Chưa đuổi được Mỹ, Nga bị đánh giá kém tại Syria?

Sứ mệnh của Nga là phải buộc lực lượng đối lập và phiến quân hạ vũ khí, còn Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ rút lực lượng khỏi Syria.

Sứ mệnh nào cho Nga tại Syria?

Báo chí Israel đang rất quan tâm tới các bước đi của Nga tại Syria. Trong bài phân tích mới đây, tờ Haaretz của Israel cho rằng Nga vẫn chưa hoàn thành sứ mệnh tại Syria sau khi chính thức tham chiến từ năm 2015.

Tất nhiên, tờ báo Israel nêu quan điểm này với góc nhìn của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Theo đó, tờ báo Israel đoán rằng ông Assad đánh giá Nga vẫn chưa hoàn thành sứ mệnh tại Syria vì chưa ép được Thổ Nhĩ Kỳ đuổi phiến quân tại tỉnh Idlib và chưa thuyết phục được lãnh đạo người Kurd đầu hàng Damascus.

Do đó, tờ báo Israel cho rằng hiện vẫn chưa phải là thời điểm cho một hiến pháp mới hay “ép” ông Assad chấp nhận nhượng bộ chính trị. Nếu muốn làm điều đó, tờ báo Israel cho rằng, Nga phải chắc rằng các lực lượng đối lập, như phiến quân tại Idlib và người Kurd tại miền Bắc, buộc phải hạ vũ khí, còn Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ phải rút lực lượng khỏi Syria.

Lực lượng tuần tra của Nga tại Syria

Lực lượng tuần tra của Nga tại Syria

Đánh giá trên được đưa ra trong bối cảnh Nga đang bị gây “khó dễ” tại Syria trong những ngày gần đây. Hãng tin RIA Novosti dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Nga ngày 14/7 cho biết các phiến quân ở Syria đã kích nổ một quả bom cài bên đường và nhằm trúng một đội tuần tra chung của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria, làm 3 binh sỹ Nga bị thương. Một số binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị thương trong vụ nổ này.

Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận vụ đánh bom xảy ra trên lộ trình tuần tra chung của quân đội nước này với Nga ở tỉnh Idlib của Syria. Tuy nhiên, phía Thổ Nhĩ Kỳ cho biết không có thương vong trong vụ đánh bom mà chỉ có 2 xe của đoàn tuần tra bị hư hại một phần.

Trước đó, các phiến quân ở tỉnh Tây Bắc Idlib ngày 10/7 đã bắn hạ một chiếc máy bay trinh sát không người lái của Nga giữa lúc diễn ra những cuộc giao tranh quyết liệt. Theo tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), các phiến quân của nhóm Mặt trận Quốc gia đã tấn công một chiếc máy bay trinh sát không người lái của Nga bằng các tên lửa ở khu vực Đông Nam của tỉnh Idlib, đồng thời bắn phá những vị trí quân sự của Syria ở các khu vực thuộc vùng nông thôn phía Nam của Idlib giữa lúc diễn ra những cuộc giao tranh quyết liệt với quân đội Syria tại khu vực này.

Trong khi đó, Mỹ tiếp tục điều động thêm quân từ quốc gia láng giềng Iraq vào nhiều khu vực ở Đông Bắc Syria. Theo hãng tin SANA của Syria, các lực lượng Mỹ đã đưa quân tăng viện thông qua một "điểm giao cắt trái phép" giữa Iraq và Syria, nhấn mạnh rằng 30 xe quân sự đã tiến vào các vùng lãnh thổ của Syria.

Mỹ tìm mọi cớ để bám lại Syria

Các lực lượng Mỹ cũng đã đưa 30 xe chở dầu tới Iraq và những xe này được các phương tiện quân sự Mỹ hộ tống. Syria tố cáo Mỹ đánh cắp nhiên liệu từ các mỏ dầu Syria, nhấn mạnh rằng hành động của Mỹ đi ngược lại luật pháp và quy định quốc tế.

Bên cạnh đó, hãng tin SANA đưa tin các lực lượng Mỹ đã thành lập một căn cứ không quân mới ở khu vực Yarobiyeh thuộc vùng nông thôn Hasakah. Đến ngày 14/7, Mỹ đã đưa quân tiếp viện và hậu cần tới căn cứ này. Quan điểm nhất quán của Chính phủ Syria là yêu cầu các lực lượng Mỹ rút khỏi nước này và cho rằng sự có mặt của họ trong lãnh thổ Syria là trái phép.

Nga khôn khéo, Mỹ hậm hực

Dù đánh giá Nga “chưa hoàn thành sứ mệnh” tại Syria song giới phân tích Israel thừa nhận Nga đang có những tính toán khôn khéo, trong đó sử dụng vị thế của một nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ).

