Chùa Huy Văn: Nơi hạ sinh Lê Thánh Tông - vị Vua anh minh, nắm quyền lâu nhất thời phong kiến

Chùa Huy Văn vốn là một ngôi chùa làng nhưng lại mang tính chất cung đình. Vì sao vậy, cũng giống như nhiều ngôi chùa khác ở nước Việt, danh tiếng một ngôi chùa hay nơi thờ tự nào đó, không hẳn tùy thuộc vào quy mô hay vị trí của nó mà điều quan trọng là nó thờ ai và những sự tích hay huyền sử liên quan. Chùa Huy Văn là một ngôi chùa như vậy, bởi nơi này chính là nơi Vua Lê Thánh Tông đã được sinh ra.

Chùa Huy Văn sau khi trùng tu

Chùa Huy Văn sau khi trùng tu

Nơi chứng kiến biến cố nhà Hậu Lê

Chùa Huy Văn (ngõ Huy Văn, phường Văn Chương, quận Đống Đa, TP Hà Nội) là một nơi có thể nói chứng kiến những khủng hoảng quyền lực đầu tiên của nhà Hậu Lê. Bà phi Nguyễn Thị Anh quyền lực hơn người đã tìm cách khiến cho đối thủ của mình là tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao bị thất sủng, buộc phải đi đày ở vùng An Quảng (Quảng Ninh ngày nay).

Nhờ có mối ân tình với Nguyễn Xí và Nguyễn Trãi, hai người này đã xin cho bà khỏi phải đến một nơi quá xa xôi. Bà Ngô Thị Ngọc Dao đã ra một ngôi chùa làng trú ngụ và sinh con ở đó. Người con trai này là Lê Tư Thành, sau trở thành Vua Lê Thánh Tông (1442-1497) - một trong những vị vua anh minh nhất của triều Lê.

Nhưng sự kế ngôi của Lê Thánh Tông cũng đầy gian nan. Sau khi Lê Thái Tông mất trong vụ án Lệ Chi Viên đầy oan nghiệt liên quan tới Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ, triều đình nhà Lê đã chịu nhiều sóng gió bởi những cuộc thanh trừng đảo chính gay cấn trong nội bộ hoàng tộc. Lê Nhân Tông lên nối ngôi Lê Thái Tông khi còn chưa biết nói, rồi sau Lê Nhân Tông bị anh trai mình là Lê Nghi Dân giết hại và đến lượt Lê Nghi Dân bị phế truất và Lê Thánh Tông lên ngôi.

Cũng chính chùa Huy Văn là nơi Vua Lê Thánh Tông được sinh ra nên tự nó đã có một vị thế khác. Nhà vua sau khi lên ngôi đã tu sửa ngôi chùa, đổi tên Huy Văn sang Dục Khánh, ý rằng đó là nơi đã sinh thành và dưỡng dục mình. Được sự quan tâm của vị quân vương và có một người mẹ sùng đạo, nhà vua đã cho xây dựng mở mang ngôi chùa cho khang trang lộng lẫy.

Đến khi mẹ mình mất, Vua Lê Thánh Tông lại cho tạc tượng, đúc chuông, xây lại điện Huy Văn để làm nơi thờ mẹ mình. Rất tiếc pho tượng và quả chuông ghi nhớ sự hiếu thảo của người con với đấng sinh thành đã bị kẻ gian lấy mất. Nhưng qua sự việc này có thể suy đoán được rằng bức tượng và quả chuông có giá trị rất lớn. Sau này nhà chùa đã quyên góp để làm tượng và đúc quả chuông khác.

Câu chuyện về những pho tượng

Vì gắn liền với thân thế của Vua Lê Thánh Tông nên chùa Huy Văn mang tính chất cung đình rất rõ nét, nhất là cách bố trí bệ thờ, cửa võng, câu đối. Chùa có kiểu tiền điện, hậu chùa. Trong ban thờ có tượng Lê Thái Tông, vốn được đưa về từ ngôi chùa trên núi Khán Sơn về vì sợ loạn cướp bóc thời Tây Sơn. Trong phật điện là nơi thấy rất rõ dấu ấn vương triều, xung quanh Vua Lê Thái Tông là bốn vị quan đầu triều. Xuất hiện cả tượng Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ nhưng ở tận hàng thứ năm của ban thờ và điều này là đáng bàn nhất.

Lê Thánh Tông đương nhiên có ân tình với vợ chồng Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ bởi vì sự can thiệp của Nguyễn Trãi mà mẹ ông không phải đày đi nơi xa. Đặt giả thuyết rằng nếu bà tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao phải đày ra nơi xa xôi, không biết số phận sẽ thế nào và nhất là khó cập nhật tình hình ở kinh thành cho những toan tính sau này.

