Chữa hẹp hòi để 'trị bệnh từ gốc'

Trong tác phẩm 'Sửa đổi lối làm việc' xuất bản năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết: 'Khuyết điểm có nhiều thứ. Chúng ta có thể chia tất cả các khuyết điểm vào ba hạng:

- Khuyết điểm về tư tưởng, tức là bệnh chủ quan.

- Khuyết điểm về sự quan hệ trong Đảng với ngoài Đảng, tức là bệnh hẹp hòi.

- Khuyết điểm về cách nói và cách viết, tức là ba hoa.

Đó là ba chứng bệnh rất nguy hiểm”.

Khuyết điểm về tư tưởng, thuộc phạm trù nhận thức. Còn hẹp hòi và ba hoa, như cách phân tích của Bác, thuộc về hành động. Trong đó, hẹp hòi có thể coi là căn bệnh gốc, là căn nguyên gây ra nhiều chứng bệnh nguy hiểm khác trong mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức Đảng.

Bệnh hẹp hòi tác hại như thế nào? Cũng trong cuốn sách trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh lý giải: “Bệnh này rất nguy hiểm, mà nhiều cán bộ và đảng viên còn mắc phải.

Trong, thì bệnh này ngăn trở Đảng thống nhất và đoàn kết.

Ngoài, thì nó phá hoại sự đoàn kết toàn dân.

Nhiều thứ bệnh, như chủ nghĩa địa phương, chủ nghĩa bản vị, chủ nghĩa cá nhân, khuynh hướng tham danh vọng, tham địa vị, dìm người giỏi, bệnh hủ hóa, v.v..., đều do bệnh hẹp hòi mà ra”.

73 năm kể từ đó, thực tế đất nước đã có nhiều đổi thay to lớn. Bên cạnh những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại, bảo đảm an ninh, quốc phòng.., công tác xây dựng Đảng không ngừng được Đảng ta quan tâm với nhiều biện pháp nhằm làm cho Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng lớn mạnh, xứng với vị thế đảng cầm quyền ở một đất nước anh hùng.

Tuy nhiên, cùng với những đổi thay to lớn ấy, tiếc là bệnh hẹp hòi vẫn chưa được chữa khỏi, mà còn có thêm những diễn biến phức tạp, tinh vi.

Vẫn còn đó, các biểu hiện “mắc bệnh” từ cấp độ cá nhân tới một nhóm, một tập thể, thậm chí địa phương.

Vẫn còn đó, và đa dạng hơn với các biểu hiện suy thoái điển hình mang sắc màu “chủ nghĩa cá nhân” như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ ra: “Sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình…”.

Sự ích kỷ, đố kỵ, không chỉ là âm thầm “dìm người giỏi”, mà giờ nhức nhối hơn với các biểu hiện chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển… và sử dụng quyền lực được giao để thao túng công tác cán bộ bằng nhiều kiểu khác nhau: “Tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích”…

Không chỉ là “khuynh hướng”, giờ đây “tham danh vọng, tham địa vị” đã phát triển lên thành một căn bệnh dễ gặp, dễ thấy ở nhiều người tại không ít cơ quan, đơn vị với các cấp độ khác nhau: Không chấp hành sự phân công của tổ chức; kén chọn chức danh, vị trí công tác; chọn nơi có nhiều lợi ích, chọn việc dễ, bỏ việc khó; không sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở nơi xa, nơi có khó khăn. Thậm chí còn tìm mọi cách để vận động, tác động, tranh thủ phiếu bầu, phiếu tín nhiệm cho mình một cách không lành mạnh.

Vẫn còn đó “bệnh hủ hóa”, khi đi liền với sự trượt dốc của nhiều cán bộ, đảng viên là những mối quan hệ không trong sáng với phụ nữ. Giờ đây, mối quan hệ không trong sáng còn mở rộng thêm gắn kết với nhiều biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên.

Sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi - ắt tìm mọi cách tiêu cực để “nâng tầm” trình độ, năng lực bản thân, từ đó “thần tốc” đạt được danh lợi. Cộng thêm cục bộ, bè phái, kèn cựa địa vị… - ắt dẫn tới tranh chức, tranh quyền quyết liệt hơn. Để đoạt được danh lợi - ắt tìm cách sử dụng chức vụ, quyền hạn được giao để làm bừa, làm ẩu, độc đoán, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành. Sau khi "chạy" được chức quyền - ắt tìm cách “thu hồi vốn đầu tư” bằng cách cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác tạo dựng thành “cánh hẩu” để trục lợi.

