Chưa khai thác hết tài nguyên về du lịch ở Bà Rịa – Vũng Tàu

Môi trường du lịch tại Bà Rịa – Vũng Tàu hiện đang thiếu ổn định, chưa có tính cạnh tranh so với lợi thế của địa phương.

Nhiều lựa chọn cho du khách

Từ khi tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hoàn thành và đưa vào khai thác, thời gian từ TP.HCM đến Bà Rịa – Vũng Tàu đã rút ngắn gần một nửa. Huyện Côn Đảo thì có thêm các tuyến bay từ TP.HCM, Cần Thơ và thêm tuyến đường biền từ Vũng Tàu, Sóc Trăng. Đây là những ưu thế về đường biển giúp Bà Rịa – Vũng Tàu càng trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách.

Các bãi tắm ở Bà Rịa – Vũng Tàu luôn đông khách nhưng chủ yếu là khách bình dân, đi về trong ngày

Các bãi tắm ở Bà Rịa – Vũng Tàu luôn đông khách nhưng chủ yếu là khách bình dân, đi về trong ngày

Chỉ trong 10 năm đầu thành lập, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tập trung ngân sách và huy động nhiều nguồn lực, với hàng ngàn tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp, làm mới các trục giao thông thiết yếu. Từ sự đầu tư này, Bà Rịa – Vũng Tàu trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về tốc độ phát triển hạ tầng giao thông nội tỉnh.

Bên cạnh đó, những sản phẩm, sự kiện du lịch mang dấu ấn Bà Rịa – Vũng Tàu cũng từng bước được tạo dựng. Tiêu biểu như: lễ hội Nghinh Ông mang đậm bản sắc văn hóa, tín ngưỡng của cư dân miền biển ở các xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc; xã Phước Hải, huyện Đất Đỏ, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, đình thần Thắng Tam, TP Vũng Tàu… đang thu hút rất đông khách thập phương.

Anh Nguyễn Văn Tài, du khách đến từ tỉnh Tây Ninh chia sẻ: "Lâu lắm rồi tôi mới quay lại du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu. Tôi thấy môi trường biển ở đây rất sạch sẽ, sạch hơn nhiều so với những năm trước".

Hội thi đua thuyền buồm một trong những hoạt động thu hút lượng khách trong và ngoài nước

Không chỉ có bờ biển đẹp, Bà Rịa – Vũng Tàu còn sở hữu 2 quần thể rừng độc đáo là: Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu Phước Bửu rộng hơn 11.000 ha (huyện Xuyên Mộc) là nơi cư trú của nhiều loại sinh vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Đan xen trong khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu Phước Bửu là nhiều sông, suối, bàu, hồ…

Đặc biệt, giữa ngút ngàn rừng nguyên sinh, hơn 70 điểm nước nóng phun lộ thiên tạo thành những hồ nước nóng lớn nhỏ, với nhiệt độ trung bình 40, 500C, nơi nóng nhất đến 84ºC.

Ông Nguyễn Khắc Pho, Giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo cho biết, đối với hợp phần biển, Vườn quốc gia Côn Đảo đang bảo tồn một trong những hệ sinh thái cỏ biển nguyên trạng và đa dạng nhất Việt Nam, là nơi duy nhất tại Việt Nam còn tồn tại một quần thể bò biển và cũng là nơi ươm nuôi nguồn giống thủy sản có giá trị. Do đó song song với phát triển du lịch thì nhiệm vụ bảo tồn đa dạng sinh học trên biển là nhiệm vụ luôn được chú trọng.

"Bên cạnh chú trọng công tác bảo vệ rừng, hàng năm chúng tôi có phương án bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ đa dạng sinh học trên biển. Trong đó, kết hợp phát triển kinh tế du lịch phải đòi hỏi thực hiện nhưng vẫn ưu tiên cho mục tiêu bảo tồn, nên phải có sự lựa chọn", ông Nguyễn Khắc Pho nói.

Lượng khách quốc tế đến Bà Rịa – Vũng Tàu qua đường thủy đang đang định hình nhưng chưa cao

Chưa xứng tầm

Từ năm 2015, ngành du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá và có đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của tỉnh. Lượng du khách đến Bà Rịa – Vũng Tàu tăng bình quân hơn 13% năm; tổng thu từ khách du lịch tăng bình quân trên 16%/năm. Thế nhưng, so với tiềm năng, ưu thế và so với các địa phương "lấy du lịch làm trụ cột kinh tế" thì du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn chưa phát triển xứng tầm.

Lượng khách đến Bà Rịa – Vũng Tàu tăng vào mỗi dịp cao điểm, với công suất phòng lên đến 80%, nhưng tính chung cả năm, tỷ lệ khách lưu trú lại rất thấp; mùa thấp điểm công suất phòng thậm chí dưới 10%. Khách du lịch quốc tế so với tổng lượng khách cũng thấp, chỉ chiếm 4-5%.

