Chưa kịp vui, nỗi lo đã trở lại với giới đầu tư

Sau khi lấy lại sự cân bằng trong phiên thứ Ba với thông tin Mỹ-Trung nối lại đàm phán thương mại, tưởng chừng chứng khoán toàn cầu sẽ có điểm tựa để đi lên, nhưng chưa kịp chớm vui, giới đầu tư lại đối mặt với nỗi lo mới.

Sau khi giảm mạnh phiên đầu tuần do tác động của nhóm cổ phiếu ngân hàng và công nghệ với 2 tác nhân chính là Goldman Sachs với thông tin liên quan đến vụ bê bối tham nhũng tại Quỹ 1MDB của Malaysia và Apple với dự báo doanh số iPhone giảm, phố Wall đã lấy lạ sự cân bằng trong phiên thứ Ba.

Trong phiên thứ Ba, nhóm công nghệ hồi phục, cùng kỳ vọng về việc cuộc chiến thương mại sẽ được giải quyết khi Mỹ - Trung nối lại đàm phán, đã giúp phố Wall lấy lại được sự cân bằng trước sức ép của nhóm cổ phiếu công nghệ và Boeing.

Tưởng chừng phiên giao dịch này sẽ là điểm tựa để phố Wall đi lên trong phiên thứ Tư, nhưng niêm vui chưa kịp đến thì nỗi lo mới xuất hiện. Trong phiên thứ Tư, các chỉ số chính của phố Wall đồng loạt giảm khá mạnh trở lại khi nhà đầu tư lo lắng các quy định về lĩnh vực ngân hàng sẽ bị thắt chặt lại khi Đảng Dân chủ nắm Hạ viện.

Nhóm cổ phiếu tài chính giảm sau khi Nghị sĩ Đảng Dân chủ Maxine Waters, người dự kiến sẽ trở thành chủ tịch Ủy ban Dịch vụ tài chính của Hạ viên Mỹ cho rằng, bà có ý định đẩy mạnh các quy định chặt chẽ hơn với lĩnh vực ngân hàng.

Đà giảm của nhóm cổ phiếu tài chính khiến phố Wall giảm khá mạnh, nhưng nhờ thông tin Thủ tướng Anh Theresa May giành được sự ủng hộ về một thỏa thuận Brexit (Anh và Liên minh châu Âu đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về Brexit), giúp đà giảm của phố Wall được hãm bớt. Dù vậy, S&P 500 cũng đánh dấu chuỗi giảm 5 phiên liên tiếp.

Thông tin kinh tế mới công bố cho biết, lạm phát trong tháng 10 của Mỹ tăng 0,3%, phù hợp với dự báo, không có tác động nhiều tới thị trường.

Kết thúc phiên 14/11, chỉ số Dow Jones giảm 205,99 điểm (-0,81%), xuống 25.080,50 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 20,60 điểm (-0,76%), xuống 2.701,58 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 64,48 điểm (-0,90%), xuống 7.136,39 điểm.

Tương tự, dù nhận thông tin tích cực về việc Anh và Liên minh châu Âu đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về Brexit, nhưng chứng khoán châu Âu vẫn đồng loạt quay đầu giảm trở lại trong phiên thứ Tư do đà bán mạnh nhóm cổ phiếu năng lượng, công nghệ, ngân hàng, khai thác mỏ trong bối cảnh lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu và cuộc khủng hoảng ngân sách của Italia ngày các gia tăng.

Kết thúc phiên 14/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 19,97 điểm (-0,28%), xuống 7.033,79 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 59,69 điểm (-0,52%), xuống 11.412,53 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 32,99 điểm (-0,65%), xuống 5.068,85 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản hồi phục nhẹ trở lại sau khi giảm mạnh trong phiên trước đó theo diễn biến của phố Wall. Chứng khoán Nhật Bản hồi phục khi nhóm cổ phiếu cung cấp thiết bị cho Apple hồi phục theo nhóm cổ phiếu công nghệ tại phố Wall trong phiên thứ Ba. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông lại quay đầu giảm sau dữ liệu kinh tế kém khả quan của Trung Quốc.

Kết thúc phiên 14/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 35,96 điểm (+0,16%), lên 21.846,48 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 22,64 điểm (-0,85%), xuống 2.632,24 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 138,44 điểm (-0,54%), xuống 25.654,43 điểm.

Trên thị trường vàng, sau khi lình xình đi ngang trong phiên Á và châu Âu, giá vàng tăng vọt khi bước vào cuối phiên Mỹ trước khi hạ nhiệt nhà vào cuối phiên nhờ lực cầu gia tăng. Đồng USD yếu và đà bán mạnh trên thị trường chứng khoán đã tạo động lực cho giá kim loại quý tiếp tục tăng trong phiên thứ Tư.

Kết thúc phiên 14/11, giá vàng giao ngay tăng 8,6 USD (+0,72%), lên 1.210,5 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 tăng 8,7 USD/ounce (+0,72%), lên 1.210,1 USD/ounce.

Trong khi đó, sau chuỗi giảm 12 phiên liên tiếp, chuỗi giảm dài nhất lịch sử, nhất là phiên lao dốc không phanh hôm thứ Ba, giá dầu thô đã hồi phục trở lại trong phiên thứ Tư sau khi OPEC và đối tác của mình cho biết, sẽ thảo luận để cắt giảm sản lượng 1,4 triệu thùng/ngày, mức nhiều hơn so với thỏa thuận hiện hành.

Kết thúc phiên 14/11, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ tăng 0,56 USD (+1,01%), lên 56,25 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,65 USD (+1,00%), lên 66,12 USD/thùng.

T.Lê

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/quoc-te/chua-kip-vui-noi-lo-da-tro-lai-voi-gioi-dau-tu-249062.html