Chưa kéo dài tuyến Cát Linh - Hà Đông: Nhẹ lòng

'Đó chỉ là quy hoạch trong tương lai xa, hiện chưa có cơ sở lập dự án Cát Linh - Hà Đông kéo dài tới Xuân Mai'

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết, ông thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội về tổng hợp chiến lược cách đây 10 năm phát triển giao thông vận tải, trong đó có việc thực hiện chính sách phát triển giao thông vận tải đường sắt và sử dụng ngân sách Nhà nước đầu tư cho giao thông vận tải đường sắt.

Về thông tin kéo dài tuyến số 2A, từ Hà Đông đến Xuân Mai với chiều dài khoảng 20 km, theo hướng Quốc lộ 6, bố trí đề pô tại Xuân Mai, Bộ trưởng Thể nói: "Bộ GTVT không đề xuất làm đường sắt Cát Linh - Hà Đông kéo dài tới Xuân Mai, Bộ không họp bàn gì về dự án này, Bộ chỉ làm đường sắt quốc gia. Mạng lưới đường sắt đô thị với 8 tuyến là quy hoạch của Hà Nội, hiện tại chưa có chủ trương về dự án".

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể.

Cùng trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Đông - Thứ trưởng Bộ GTVT phụ trách lĩnh vực đường sắt khẳng định: "Đó chỉ là quy hoạch trong tương lai xa, hiện chưa có cơ sở lập dự án Cát Linh - Hà Đông kéo dài tới Xuân Mai."

Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, trước đây Bộ GTVT là cơ quan lập quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông vận tải trong hệ thống quốc gia, sau đó việc quy hoạch giao thông vùng giao về các địa phương cụ thể.

Ông Đông thông tin, năm 2004, Hà Nội nhận được tài trợ của Nhật Bản về lập quy hoạch giao thông vận tải thủ đô, trong đó có chiến lược phát triển mạng đường sắt đô thị. Hà Nội lập quy hoạch phát triển mạng giao thông đường sắt theo hình cánh quạt, vươn từ trung tâm thủ đô tới các thành phố vệ tinh, trong đó có Xuân Mai, Hòa Lạc... định hướng phát triển sau năm 2020.

Lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, việc lập quy hoạch nhằm định hướng chiến lược phát triển giao thông đường sắt trong tương lai, điều này không có nghĩa là sẽ triển khai dự án, bởi để lập dự án phải căn cứ vào nhiều yếu tố như: Nhu cầu thực tiễn, sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...

"Bộ GTVT với vai trò là cơ quan đầu mối tổng hợp quy hoạch của các địa phương. Thời gian tới, Bộ GTVT sẽ rà soát cụ thể về các dự án tại Hà Nội, trong đó có tuyến Cát Linh - Hà Đông kéo dài tới Xuân Mai với chiều dài khoảng 20 km, theo hướng quốc lộ 6", Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết thêm.

Dư luận cảm thấy "nhẹ lòng" sau khi nghe các lãnh đạo Bộ GTVT phủ nhận thông tin kéo dài dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông tới Xuân Mai. Bởi lẽ, cho tới thời điểm hiện tại, mặc dù chưa đi vào hoạt động song tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã bộc lộ quá nhiều vấn đề.

Ngoài việc, đề chậm tiến độ, đội vốn, mới đây, Hội đồng Nghiệm thu nhà nước còn chỉ ra, từ năm 2008 khi được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác thi công dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, đơn vị này đã phát hiện việc thực hiện dự án trên cao là không phù hợp với điều kiện, khí hậu, gây tốn kém, không phát huy hết được hiệu quả của dự án.

Trên cơ sở đó, Hội đồng nghiệm thu nhà nước đề xuất làm ngầm dự án theo Pháp và Nhật. Tuy nhiên, đại diện chủ đầu tư khi ấy lại chọn làm theo đường sắt đô thị trên cao. Trong khi các nước phát triển như Đức, Ý đã sử dụng công nghệ này cả trăm năm, Trung Quốc mới nhưng cũng hàng chục năm, dẫn tới tình trạng dự án chưa đưa vào hoạt động đã không còn phù hợp với điều kiện hiện nay.

Nhiều ý kiến cho rằng, một dự án bị lạc hậu so với thế giới hàng chục năm ngay từ khởi công, vì vậy chẳng có lý do gì để tiếp tục mở rộng hay phát triển nó.

Ngọc An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/chua-keo-dai-tuyen-cat-linh--ha-dong-nhe-long-3389979/