Chưa đỗ đợt xét tuyển đầu, thí sinh vẫn còn cơ hội với đợt xét tuyển bổ sung

Kết thúc đợt 1 xét tuyển ĐH, một số trường tiếp tục thông báo xét tuyển nguyện vọng bổ sung, trong đó có cả những ĐH công. Thí sinh cần lưu ý đến đợt xét tuyển bổ sung này để có cơ hội vào ĐH.

Nhiều trường xét tuyển nguyện vọng bổ sung

Học viện Phòng không - không quân tuyển bổ sung ngành Chỉ huy Tham mưu phòng không, không quân và Tác chiến điện tử đối với thí sinh có hộ khẩu thường trú phía Nam là 20 chỉ tiêu; tổ hợp xét tuyển gồm Toán, Lý, Hóa và Toán, Lý, tiếng Anh; mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung là 15,05.

Trường sĩ quan Phòng hóa tuyển bổ sung ngành Chỉ huy Kỹ thuật hóa học 5 chỉ tiêu; trong đó, thí sinh có hộ khẩu thường trú phía Bắc 4 chỉ tiêu, thí sinh có hộ khẩu thường trú phía Nam 1 chỉ tiêu; tổ hợp xét tuyển gồm Toán, Lý, Hóa và Toán, Lý, tiếng Anh; mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung là 15,00.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam vừa ra thông báo tuyển sinh ĐH bổ sung năm 2019 dành cho các chương trình đào tạo gắn với khởi nghiệp trong nước và quốc tế.

Tổng chỉ tiêu xét tuyển bổ sung là 500, trong đó 90 chỉ tiêu cho chương trình đào tạo bằng tiếng Anh thuộc các ngành Khoa học cây trồng tiên tiến, Quản trị kinh doanh nông nghiệp tiên tiến, Công nghệ sinh học chất lượng cao, Kinh tế tài chính chất lượng cao và Kinh tế nông nghiệp chất lượng cao; 410 chỉ tiêu còn lại cho chương trình tiêu chuẩn.

ĐH Thủy lợi cũng công bố tuyển bổ sung đợt 2 của 13 ngành với điểm xét tuyển là 14-15 điểm với 290 chỉ tiêu.

ĐH Phương Đông cũng thông báo tuyển sinh nguyện vọng bổ sung đối với 16 ngành đào tạo. Với hình thức xét điểm thi THPT quốc gia, mức điểm sàn dự kiến là 14 đến 18 điểm. Với hình thức xét tuyển dựa trên kết quả học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn và hình thức xét kết quả học tập năm lớp 12 theo điểm trung bình cả năm, mức điểm sàn chung cho các ngành là từ 18 đến 20.

Ở phía Nam, đợt xét tuyển bổ sung cũng khá sôi động với cả trường công và tư. Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP HCM) xét tuyển bổ sung 6 ngành do trường cấp bằng với mức điểm từ 18 trở lên (10-15 chỉ tiêu/ngành) gồm: kế toán, công nghệ sinh học, kỹ thuật không gian, kỹ thuật môi trường, kỹ thuật xây dựng, toán ứng dụng. Đồng thời, trường xét tuyển bổ sung hai ngành liên kết với các trường ĐH nước ngoài (30 chỉ tiêu/ngành) với mức điểm từ 16 trở lên gồm quản trị kinh doanh và kỹ thuật điện tử viễn thông. Thời gian nhận hồ sơ xét tuyển đến ngày 22-8.

Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP HCM - cho biết trường dự kiến còn khoảng 400 chỉ tiêu cho đợt bổ sung (cả phương thức học bạ và xét điểm thi), sẽ nhận hồ sơ xét tuyển ĐH đợt 2 bằng hình thức xét tuyển học bạ 3 năm THPT ở 26 ngành với điểm sàn bằng điểm chuẩn học bạ đợt 1.

Với xét tuyển bằng hình thức điểm thi, trường nhận hồ sơ có mức điểm cũng bằng chuẩn đã công bố đợt 1. Thời gian nhận hồ sơ từ ngày 28-8.

Trường ĐH Tài nguyên và môi trường TP HCM cũng đã thông báo tiếp tục nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung dựa vào kết quả học bạ 3 năm THPT 13 ngành ĐH với gần 120 chỉ tiêu (điểm sàn 18). Trước đó, trường đã thông báo xét tuyển bổ sung đợt 1 dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia với 800 chỉ tiêu ở 13 ngành, điểm sàn xét tuyển từ 14. Thời gian nhận hồ sơ từ ngày 19 đến 26-8.

Đặc biệt, bên cạnh các trường công lập có tiếng thì một số trường tư thục cũng “nói không” với xét tuyển NVBS trong đợt tiếp theo như trường ĐH Công nghệ TPHCM và Trường ĐH Kinh tế - tài chính TPHCM.

Những thí sinh có điểm thi cao chưa trúng tuyển đợt xét tuyển nguyện vọng đầu vẫn có thể đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung để tăng tối đa cơ hội trúng tuyển. Ảnh: P.T

Những thí sinh có điểm thi cao chưa trúng tuyển đợt xét tuyển nguyện vọng đầu vẫn có thể đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung để tăng tối đa cơ hội trúng tuyển. Ảnh: P.T

Những điểm thí sinh cần lưu ý

Những thí sinh có điểm thi cao chưa trúng tuyển đợt xét tuyển nguyện vọng đầu vẫn có thể đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung để tăng tối đa cơ hội.

Ý kiến của các chuyên gia tuyển sinh cho rằng, để chắc chắn trúng tuyển, thí sinh cần lưu ý lựa chọn ngành thật phù hợp. Do xét tuyển nguyện vọng bổ sung chỉ tiến hành ở các trường, các ngành chưa đủ chỉ tiêu nên thí sinh xét bổ sung chỉ có thể lựa chọn trong phạm vi hạn chế - trường yêu thích nhưng chỉ xét bổ sung các ngành không phù hợp, hoặc chọn ngành yêu thích nhưng ở những trường không thuộc “top” danh sách những trường bản thân mong muốn theo học,... Trong điều kiện không có quá nhiều lựa chọn, thí sinh có thể linh hoạt chọn những ngành gần nhất với ngành yêu thích; tránh trường hợp chọn đại một ngành lấy điểm thấp nhưng không đúng sở thích, dù trúng tuyển vẫn khó có thể học tập hiệu quả.

Thí sinh cũng cần thường xuyên cập nhật danh sách, số lượng hồ sơ nộp nguyện vọng bổ sung, tránh tình trạng chỉ có quá ít hồ sơ nộp, không đủ điều kiện để trường mở lớp đào tạo.

Theo lịch trình chung của Bộ GD&ĐT, thông tin xét tuyển nguyện vọng bổ sung được công bố sớm nhất từ ngày 18-8, thời gian nhận hồ sơ dự kiến từ 28-8. Thí sinh xét tuyển nguyện vọng bổ sung nên lưu ý nắm chắc các mốc thời gian để dễ dàng hơn trong việc chọn ngành cũng như đăng ký xét tuyển.

Phan Thủy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/chua-do-dot-xet-tuyen-dau-thi-sinh-van-con-co-hoi-voi-dot-xet-tuyen-bo-sung-159390.html