Chưa được phong chức danh PGS: Nhiều người hụt hẫng

Sau khi được chuyển hồ sơ sang đợt xét duyệt chức danh PGS, GS khác nhiều Tiến sĩ rất hụt hẫng, nhưng vẫn tự tin vào hồ sơ của mình.

Rất tự tin vào hồ sơ

Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước đã công bố quyết định công nhận những nhà khoa học, nhà giáo đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017 bao gồm 1.131 người, ít hơn 95 người so với danh sách ứng viên mà hội đồng này công bố ngày 27/2.

Trong đó, hồ sơ ứng viên GS chưa được đưa vào danh sách công nhận chính thức gồm 11 trường hợp, PGS 83 trường hợp.

Ngay sau khi có công bố, Đất Việt đã liên hệ với một số Tiến sĩ là ứng viên nộp hồ sơ cho chức danh PGS và đều nhận được câu trả lời rất buồn và hụt hẫng từ họ.

Chia sẻ với phóng viên, TS Nguyễn Văn Lành - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hậu Giang cho biết: "Thực sự tôi cũng rất buồn, rất hụt hẫng khi được thông báo.

Với hồ sơ của mình, tôi được nghe các thầy cô giải thích là những trường hợp nào làmcán bộ quản lý không phải cán bộ giảng dạy, chỉ là cán bộ thỉnh giảng tại các trường sẽ được hoãn lại xem xét thêm hồ sơ.

Lễ phong tặng đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS tại Văn Miếu. Ảnh TPO

Bản thân tôi, tôi rất tự tin vào hồ sơ của mình vì tôi đi dạy cho các trường trong Hậu Giang, Trà Vinh, đủ thời gian giảng dạy theo tiêu chuẩn. Các bài báo tôi viết cũng rất nghiêm chỉnh. Tôi hướng dẫn cũng 5 Thạc sĩ. Bây giờ sắp có thêm 2 Thạc sĩ ra trường nữa là 7 người, cũng đã đủ tiêu chuẩn".

Cũng theo ông Lành, hồ sơ của ông không phải bị có đơn thư tố cáo, mà chỉ vì với các cán bộ quản lý trong hồ sơ chỉ là cán bộ thỉnh giảng ở các trường, nên phải xem xét lại giờ giảng dạy.

"Bây giờ chúng tôi cũng chỉ biết chờ đợi vào kết quả xem xét của Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước vào đợt tới này", ông Lành nói thêm.

Tâm trạng khó tả

Cũng là một trong những hồ sơ phải xem xét lại, TS Đỗ Văn Dung - Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình cho rằng, dù là bất cứ ai trong hoàn cảnh này đều rất buồn vì nhiều lý do.

"Ứng viên nào cũng đang là một người cống hiến trong giới trí thức, mà bị đụng chạm, không được công nhận những cống hiến đó nên lòng tự trọng bị tổn thương.

Nó chính là việc bản thân mình một người rất đàng hoàng mà bị rớt xuống hố nên tâm trạng khó tả nhưng không sao vì dù có bất cứ hoàn cảnh nào thì vẫn phải đối mặt với nó. Tôi thiết nghĩ, các nhà khoa học, các nhà làm chính trị ai cũng vậy", ông Dung tâm sự.

Bản thân ông Dung rất tự tin vào hồ sơ của mình, vì theo ông đó là công trạng ghi nhận quá trình phấn đấu một đời, không phải chuyện đùa.

"Tôi đi giảng dậy thật, tôi viết thật, chứ không nhờ vả ai, lấy của ai, nên không có gì phải lo lắng.

Chúng tôi cũng chỉ là thấy có trách nhiệm, cần phải vào cuộc cùng hệ thống chính trị đưa đất nước phát triển chứ không hề có ý gì khác.

Tôi đã gắn liền với ngành giáo dục cả một đời hàng mấy chục năm, kinh nghiệm giảng dạy không thiếu, các tiêu chuẩn khác đều đáp ứng đúng", ông Dung khẳng định.

Về lý do có đơn thư tố cáo nên hoãn được phong chức danh PGS, theo ông Dung, chỉ có ít trường hợp.

"Chúng ta cứ theo tiêu chuẩn đã được quy định mà tiến hành xét duyệt", ông Dung khẳng định.

Cũng là một ứng viên danh hiệu PGS, một vị Tiến sĩ khác (xin được giấu tên) cũng chia sẻ với Đất Việt: "Tôi khá buồn và bất ngờ vì hồ sơ của mình đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, thậm chí, Hội đồng cũng đã xét duyệt khá kỹ".

Theo vị Tiến sĩ này, hồ sơ của ông bị xem xét lại vì đơn vị công tác là trường Cao đẳng.

"Vốn dĩ, tôi trước đây giảng dạy ở trường Đại học nhưng được điều động cán bộ sang trường Cao đẳng để làm quản lý, nhưng giờ giảng vẫn đủ khi ở Đại học.

Hơn nữa, khi ở trường Đại học, tôi cũng là giảng viên chính chứ không phải chuyên viên, nhưng hội đồng thấy cơ quan công tác hiện tại là cao đẳng nên xem xét lại. Nói chung cũng rất mệt mỏi. Nhiều năm cũng mới chuẩn bị được hồ sơ, chứ không phải gấp gáp, vội vàng, mà giờ lại gián đoạn", vị Tiến sĩ này nói.

Châu An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/chua-duoc-phong-chuc-danh-pgs-nhieu-nguoi-hut-hang-3354023/