'Chưa mất một đồng và không bao giờ bù giá cho nước sông Đuống'

Người dân nghi ngờ giá nước sông Đuống quá cao do phải cõng lãi vay nghìn tỷ, TP phải chi tiền ngân sách bù giá nhưng Chủ tịch Hà Nội khẳng định không có chuyện đó.

Cuộc tiếp xúc cử tri trước thềm kỳ họp HĐND TP của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung diễn ra chiều 15/11, với trọng tâm là câu chuyện liên quan đến vấn đề nước sạch. Trong đó, nghi vấn thành phố “ưu ái” cho nhà máy nước sông Đuống cũng là vấn đề được đặt ra.

Hà Nội không bù giá nước sông Đuống

Trao đổi với báo chí bên lề buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung giải thích thêm một số vấn đề liên quan đến dự án của nhà máy nước mặt sông Đuống.

Theo ông, với các nhà máy nước như sông Đà hay sông Đuống, khi lập dự án cung cấp nước cho người dân thì thành phố phải đứng ra ký hợp đồng.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Ảnh: Quỳnh Hương.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Ảnh: Quỳnh Hương.

Riêng với dự án nhà máy nước sông Đuống, thành phố đã thực hiện nghiêm túc theo nghị định, thông tư của Chính phủ và Bộ Tài chính. Trước khi thành phố ký hợp đồng, Sở Tài chính và liên ngành đã có báo cáo, đề xuất. Trên cơ sở đó, thành phố chỉ đạo sở liên ngành báo cáo Bộ Tài chính xin ý kiến.

Và mức 10.246 đồng/m3 là giá tạm tính, để phục vụ cho nhà đầu tư lập dự án đầu tư. Sau khi dự án được hoàn thành mới quyết toán toàn bộ công trình, lúc đó mới ra giá thành cụ thể và thành phố mới chính thức ký.

Với dự án này, Chủ tịch Hà Nội cho hay từ khi hoàn thành giai đoạn 1 đến nay, thành phố đã giao cho Công ty nước sạch Hà Nội phân phối lại của nhà máy nước mặt sông Đuống.

Theo đó, ngày cao điểm công suất lên đến 160.000-170.000 m3/ngày đêm, còn bình thường là 110.000-120.000 m3/ngày đêm. Nước này được mua với giá 7.700 đồng/m3, còn giá phân phối trung bình của toàn thành phố hiện nay là hơn 8.000 đồng/m3.

“Nếu chia bình quân giá nước bán cho người dân, các cơ sở kinh doanh, sản xuất trên địa bàn thành phố sẽ vào khoảng hơn 8.000 đồng. Trong khi đó, giá lấy lại của nhà máy nước mặt sông Đuống là 7.700 đồng. Tức là các công ty nước ở Hà Nội bán ra lãi được vài trăm đồng”, Chủ tịch Hà Nội giải thích.

Ông nhấn mạnh nguyên tắc giá mua không được cao hơn giá bán.

Về lo ngại thành phố phải bỏ tiền ngân sách bù giá cho nước sạch sông Đuống, ông Chung khẳng định: “Thành phố chưa mất một đồng nào bù giá cho nước sông Đuống và chắc chắn không bao giờ bù”.

Vốn vay chiếm 80% mức đầu tư

Với so sánh giá nước sạch sông Đuống cao hơn nhiều giá nước sông Đà, Chủ tịch Hà Nội nói nhà máy nước sông Đà đã sản xuất nhiều năm và đương nhiên khi khấu hao nhiều thì giá thành thấp hơn. Chưa kể đến các tiêu chuẩn khác nhau về công nghệ.

Giá bán của nhà máy nước sông Đuống cao hơn nhiều so với nước sông Đà. Ảnh: Hoàng Hà.

Ông Chung cho biết đã đề nghị nhà máy sông Đà lắp thêm đường ống để tăng công suất, đồng thời, thay đổi công nghệ để nước cung cấp cho người dân có thể uống được tại vòi.

Đề cập đến nghi ngờ của dư luận trong vấn đề lợi ích nhóm, Chủ tịch Hà Nội khẳng định không có chuyện này.

“Tôi khẳng định là không có lợi ích nhóm ở đây cả. Thành phố chỉ làm mọi cách, tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, nhằm giải quyết nhu cầu cấp bách về nước cho người dân trong những năm qua”, ông Chung nói.

Không chỉ riêng với nhà máy nước mặt sông Đuống, mà với tất cả nhà đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố, ở các lĩnh vực, ông Chung khẳng định đều được coi trọng và tạo mọi điều kiện như nhau.

Việc nhà máy nước mặt sông Đuống vay đến 80% tổng mức đầu tư cũng đặt ra không ít quan ngại, song Chủ tịch Hà Nội cho rằng "kể cả vay 100% cũng không vấn đề gì", vì tất cả các dự án trên thế giới đều phải đi vay.

"Đó là bài toán của doanh nghiệp. Họ vay để hoạt động nhưng chẳng may có rủi ro hay bị thiên tai địch họa thì họ phải chấp nhận", ông Chung nói.

Hoài Vũ

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/chua-mat-mot-dong-va-khong-bao-gio-bu-gia-cho-nuoc-song-duong-post1013698.html