Thứ nữa, đời sau ai cũng biết rằng Nguyễn Trãi chịu một sự oan khuất khủng khiếp trong vụ án Lệ Chi Viên nhưng vào thời điểm đó sự minh oan cho ông không hề dễ dàng. Việc Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ được phối thờ trong phật điện cùng với Vua Lê Thái Tông thể hiện sự gắn bó, công lao của ông với vương triều Lê và ngầm ý rằng, Nguyễn Thị Lộ không phải là người sát hại vua. Đây có thể chính là sự chiêu tuyết của Lê Thánh Tông với vị ân nhân của mình.

Từ bức tượng của Nguyễn Trãi ở vị trí khá thấp trong ban thờ ta cũng biết thêm vài việc khác nữa. Đó là sự cay nghiệt của chế độ vương quyền và sự đánh giá ông chưa đúng mức. Nguyễn Trãi là bậc danh thần có công lớn trong công cuộc Bình Ngô của Lê Lợi nhưng trong đợt phong thưởng lần đầu, hơn hai trăm người được ân huệ nhưng không có tên ông. Đến lần phong thưởng thứ hai, Nguyễn Trãi mới được ghi nhận công lao của mình, nhưng ở bậc rất thấp, ông giữ chức quan phục hầu, đứng ở bậc thứ tám trong chín bậc.

Một người như Nguyễn Trãi, có những đóng góp không nhỏ với nghĩa quân Lam Sơn mà lần đầu bị bỏ qua, lần thứ hai ở vị trí rất thấp khiến không ít người xót xa. Nhưng ở thời điểm đó, có thể vì một lý do nào đó, định kiến hoặc thiên lệch mà người tài năng không được trọng dụng xứng đáng. Điều này cũng có thể lý giải một phần sự khủng hoảng quyền lực của nhà Lê khi các bậc công thần lần lượt bị phá bỏ và sự tranh đoạt ngôi báu. Nhưng thời gian luôn là vị quan tòa công minh nhất, sau mấy trăm năm, vị trí tài năng của Nguyễn Trãi càng được soi sáng thêm, trong khi những người khác, có thể đã mờ nhạt từ lâu.

Nhà văn Uông Triều

Vị vua anh minh nắm giữ quyền lực lâu nhất trong lịch sử phong kiến

Quay lại Vua Lê Thánh Tông, vị vua được coi là anh minh nhất của triều Lê và cũng là một trong những vị vua nắm giữ quyền lực lâu nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Ông đã ở ngôi vua gần bốn mươi năm và biến Đại Việt thành một quốc gia hùng mạnh trong khu vực, bờ cõi được mở mang, nhân dân có cuộc sống thái bình. Nhà vua ban bố nhiều chính sách hoàn thiện bộ máy quan chế, hành chính, luật pháp. Đặc biệt Bộ luật Hồng Đức được đánh giá có nhiều điểm tiến bộ so với luật pháp của các nước đương thời.

Ở đây chỉ xin đưa một điểm nhỏ của luật pháp vì có thể liên quan tới thời thơ ấu của nhà vua. Luật Hồng Đức có những điểm tiến bộ trong việc cải thiện vai trò của người phụ nữ trong chế độ phong kiến. Nó cho phép người vợ được quyền quản lí tài sản của gia đình khi người chồng chết, họ cũng được quyền thừa kế như nam giới và khi phạm tội thì được chịu những hình phạt nhẹ hơn.

Phải chăng vì chứng kiến những năm tháng tủi cực người mẹ bị hắt hủi, phải nương náu ở một ngôi chùa làng mà nhà vua có những tiến bộ như vậy? Chỉ biết rằng ngoài là một nhà chính trị sáng suốt, Lê Thánh Tông còn là một nhà văn hóa lớn của dân tộc, ông đã sáng tác hàng nghìn bài thơ bằng chữ Hán, chữ Nôm và làm chủ soái của hội Tao Đàn “nhị thập bát tú”.

Quay lại chùa Huy Văn nơi Vua Lê Thánh Tông đã sinh ra. Theo thời gian năm tháng và chiến tranh, ngôi chùa bị hư hại nhiều và mới được tu sửa lại khang trang. Đứng trước một địa điểm lịch sử hay tín ngưỡng, không chỉ để vãn cảnh hay hồi nhớ lại chuyện xưa cũ mà đôi khi nó là những bài học rất thấm thía để người đời sau phải học tập, suy ngẫm.

Nhà văn Uông Triều

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/song-o-ha-noi/chua-huy-van-noi-ha-sinh-le-thanh-tong-vi-vua-anh-minh-nam-quyen-lau-nhat-thoi-phong-kien/761737.antd