Chưa nâng được lương, giáo viên mong muốn gì?

Trước đề xuất lương giáo viên được xếp ngang với lương của lực lượng vũ trang chứ không chỉ cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, nhiều nhà giáo cho rằng, đề xuất khó khả thi. Nhưng trước khi mong chờ có mức lương 'hấp dẫn' như thì nhiều giáo viên cho rằng, hãy cho họ làm việc trong một môi trường mà không quá áp lực, vất vả như bây giờ.

Ảnh mang tính minh họa

Ảnh mang tính minh họa

GS Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Namcho rằng, chúng ta đừng viển vông rằng cứ tuyên dương nghề giáo là nghề cao quý là đủ mà cần phải có thái độ của xã hội. Cụ thể là đãi ngộ đúng mức.

Nhiều giáo viên, nhà quản lý giáo dục cho rằng, vấn đề tăng lương nhà giáo là câu chuyện ….rất dài và không thể một sớm một chiều, muốn tăng là được.

Bị ép nhiều việc

Bà Nguyễn Ngọc Dung, hiệu trưởng trường THCS Minh Khai, Hà Nội cho rằng, tăng lương thì sẽ khiến cho ngành sư phạm hấp dẫn hơn, giáo viên sẽ có thể dễ thở hơn và xác định gắn bó lâu dài hơn với nghề.

Tuy nhiên, bà Dung cho rằng, sẽ có nhiều lý do để “cản trở ” việc tăng lương như giáo viên khác ngành lực lượng vũ trang, giáo viên ngày không làm hết 8 tiếng cớ sao đòi tăng lương?

Do vậy, nhiều nhà giáo cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo và các cơ sở giáo dục cần tạo ra những môi trường, điều kiện thuận lợi nhất để giáo viên không còn bị áp lực, vất vả nữa mà thật sự phấn khởi, hăng say làm việc, gắn bó với nghề.

Một thầy giáo dạy Toán có tiếng ở một trường THPT Hà Nội cho rằng, chưa bao giờ giáo viên lại khổ sở như bây giờ. Khổ bởi lẽ, lương thì thấp nhưng áp lực công việc thì nhiều. Áp lực từ phụ huynh, từ chính học sinh nên mới có chuyện các vụ phụ huynh đánh giáo viên, giáo viên bực quá đánh cả học sinh,…

Cô giáo Phạm An, giáo viên dạy tin học ở Hà Nội cho hay, từ khi đi dạy đến giờ, mang tiếng không dạy đủ 8 tiếng một ngày nhưng giáo viên đầy rẫy việc phải làm, từ việc soạn giáo án, các hoạt động ngoại khóa cho học sinh, đến các cuộc thi giáo viên dạy giỏi cũng khiến giáo viên bù đầu và thấy áp lực.

Cô Ngọc Dung, giáo viên dạy môn Sinh- Hóa ở Hà Nội cho hay, đơn cử giáo viên rất áp lực từ cuộc thi giáo viên dạy giỏi. Dù không muốn tham gia nhưng nhiều giáo viên tham gia cuộc thi hầu hết là do chỉ định của ban giám hiệu.

Bản thân cô và đồng nghiệp không muốn đi thi nhưng vì nhà trường bắt ép nên buộc phải tham gia cuộc thi giáo viên dạy giỏi và đạt giải

Hội thi giáo viên giỏi cũng là một trong những tiêu chí để chọn trường chuẩn quốc gia, là điều kiện cần để nhiều người lên chức, lên quyền. Như vậy, giải thưởng này ảnh hưởng đến toàn trường, đến quyền lợi của nhiều một số giáo viên nên nhiều khi có thể mua giải, giáo viên đến đó chỉ để “diễn.”

Tăng lương, cần nhưng chưa đủ

Thầy Đào Tấn Đạt, giảng viên trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cho rằng, tăng lương là điều kiện cần nhưng là chưa đủ hấp dẫn với giáo viên.

“Nên nếu chỉ lương cao mà môi trường không tốt, vị thế nhà giáo không được như xưa thì tăng lương nhiều người cũng không ham”- Thầy Đạt nhấn mạnh.

Cô giáo Đình Thị Thủy, giáo viên THPT ở Hoài Đức cho rằng, việc tăng lương là điều kiện cần để nghề giáo phải có tình yêu, tâm huyết với nghề. Trong bất cứ nghề gì, nhất là nghề đào tạo con người thì chỉ dạy giỏi thôi chưa đủ.

“Tăng lương cũng là một tiêu chí, nhưng tăng ở mức độ nào là một vấn đề. Như tôi giờ lương sau 17 năm ra trường, lương là 7 triệu nhưng dạy thêm để đủ sồng. Nếu chỉ có lương cố định thì sẽ phải làm nghề khác nhưng muốn tồn tại thì phải dạy thêm để cộng vào mới có động lực. Cứ nói tâm huyết mà không đủ nhu cầu cho mình, cho con thì cũng khó”- cô Thủy nói.

Cũng theo cô Thủy, khi ngoài lương cơ bản, có tiền cộng cả dạy thêm mới thấy tạm ổn và thích đi dạy. Vì thế, lương không cao, phải làm thêm, nhưng vẫn thích đi dạy, đó là tôi lấy niềm vui đó bù đắp vào.

Cô Đỗ Thị Dung- Giáo viên trường THCS Dương Liễu, Hà Nội cho rằng, hãy cho giáo viên một môi trường được thể hiện mình, được yêu những giờ lên lớp, không quá bị áp lực, không bị phụ huynh đến đe dọa,...

Trước đó, trong chuyến công tác lắng nghe tâm tư nguyện vọng của giáo viên tỉnh Yên Bái cuối năm 2018, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ: "Các cuộc thi, hội thi dạy giỏi cũng đang gây áp lực lớn cho giáo viên. Nhiều cuộc thi mang tính hình thức. Thi đua dạy tốt học tốt là việc cần có trong mỗi nhà trường nhưng phải tốt thật, thiết thực chứ không phải gây áp lực theo hướng xấu. Từ năm ngoái, Bộ đã cắt giảm rất nhiều cuộc thi rồi, nhưng vẫn phải tiếp tục rà soát để cố gắng đưa thi đua thành việc thiết thực và hiệu quả".

Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ cũng đang tích cực rà soát để cắt giảm các quy định về sổ sách, hồ sơ của giáo viên và sẽ ban hành trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng sẽ có những điều chỉnh về tiêu chí thi đua trong năm 2019 để bảo đảm thực chất, thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục.

Trong các bài trả lời phỏng vấn báo chí đầu năm 2019, người đứng đầu ngành Giáo dục tiếp tục khẳng định sẽ trả lại cho giáo viên thời gian làm việc chuyên môn bằng việc rà soát cắt giảm mạnh mẽ hơn nữa hồ sơ, sổ sách cho giáo viên và tiếp tục cắt giảm các cuộc thi, hội thi thiếu thiết thực và hiệu quả.

Đỗ Hợp

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/chua-nang-duoc-luong-giao-vien-mong-muon-gi-1368399.tpo