Chưa dừng cho vay ngoại tệ

Cho vay tín dụng ngoại tệ sẽ không dừng ngay khi cơ chế hiện hành kết thúc vào cuối năm nay mà sẽ lần lượt thực hiện trong năm 2019, nhằm tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế trong việc giảm chi phí vay vốn, từ đó hỗ trợ tăng khả năng cạnh tranh trong thương mại quốc tế.

Doanh nghiệp vẫn muốn vay ngoại tệ do chênh lệch lãi suất VND/USD khá lớn. Nguồn: Internet

Trước thềm Thông tư số 24/2015/ TT-NHNN quy định về cho vay tín dụng ngoại tệ của các tổ chức tín dụng hiện hành sẽ kết thúc vào ngày 31/12/2018, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành dự thảo mới nhất, dự kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 24 theo hướng “siết” đối tượng được vay, nhưng cởi mở hơn về thời gian cho vay ngoại tệ với doanh nghiệp (DN) nhập khẩu, còn xuất khẩu thì không bị giới hạn thời gian.

Vay ngoại tệ tăng mạnh

Thời gian gần đây, NHNN chỉ công bố số liệu tăng trưởng tín dụng chung của toàn ngành, mà không đưa ra con số tăng trưởng tín dụng ngoại tệ. Tuy nhiên, ghi nhận từ báo cáo tài chính quý III của nhiều ngân hàng cho thấy huy động USD giảm nhưng cho vay tăng mạnh.

Tại Vietcombank, tiền gửi bằng USD quy đổi ra VND đạt 97.443 tỷ đồng. VietinBank đứng thứ hai với 91.014 tỷ đồng. Tương tự, tại MB là khoảng 22.000 tỷ đồng, các ngân hàng Sacombank, HDBank, Eximbank, Techcombank từ 9.000 đến 10.000 tỷ đồng.

Như vậy, có thể thấy dù NHNN chủ trương “xóa sổ” cho vay ngoại tệ để thay bằng mua-bán ngoại tệ sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay, nhưng vay tín dụng ngoại tệ vẫn hấp dẫn các DN.

Theo cập nhật mới nhất của NHNN, đầu tuần thứ ba của tháng 11, lãi suất cho vay USD ngắn hạn phổ biến ở mức 2,8-4,7%/ năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 4,5-6,0%/năm.

So sánh với lãi suất cho vay cùng kỳ hạn của VND thì thấp hơn khá nhiều. Cụ thể, mặt bằng lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức 6,0-9,0%/năm đối với ngắn hạn; 9,0-11%/ năm đối với trung và dài hạn.

Chính sự chênh lệch lãi suất cho vay USD và VND còn lớn khiến DN vẫn muốn vay ngoại tệ và ngân hàng càng cho vay nhiều càng gia tăng lợi nhuận.

Chẳng hạn, 9 tháng đầu năm, lợi nhuận từ mảng kinh doanh ngoại hối của Vietcombank đạt hơn 1.600 tỷ đồng; Techcombank lãi 246,699 tỷ đồng, tăng 43,276 tỷ đồng so với cuối năm 2017…

Tuy nhiên, chủ trương siết tín dụng ngoại tệ trong thời gian gần đây đang khiến nhiều DN, đặc biệt là DN xuất khẩu, lo lắng không còn được vay nguồn vốn chi phí thấp. Trong khi đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng trong bối cảnh hiện nay, khi cuộc chiến thương mại leo thang, Việt Nam vừa tham gia nhiều hiệp định thương mại, vẫn cần hỗ trợ cho các DN để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu.

Theo quy định hiện hành, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động xem xét quyết định cho khách hàng là người cư trú vay vốn bằng ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay.

Tuy nhiên, theo đại diện NHNN, quy định này đang tạo ra sự không bình đẳng giữa những người kinh doanh.

Nới thời gian cho DN nhập khẩu

“Có một số DN thực chất không có nhu cầu vay ngoại tệ, không thuộc nhóm DN cần được ưu tiên nhưng vẫn được hưởng chung sự ưu đãi của chính sách vay ngoại tệ. Do đó, quy định cho vay ngoại tệ sẽ được siết lại, chứ không phải để như bây giờ”, vị này nói.

Mới đây, NHNN công bố dự thảo sửa đổi bổ sung Thông tư số 24 quy định cho vay bằng ngoại tệ với nhiều quy định mới như tách nội dung quy định cơ chế cho vay đối với các loại nhu cầu tín dụng khác nhau, ứng với thời hạn kết thúc khác nhau trong năm 2019.

Cụ thể, cho vay ngắn hạn các DN để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh phục vụ nhu cầu trong nước được thực hiện đến hết ngày 31/3/2019.

Trong khi đó, với cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu được thực hiện không giới hạn về thời gian.

Còn cho vay trung hạn, khách hàng vay phải có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay, được thực hiện đến hết ngày 30/9/2019.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng nêu hướng quy định chi tiết về việc vay – trả nợ như: khách hàng vay có nhu cầu mua ngoại tệ để trả nợ vay có thể thỏa thuận mua ngoại tệ tại chính ngân hàng cho vay hoặc ngân hàng khác.

Đối với ngân hàng cho vay, NHNN ràng buộc phải có trách nhiệm bán ngoại tệ cho khách hàng để khách hàng trả nợ khoản vay tại chính ngân hàng đó.

Đưa ra những điểm mới trong dự thảo lần này, NHNN lý giải nhằm tiếp tục hỗ trợ DN và nền kinh tế trong việc giảm chi phí vay vốn, từ đó hỗ trợ tăng khả năng cạnh tranh trong thương mại quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh bị tác động bất lợi từ xu hướng bảo hộ thương mại toàn cầu tăng cao, đặc biệt là xung đột thương mại Mỹ – Trung.

Theo Huyền Anh/thoibaonganhang.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/ngan-hang/chua-dung-cho-vay-ngoai-te-300099.html