Nguyên nhân khiến Bà Rịa – Vũng Tàu khó "giữ chân” du khách là sản phẩm du lịch còn nghèo nàn. Nhiều sản phẩm du lịch đã được gầy dựng, sau đó mất hút, như: bắn súng thần công, lặn biển-ngắm san hô. Một số sự kiện đã định danh rồi cũng bỏ dở hoặc gián đoạn, như festival biển, bóng chuyền bãi biển, Festival ẩm thực, Festival diều…

Môi trường du lịch ở các địa bàn du lịch của tỉnh thì thiếu tính ổn định về vệ sinh môi trường, giá dịch vụ và cả về an ninh-trật tự. Một số yếu kém khác phải kể đến là nhân lực phục vụ du lịch chưa chuyên nghiệp; quy hoạch không gian du lịch chưa đồng bộ, thiếu những công trình làm điểm nhấn; dịch vụ vận tải công cộng, những tuyến đưa đón du khách đến các điểm du lịch hoạt động rời rạc, thiếu sự liên kết.

Giàu tiềm năng phát triển loại hình bất động sản nghỉ dưỡng Condotel, thế nhưng Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn còn lúng túng trong quản lý nhà nước đối với loại hình này, vì tỉnh đang dần mất thế cạnh cạnh so với những địa phương lân cận như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai…

Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng, để tăng nguồn thu du lịch, việc đầu tiên là Bà Rịa – Vũng Tàu cần có chiến lược đầu tư cho con người, hạ tầng giao thông, đa dạng các sản phẩm du lịch, tập trung phát triển các gói sản phẩm chất lượng cao.

"Bà Rịa – Vũng Tàu có biển, có núi, có sông, có được khí hậu cận nhiệt đới ôn hòa quanh năm, có nhiều vùng đất để có thể phát triển các loại sản phẩm phục vụ cho du lịch. Tất nhiên, hiện nay chúng tôi cũng đánh giá chỉ mới phát triển 1 phần rất nhỏ so với tài nguyên du lịch mà Bà Rịa – Vũng Tàu hiện có. Với các giải pháp đặt ra tại nghị quyết của Ban chấp hành tỉnh Đảng bộ, chúng tôi sẽ khai thác tốt hơn tài nguyên về du lịch trong thời gian tới", ông Trịnh Hàng cho hay.

Tình trạng kẹt xe trên quốc lộ 51 làm cho một lượng lớn khách trong vùng ngại đến Bà Rịa – Vũng Tàu

Phát triển thành kinh tế mũi nhọn

Theo ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu, Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch chất lượng cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 có hàng loạt đề án, kế hoạch, chương trình hành động, giải pháp liên quan đến đầu tư hạ tầng để thu hút du lịch. Trong đó sẽ đậy mạnh việc cải thiện môi trường du lịch, sản phẩm dịch vụ, đầu tư hạ tầng nhằm kết nối các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm.

"Trong phát triển của Bà Rịa – Vũng Tàu trong 5 năm tới được thể hiện qua Nghị quyết của Đại hội Đảng vừa qua và sắp tới phát triển hạ tầng vẫn là câu chuyện cần đẩy mạnh. Đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu và câu Phước An vẫn là 2 mục tiêu phải hoàn thành trong nhiệm kỳ, dứt khoát phải đưa vào sử dụng trước 2025. Đường sắt phải thúc đẩy tiến độ để thành dự án khả thi. Bến tàu du thuyền phải trở thành điểm nhất du lịch của Bà Rịa – Vũng Tàu trong tương lai", ông Nguyễn Hồng Lĩnh nói thêm.

Để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2025, Nghị quyết 09 BCH Đảng bộ tỉnh đã đề ra, Bà Rịa – Vũng Tàu phấn đấu đạt ít nhất 10 thương hiệu du lịch lớn đầu tư vào tỉnh, tổng lượt khách tới tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đạt 14%/năm; riêng khách có lưu trú tăng 11-13%/năm. Tổng thu từ khách du lịch tăng 15-20%/năm; tổng thu từ hoạt động lưu trú tăng 17-19%/năm và tăng thời gian lưu trú của khách từ 1,8 ngày lên 2,2 ngày.

Đạt được các mục tiêu này, du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu phải vượt qua nhiều thách thức từ những tồn tại bất cập, thách thức trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, đồng thời phải có quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị, để du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu không "đi trước mà về sau" và kịp thời nắm bắt những cơ hội cho sự phát triển./.

Gia Khang/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/du-lich/chua-khai-thac-het-tai-nguyen-ve-du-lich-o-ba-ria-vung-tau-1072290.vov