới dạng... khoán quản và đa dạng hóa thành phần kinh tế dưới thuật ngữ "xã hội hóa". Áp dụng cụ thể vào ngành y tế, chúng ta sẽ thấy rõ những bất cập, việc thu tiền người nhà đi theo chăm sóc bệnh nhân nằm viện là một trong những ví dụ điển hình.

Bệnh viện thiết kế và chi tiêu được tính theo chi phí đầu giường và theo từng bệnh nhân. Về lý thuyết, ngành y tế và BHXH phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc chi trả cho công dân đã đóng đủ BHYT và BHXH. Nghĩa là bệnh viện phải lo đủ biên chế cho việc chăm sóc bệnh nhân một cách toàn diện và triệt để, đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu mà tình trạng sức khỏe của người bệnh đòi hỏi, kể cả chăm sóc chuyên môn và chăm sóc đời thường (ăn uống, tắm giặt, vệ sinh, đi lại, giải trí...).

Điều này được thấy rất rõ ở các nước phát triển và ở một vài bệnh viện tư nhân tại Việt Nam gần đây. Nhưng tại các bệnh viện công lập, ngành y tế không có biên chế cho việc chăm sóc đời thường của bệnh nhân. Để chăm sóc "toàn diện" người bệnh, bệnh viện buộc phải sử dụng đến hệ thống nhân lực không chuyên nhưng rất sẵn có và hợp lý là người nhà bệnh nhân.

“Về mặt kinh tế, đáng lẽ bệnh viện phải trả tiền công, hoặc chí ít là cảm ơn họ và tạo điều kiện cho họ "làm việc" thì bệnh viện lại bắt họ phải trả tiền. Nghe rõ thật nghịch lý. Tuy nhiên, đó chỉ là cách nhìn đơn thuần và đơn chiều. Bởi xét ở một góc độ khác, khi bệnh viện phải chịu sự quá tải của bệnh nhân và phải chứa đựng một lượng người gấp đôi thì tất cả mọi chi phí ngoài chuyên môn đều tăng vọt. Lãnh đạo bệnh viện không còn cách nào và nguồn chi nào để trang trải cho sự bội chi này, họ phải tính đến việc thu phí” – PGS Bàng nói.

Theo ông Bàng, để giải quyết triệt để, đơn giản là... cắt nguồn cung người nhà theo nuôi bằng cách cung cấp đủ nhân lực "cận y tế" (hộ lý, y công, nhân viên chăm sóc cơ bản...). Nhưng biết bao giờ bệnh viện có đủ đội ngũ nhân lực hùng hậu và cấp thiết này, khi mà những khái niệm như "chăm sóc toàn diện" mới nằm trên giấy, trong khi nhà nước chưa có chủ trương đào tạo đội ngũ nhân lực thiết yếu này, bảo hiểm chưa hề tính đến chi phí "cận chuyên môn" này?”.

Được biết, trong Danh mục phí và lệ phí ban hành cùng Pháp lệnh Phí và lệ phí mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành, hiện vẫn đang áp dụng, không có một khoản phí nào có tên là “phí thân nhân người bệnh” hay “phí người nuôi bệnh”.

Việc đặt ra một mức phí mới dù ít hay nhiều, Bộ Y tế cũng cần phải trình Bộ Tài chính, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét tính hợp lý, đúng đắn để có sự phê duyệt cho bổ sung hay không vào Danh mục Phí và lệ phí hiện hành. Việc thu phí người chăm nuôi cần phải được Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phải vào cuộc xem xét.

Trần Hằng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/y-te/chua-nen-thuc-hien-thu-phi-nguoi-nuoi-benh-541593/