Chưa kê biên tài sản của ông Đinh La Thăng

Chiều 6/4, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã họp báo thông tin, trao đổi với các cơ quan báo chí về tình hình hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp trong quý I và nhiệm vụ trọng tâm quý II/2018.

Toàn cảnh buổi họp báo

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Đỗ Đức Hiển, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp cho biết, quý I/2018, Bộ Tư pháp đã tích cực tham mưu với Chính phủ về Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và Kế hoạch Thực hiện hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) nhiệm kỳ 2014 - 2018 thống nhất trong cả nước; thẩm định 34 dự án, dự thảo VBQPPL, 7 đề nghị xây dựng VBQPPL. Đặc biệt như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Luật Sửa đổi, bổ sung một số luật có quy định liên quan đến quy hoạch; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục...

Bộ đã kiểm tra 640 văn bản của các bộ, ngành, địa phương, trong đó đã phát hiện 20 văn bản trái pháp luật về nội dung.

Bên cạnh đó, công tác thi hành án cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng, đã thi hành xong 186.883 việc trong tổng số 409.447 việc có điều kiện thi hành, đạt tỉ lệ 45,64%. Tổ chức theo dõi, đôn đốc thi hành xong 29/85 vụ việc thi hành các bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính còn tồn đọng.

Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tổ chức đánh giá tình hình triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch.

Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia thuộc Bộ Tư pháp đã cấp 810 Phiếu lý lịch tư pháp, với 100% các trường hợp cấp Phiếu đúng hoặc sớm hơn thời hạn theo quy định. Bộ Tư pháp đã tiếp tục phối hợp với Cục Hồ sơ nghiêp vụ cảnh sát, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an tra cứu, xác minh thông tin án tích cho 24.684 hồ sơ, qua đó góp phần rút ngắn hơn thời gian giải quyết thủ tục hành chính tại các Sở Tư pháp.

Bộ đã ban hành Kế hoạch cải cách hành chính của Bộ Tư pháp năm 2018; hoàn thành việc chấm điểm chỉ số cải cách hành chính năm 2017 gửi Bộ Nội vụ.

Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã rà soát, đề xuất đơn giản, cắt giảm hoặc bãi bỏ 43/98 điều kiện kinh doanh thuộc 7 ngành, nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, đạt tỷ lệ 44%.

Liên quan đến vụ việc ông Võ Hòa Thuận, người ép cô giáo của Trường Tiểu học Bình Chánh (Long An) quỳ xin lỗi, bà Nguyễn Thị Mai ,Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) cho biết, sau khi xảy ra sự việc, Cục Bổ trợ tư pháp đã kiểm tra, rà soát và nhận thấy ông Võ Hòa Thuận đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp cấp chứng chỉ hành nghề luật sư đầu năm nay. Hồ sơ cũng như tiêu chuẩn của ông Võ Hòa Thuận vào thời điểm xin cấp chứng chỉ hành nghề là hoàn toàn đủ điều kiện theo đúng quy định tại Điều 10 của Luật Luật sư năm 2006 và Luật Luật sư sửa đổi, bổ sung vào năm 2012.

Theo bà Mai, đối với lĩnh vực hành nghề luật sư và các lĩnh vực hành nghề thuộc lĩnh vực bổ trợ tư pháp khác thì người sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư phải gia nhập đoàn luật sư.

Đến nay, ông Võ Hòa Thuận mới bị xử lý kỷ luật về Đảng, chưa có kết luận chính thức của cơ quan điều tra. “Khi có kết luận của cơ quan điều tra và có cơ sở thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư, chúng tôi sẽ đề xuất thu hồi”, bà Mai nhấn mạnh.

Trả lời báo chí về việc kê biên tài sản sau 2 bản án của ông Đinh La Thăng, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết, cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm thẩm quyền thi hành phần dân sự trong các bản án hình sự có hiệu lực pháp luật. Đối với vụ án xét xử ông Đinh La Thăng hiện nay bản án chưa có hiệu lực pháp luật. Chỉ khi nào bản án có hiệu lực pháp luật, cơ quan tòa án chuyển cho cơ quan thi hành án dân sự thì mới có căn cứ để thi hành.

Phương Anh

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/doi-song/chua-ke-bien-tai-san-cua-ong-dinh-la-thang_t114c1159n132468