Chưa đủ thuyết phục!

Hơn 3,1 triệu trong tổng số 26 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện tháng 5 cao hơn 30% so với tháng 4. Trong đó, gần 1 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng 50%, hơn 215 nghìn tăng trên 300% so với tháng 4.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

"Sốc" - là quan điểm của nhiều khách hàng.Và cách lý giải của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng chưa đủ thuyết phục.

Cụ thể, theo thông tin gửi báo chí, EVN cho rằng, do thời tiết nắng nóng kéo dài, nhất là đợt nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ vừa qua đã dẫn đến lượng điện tiêu thụ tăng cao. Cũng theo EVN, chỉ các hộ gia đình có sử dụng máy lạnh, điều hòa nhiệt độ mới thấy rõ việc sử dụng điện tăng nhiều. Còn các hộ khác, chi phí thay đổi không nhiều. Khi nhiệt độ ngoài trời tăng thêm 1 độ thì lượng điện tiêu thụ của điều hòa tăng từ 2 - 3%. Bởi vậy, dù thời gian sử dụng điều hòa không đổi nhưng khi nhiệt độ môi trường tăng, nhiệt độ trong phòng vẫn đặt ở mức không thay đổi thì lượng điện tiêu thụ của điều hòa vẫn tăng lên rất nhiều - EVN nhấn mạnh.

Đối với mức độ chính xác của công tơ và việc ghi chỉ số, theo EVN, các công tơ điện tử được thu thập chỉ số tiêu thụ điện tự động, thực hiện từ xa. Với công tơ cơ khí, việc ghi chỉ số bằng phần mềm máy tính bảng có tính năng cảnh báo vượt sản lượng, phát hiện số liệu bất thường để nhân viên ghi chỉ số kiểm tra, hạn chế tối đa xảy ra sai sót. Khách hàng có quyền giám sát việc ghi chỉ số công tơ. Lịch ghi chỉ số được quy định trong hợp đồng mua bán điện. Các công tơ, điện kế đo lường lượng điện năng tiêu thụ khi được lắp đặt đều được kiểm định đạt tiêu chuẩn. Khi đến hạn kiểm định sẽ được các đơn vị của ngành điện lực thay thế định kỳ bằng công tơ đã được kiểm định - EVN nhấn mạnh...

Vậy nhưng thực tế, hầu như năm nào cũng xảy ra tình trạng "vênh" nhau. Khách hàng thì cho rằng đây là điều "bất thường", đơn vị cung cấp thì cho rằng đó là hợp lý. Đến nay, vẫn chưa có "sự thống nhất" khi lý giải về việc này. Để có những "luận giải" đầy đủ, khách quan, minh bạch và đặc biệt là đủ sức thuyết phục, có ý kiến cho rằng cần có bên thứ ba độc lập "phân xử", xem xét vấn đề do đâu. Đó có thể là Hội Bảo vệ người tiêu dùng hoặc Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, hoặc khách hàng có thể kiện ra tòa.

Trả lời báo chí, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Dương Minh Tuấn cũng cho rằng, khi có phản ánh của người dân về hóa đơn tiền điện tăng đột biến, đơn vị cung cấp phải vào cuộc làm rõ, nhằm minh bạch thông tin. Một số trường hợp có thể dùng nhiều vì mùa nắng nóng đã đến nhưng việc tăng gấp 2 - 3 lần, thậm chí cao hơn thì rõ ràng là bất thường.

Việc người dân phản ánh hóa đơn tiền điện tăng bất thường không phải là đơn lẻ và có vẻ như "đến hẹn lại lên". Bởi vậy, đương nhiên EVN phải có trách nhiệm phải làm rõ và minh bạch việc này. Không thể để bên mua, bên bán - ai cũng nghĩ, cũng cho rằng mình đúng - quan điểm của một chuyên gia kinh tế. Và quan trọng hơn, khi đưa ra lý lẽ hoặc giải thích phải đủ thuyết phục.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/chua-du-thuyet-phuc-20200624091547021.html