Hồi tuần trước, Nga đã thành công khi thúc đẩy HĐBA LHQ thông qua nghị quyết cho phép nối lại hoạt động viện trợ nhân đạo xuyên biên giới cho Syria. Đáng chú ý, nghị quyết được thông qua sau “cuộc chiến” ngoại giao khốc liệt tại cơ quan này với việc Nga cùng Trung Quốc và các nước phương Tây phủ quyết đề xuất của nhau. Cuối cùng, phương Tây đã phải nhượng bộ đề xuất của Nga khi cho phép viện trợ cho Syria nhưng chỉ thông qua một cửa khẩu duy nhất và do Chính phủ Syria kiểm soát.

Binh sĩ Nga phân phát hàng viện trợ tại Syria

Điều này có nghĩa là tất cả các chuyến hàng viện trợ đến Syria thông qua Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải đến Damascus, sau đó được phân phối theo giám sát của Chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad và các lực lượng của Nga. Theo giới phân tích Israel đây dường như là biện pháp mới của Nga gây sức ép để phá vỡ mối quan hệ gần gũi của người Kurd Syria với Mỹ và với tỉnh Idlib của Syria, nơi có khoảng 50.000 phiến quân đang hoạt động. Các lực lượng Mỹ tại Đông Bắc Syria đang đối mặt với những khó khăn do Nga phong tỏa kinh tế khu vực này.

Bản thân người Kurd được cho là hiểu rõ ai đang kiểm soát khu vực này. Chỉ huy của các lực lượng người Kurd Mazloum Abdi mới đây đã yêu cầu chỉ huy các lực lượng Nga tại Syria, Alexander Chaiko, ngăn chặn các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ và giúp chuyển hàng cứu trợ dân sự đến khu vực này.

Cho tới nay, cuộc chiến chống IS mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố thắng lợi một năm trước vẫn đang diễn ra. Tổ chức khủng bố này hiện không còn kiểm soát vùng lãnh thổ như trước đây tại Syria hay Iraq, nhưng các nhóm IS vẫn tiến hành các cuộc tấn công và do đó, trao cho Mỹ cái cớ để hợp thức hóa việc trì hoãn rút các lực lượng Mỹ khỏi miền Bắc Syria và Iraq.

Người Kurd đã tham gia vào cuộc chiến chống IS và chống cả quân đội Syria cùng lực lượng thân Iran xung quanh khu vực Deir el-Zour gần Iraq. Giới phân tích Israel cho rằng Nga muốn phá vỡ mối quan hệ gần gũi giữa Mỹ và các lực lượng Kurd và giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn lãnh thổ Syria cho chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.

Về phần mình, giới phân tích Mỹ tiếp tục quan điểm cho rằng những hoạt động và sự hiện diện liên tục của Nga ở Syria là mối đe dọa đối với lợi ích của Mỹ. Tờ The Hill của Mỹ nhấn mạnh, thực tế này góp phần làm suy yếu chính sách đối ngoại của Mỹ ở Trung Đông và đông Địa Trung Hải, trong khi giúp Nga tái lập vị thế như một người chơi thực thụ trong chính trị khu vực và bắt đầu định hình các vấn đề Trung Đông.

Người Mỹ tỏ rõ sự "hậm hực" trước những thành công của Nga tại Syria

Về mặt quân sự, The Hill cáo buộc Nga đã biến Syria thành "phòng thí nghiệm" để thử nghiệm vũ khí, công nghệ, chiến lược và chiến thuật. Nga tiếp tục cung cấp cho Chính phủ Syria vũ khí và sự ủng hộ ngoại giao cần thiết trên trường quốc tế. Tờ báo Mỹ ước tính Nga hiện có khoảng 5.000 binh sĩ tại Syria, chủ yếu là cố vấn quân sự, lực lượng đặc biệt và nhân viên hỗ trợ trên không.

Tờ báo Mỹ cũng tỏ rõ sự “ấm ức” khi chỉ ra rằng Nga củng cố sự hiện diện của hải quân tại thành phố cảng phía nam Tartus, xây dựng căn cứ không quân tại Hmeimim ở Syria.

Về mặt kinh tế, The Hill cho rằng Nga đã khéo léo khai thác tình hình bấp bênh của Syria. Tập đoàn năng lượng Stroytransgaz của Nga (đã bị Bộ Tài chính Mỹ xử phạt) thống trị ngành năng lượng Syria. Công ty này đã bảo đảm các hợp đồng khai thác dầu khí ở miền Đông Syria, hoàn thành các đường ống nối Syria và Jordan, nhiều nhà máy xử lý khí đốt.

Với những diễn biến như hiện nay, Nga cùng lực lượng chính phủ Syria và đồng minh đã giành được những thắng lợi khiến Mỹ phải hậm hực. Nhưng quả thực, Moscow vẫn chưa “hoàn thành sứ mệnh” tại Syria với mục tiêu tối thượng là buộc các lực lượng phiến quân hạ vụ khí, buộc Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ phải rút lực lượng khỏi Syria.

Đông Triều

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/chua-duoi-duoc-my-nga-bi-danh-gia-kem-tai-syria-3413560/