Khi trong đơn vị, địa phương hình thành những “nhóm lợi ích” khác nhau, đồng nghĩa tổ chức bộ máy ở đó đã bị ngần ấy “nhát dao” cắt chia sức mạnh đoàn kết.

Nhìn rộng hơn, khi “chủ nghĩa bản vị, chủ nghĩa địa phương” vẫn tồn tại, dễ thấy sự phát triển chỉ tồn tại ở phạm vi cơ quan, đơn vị, địa phương; còn các vấn đề có tính liên kết, tổng thể rộng hơn của cộng đồng như ô nhiễm các dòng sông, không khí… rất chậm được xem xét, chung sức cải thiện.

Hẹp hòi làm bản thân cán bộ, đảng viên suy yếu, dễ mắc phải các loại “bệnh” đi ngược với lý tưởng đã chọn!

Hẹp hòi cùng những thứ bệnh khác đi kèm theo nó làm giảm sút vai trò tiên phong, gương mẫu của người đảng viên, làm giảm tính chân chính cách mạng của tổ chức Đảng, “ngăn trở Đảng thống nhất và đoàn kết”. Từ đó làm giảm sút lòng tin của nhân dân với Đảng và “phá hoại sự đoàn kết toàn dân” như Bác Hồ nói.

Và ngăn trở cả sự phát triển bền vững của đất nước!

Hẹp hòi là vì đâu? Làm thế nào để chữa “căn bệnh gốc” của nhiều bệnh khác này?

Trước hết, hẹp hòi là khoảng tối trong nhận thức của mỗi người trên con đường phát triển, hoàn thiện bản thân. Với cán bộ, đảng viên - hẹp hòi đồng nghĩa với đi ngược lại lý tưởng cao đẹp của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bởi thế, việc cần làm của mỗi tổ chức, đơn vị là không ngừng nâng cao công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giúp từng đảng viên nâng cao nhận thức, chữa “khuyết điểm về tư tưởng”. Nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước sẽ giúp mỗi người xác định rõ hơn việc gì nên hay không nên làm, duy trì hay thay đổi, bỏ đi hay tiếp nhận, hy sinh hay tranh đoạt bằng được, cống hiến hay hưởng thụ… Từ đó, mỗi người sẽ có những hành động đúng đắn, thiết thực hơn.

Muốn có hành động đúng còn cần sự kiên trì “tu thân, dưỡng tính” theo những giá trị chân chính đã cảm nhận, học hỏi được. Nói cách khác, việc rèn luyện nâng cao nhận thức không thể tách rời với rèn luyện hành động. Noi theo những nét đẹp, việc làm hay từ những người gặp hằng ngày là cách tự tích lũy cho mình thêm những giá trị năng lượng tích cực để hoàn thiện mình. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - người cộng sản số 1, như Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị vừa là trách nhiệm đảng viên, vừa là cách thiết thực và hiệu quả để tăng tính Đảng, nâng cao giá trị tiên phong, gương mẫu trước quần chúng nhân dân.

Muốn rèn luyện hiệu quả, cũng rất cần sự điều chỉnh của các chính sách phù hợp. Kế thừa giá trị tích cực của chính sách "Hồi tỵ” (tránh đi) trong các bộ luật thời vua Lê Thánh Tông (1460-1497), Minh Mạng (1791-1841)… trước đây, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều quy định cụ thể về chế độ công tác nhằm ngăn chặn, phòng ngừa nguy cơ sinh tiêu cực từ quan hệ ruột thịt, họ tộc, người thân, quê hương… gây ra khi thực hiện nhiệm vụ công. Điển hình là Luật Cán bộ, công chức năm 2008 cùng các nghị định liên quan, đặc biệt là Quy định số 98-QĐ/TƯ (ngày 7-10-2017) của Bộ Chính trị với những quy định nguyên tắc, quy trình, chính sách… luân chuyển cán bộ rất rõ ràng, công khai.

Một “liều thuốc” đặc biệt hữu hiệu khác để chữa bệnh hẹp hòi và chủ nghĩa cá nhân chính là sự trợ sức từ cộng đồng. Thực hiện tốt các quy định của Đảng, Nhà nước về hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị trong giám sát cán bộ, đảng viên và tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền… là cách để mỗi cán bộ, đảng viên thanh lọc thói hư tật xấu, giúp tổ chức Đảng thêm vững mạnh, tăng cường đoàn kết nội bộ, đồng thời gắn bó mật thiết với nhân dân.

Chữa hẹp hòi là cách “trị bệnh từ gốc”, để Đảng ta thật sự của dân, do dân, vì dân!

Long Hà

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chong-tu-dien-bien/978831/chua-hep-hoi-de-tri-benh-tu-goc