Xây dựng đô thị thông minh để giải quyết các vấn đề bức xúc của TP.HCM

'TP.HCM hiện đối mặt với những vấn đề khá bức xúc như kẹt xe, nước ngập,...', ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM phát biểu trong Hội thảo quốc gia về điện tử, truyền thông và công nghệ thông tin hôm 14/12.

Quang cảnh một đoạn kẹt xe trên đường Trường Chinh, Tân Bình - Ảnh: H.Đ

"TP.HCM hiện đối mặt với những vấn đề khá bức xúc như kẹt xe, nước ngập,...", ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM phát biểu trong Hội thảo quốc gia về điện tử, truyền thông và công nghệ thông tin hôm 14/12.

“Và xây dựng đô thị thông minh là một phương tiện để giải quyết các vấn đề bức xúc nói trên của thành phố. Thành phố có 7 chương trình đột phá về phát triển kinh tế, hạ tầng giao thông, giáo dục, an ninh, ô nhiễm môi trường và giải quyết nhiều vấn đề bức xúc khác. Xây dựng đô thị thông minh sẽ dựa trên 7 chương trình đột phá và các bức xúc của người dân làm động lực phát triển, người dân sẽ được chăm sóc tốt hơn”, ông Cường nhấn mạnh.

Đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025” sau một thời gian xây dựng đã được công bố vào ngày 26/11.

TP.HCM đang đối mặt với các vấn đề dân số tăng, kinh tế phát triển nhanh nhưng chưa bền vững, tỷ trọng xuất khẩu giảm, chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh chưa cao. Bên cạnh đó, vấn đề di dân tự nhiên khiến dân số thành phố hiện nay khoảng 10 triệu người, tạo áp lực lớn lên hạ tầng kinh tế xã hội, giao thông, y tế, giáo dục.

Dù có nhiều thách thức nhưng thành phố đang đóng góp đến 28% GDP cả nước, Phó Giám đốc Sở TT&TT cho biết. Do đó nếu không có những giải pháp phát triển đô thị hiệu quả sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển chung của đất nước.

Ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM - Ảnh: H.Đ

Theo ông Cường, mục tiêu của đề án là đảm bảo việc phát triển kinh tế bền vững, hướng đến kinh tế trí thức; quản trị đô thị hiệu quả dựa trên cơ sở dự báo (dựa trên các công cụ công nghệ thông tin); nâng cao chất lượng sống và làm việc của người dân, lấy người dân là trung tâm của đô thị; và cuối cùng là tăng cường sự tham gia quản lý của người dân, tương tác giữa người dân và chính quyền tốt hơn.

Như vậy việc xây dựng đô thị thông minh sẽ hướng đến 3 đối tượng. Thứ nhất về chính quyền, tập trung xây dựng chính quyền điện tử, chia sẻ kết nối dữ liệu. Trong đó, người dân được chăm sóc tốt hơn và tăng cường tương tác với chính quyền.

Đặc biệt để phát triển đô thị thông minh thì khối doanh nghiệp rất quan trọng. Chính quyền cần tạo môi trường hoạt động minh bạch, đơn giản, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo cho doanh nghiệp, nâng cao lợi ích cạnh tranh cho các doanh nghiệp.

Để có đô thị thông minh thì dữ liệu rất quan trọng. Tổng hợp, phân tích dữ liệu giúp lãnh đạo thành phố đưa ra các quyết định đúng đắn hơn, mang tính dự báo nhiều hơn. Kho cơ sở dữ liệu càng lớn, tích lũy càng lâu thì các quyết định đưa ra sẽ càng chính xác.

Ông Cường cho biết hiện nay TP.HCM đã có lượng cảm biến thu thập nhất định, người dân cũng sở hữu smartphone nhiều hơn nên mỗi người như cầm một cảm biến trên tay. Hệ thống lưu trữ, phân tích dữ liệu lớn hiện nay cũng có thể giúp cho lãnh đạo các cấp ra quyết định đúng đắn.

“Trong đô thị thông minh, con người sẽ được chính quyền cung cấp các công cụ để giúp họ đưa ra các quyết định đúng”, ông Cường nói. Ví dụ với một smartphone trên tay cộng với một ứng dụng giao thông, người dân có thể chọn lộ trình tốt nhất để không lãng phí thời gian.

Hải Đăng

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/cntt/chua-het-ngap-chua-het-ket-xe-thi-xay-dung-do-thi-thong-minh-cai-gi-162302.ict