Chữa lành vết thương bằng đường ăn

Ngày xưa ở vùng nông thôn cao nguyên miền đông Zimbabwe, cậu bé Moses Murandu thường được đắp muối lên vết thương mỗi khi bị té ngã đến chảy máu. Vào những ngày may mắn, người cha có đủ tiền để mua một thứ giúp cậu bé cảm thấy vết thương đỡ bị đau rát hơn muối - đó là đường.

Moses Murandu nhận xét thấy dường như đường ăn giúp chữa lành vết thương nhanh hơn là để tự lành. Thế nhưng, Murandu ngạc nhiên khi biết đường ăn không hề được sử dụng để chữa trị vết thương trong y tế.

Đó là lý do mà Murandu cố gắng thay đổi điều đó và cuối cùng ý tưởng của Murandu cũng được đánh giá một cách nghiêm túc. Là giảng viên cao cấp trong ngành điều dưỡng cho người lớn tại Đại học Wolverhampton (Anh), Murandu hoàn thành nghiên cứu thử nghiệm ban đầu về ứng dụng của đường ăn trong việc trị lành vết thương và giành giải thưởng của Tạp chí Chăm sóc Vết thương (Journal of Wound Care) vào tháng 3-2018 cho công trình nghiên cứu của mình.

Ở nhiều nơi trên thế giới, phương pháp này có thể rất quan trọng vì người dân không đủ tiền mua thuốc kháng sinh. Murandu cho biết chỉ cần đổ đường ăn vào vết thương rồi băng lại để chữa trị. Vấn đề là những hạt đường sẽ hút sạch chất ẩm khiến vi khuẩn sinh sôi và từ đó giúp vết thương lành nhanh hơn.

Moses Murandu.

Ngày nay, có nhiều ca bệnh trên khắp thế giới củng cố thêm phát hiện của Murandu - trong đó có cả ca bệnh dùng đường ăn chữa trị thành công vết thương bị vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh. Loại đường mà Murandu sử dụng chỉ là đường ăn thông thường trong cuộc sống hàng ngày.

Ngoài ra, Murandu phát hiện dùng đường mía hay đường từ củ cải đường cũng có tác dụng chữa trị như nhau. Tuy nhiên, đường nâu Demerara lại không hiệu quả lắm. Thử nghiệm cho thấy một số chủng vi khuẩn sinh sôi ở chỗ có ít đường nhưng hoàn toàn bị kiềm chế ở nơi có lượng đường nhiều. Murandu bắt đầu ghi nhận các trường hợp bệnh ở Zimbabwe, Botswana, và Lesotho - trong số đó có một phụ nữ sống ở thủ đô Harare của Zimbabwe.

Murandu kể lại: "Chân của người phụ nữ bị một vết thương khủng khiếp, và bác sĩ muốn cắt bỏ chi. Tôi khuyên bà rửa sạch vết thương, rắc đường vào, để yên đó và lặp lại như vậy nhiều lần. Người phụ nữ đó giờ vẫn giữ được chân".

Murandu cho biết đây là ví dụ cho thấy tại sao có rất nhiều quan tâm tới phương pháp của ông, đặc biệt ở nhiều nơi trên thế giới nơi mọi người không đủ tiền mua thuốc kháng sinh. Tổng cộng, Murandu đã tiến hành nghiên cứu đối với 41 bệnh nhân ở Anh. Murandu vẫn chưa chính thức công bố kết quả thử nghiệm trên các tạp chí y khoa uy tín trên thế giới nhưng đã trình bày kết quả tại các cuộc hội thảo quốc gia và quốc tế.

Một vấn đề mà ông cần phải nghiên cứu là liệu người ta có thể sử dụng đường với bệnh nhân tiểu đường - những người thường bị phù bàn chân và chân - hay không. Các bệnh nhân này cần được kiểm soát hàm lượng đường glucose trong máu, cho nên có vẻ như việc dùng đường để trị bệnh cho họ là không khả thi. Điều ngạc nhiên là cuối cùng Murandu phát hiện đường vẫn có tác dụng với bệnh nhân tiểu đường mà không gây ra tình trạng tăng cao lượng đường trong cơ thể họ.

Quan ngại về tình trạng kháng thuốc kháng sinh khiến nhu cầu tìm kiếm các phương pháp chữa trị tiềm năng khác tăng lên, ví dụ như dùng đường ăn đắp vào vết thương.

Murandu giải thích: "Đường là sucrose và cần có loại enzyme gọi là sucrase để chuyển hóa nó thành đường glucose". Do sucrase có trong cơ thể người, nên chỉ khi nào người ta tiêu thụ đường thì nó mới bị chuyển hóa. Rắc đường bên ngoài vết thương không gây ra tác dụng chuyển hóa như vậy.

Trong lúc Murandu tiếp tục nghiên cứu trên bệnh nhân, thì ở bên kia bờ Đại Tây Dương, nữ bác sĩ thú y người Mỹ Maureen McMichael đã sử dụng phương pháp chữa lành vết thương này trên động vật trong nhiều năm qua. Michael làm việc tại Bệnh viện Y học Thú y Illinois, và lần đầu tiên sử dụng đường và mật ong trên động vật từ năm 2002. Bà cho biết phương pháp đơn giản và giá rẻ này đã khiến bà quan tâm, đặc biệt với những chủ nuôi thú cưng không đủ tiền để đưa thú cưng tới bệnh viện và gây mê khi chữa trị.

Hiện nay Murandu có kế hoạch thành lập bệnh viện tư nhân sử dụng phương pháp chữa trị bằng đường ăn. Ông hy vọng một ngày nào đó đường ăn sẽ được sử dụng rộng rãi, không chỉ tại Ngành Dịch vụ Y tế Anh (NHS) mà còn ở bệnh viện công tại các quốc gia mà ông từng làm việc. Murandu thường xuyên nhận được email xin tư vấn từ khắp nơi trên thế giới và được ông hướng dẫn bệnh nhân từ xa qua email và tin nhắn.

Những người bệnh ở xa gửi cho ông hình ảnh kết quả chữa trị cùng với lời cảm ơn khi họ lành bệnh. Đây là phương pháp có từ xa xưa và từng được người nghèo ở những quốc gia đang phát triển sử dụng. Ông coi đó như sự kết hợp giữa kiến thức địa phương với cơ sở vật chất nghiên cứu hiện đại tại Anh. Murandu kết luận: "Giống như đường, kiến thức sơ khai đến từ Zimbabwe, sau đó được tinh luyện ở đây - và giờ trở về giúp đỡ người dân ở châu Phi".

Di An (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/chua-lanh-vet-thuong-bang-duong-an-489833/