Chưa điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp xã hội và trợ cấp hàng tháng năm 2021

Theo báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội đã báo cáo cụ thể tình hình thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020 hụt thu so với dự toán; dự toán thu cân đối NSNN năm 2021 giảm so với dự toán năm 2020, nên chưa cân đối được nguồn để thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp xã hội và trợ cấp hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2020 và năm 2021, cũng như điều chỉnh chuẩn nghèo cho giai đoạn tới.

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, chiều 12/11, Quốc hội nghe báo cáo tiếp thu, giải trình về đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2020, dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 trước khi biểu quyết thông qua Nghị quyết.

Về dự toán NSNN năm 2021, dự toán thu nội địa năm 2021 tăng 5,6% so với ước thực hiện năm 2020. Nguyên nhân chủ yếu là do dự kiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn tiếp tục khó khăn.

Bên cạnh đó, một số nguồn thu lớn từ các sản phẩm đã ổn định, khó tăng trưởng cao như than, ô tô, bia, thuốc lá, thủy điện, chế biến dầu khí... Nếu loại trừ các nguồn thu ổn định này và các khoản thu đột biến phát sinh trong năm 2020 sang năm 2021 không còn thì các nguồn thu thuế, phí còn lại của năm 2021 đã dự kiến tăng 7,8% so với ước thực hiện năm 2020.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Nguyễn Đức Hải báo cáo.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Nguyễn Đức Hải báo cáo.

Đây là mức tăng thu phù hợp trong bối cảnh dự báo tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội chấp thuận mức dự toán thu nội địa năm 2021 như Chính phủ trình. Quá trình thực hiện đề nghị Chính phủ tiếp tục tăng cường các biện pháp chống thất thu, thu hồi nợ đọng và nghiên cứu rà soát lại chính sách thu theo đúng các Nghị quyết của Quốc hội.

Về đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, cơ cấu lại chi NSNN bảo đảm hợp lý, tiết kiệm, cắt, giảm những nhiệm vụ chi thường xuyên không cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc bố trí dự toán chi thường xuyên năm 2021 cho các bộ, cơ quan trung ương đã quán triệt yêu cầu triệt để tiết kiệm, gắn với tinh giản bộ máy, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động và tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập theo yêu cầu của Nghị quyết 18, 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII; cắt giảm tối đa kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước và các khoản chi chưa thật sự cần thiết; giảm tối đa các khoản chi hội nghị, hội thảo, công tác phí trong và ngoài nước so với dự toán năm 2020 (ngoại trừ các hoạt động ngoại giao cấp quốc gia,...).

Việc bố trí dự toán cho các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo nguyên tắc, NSNN không hỗ trợ các cơ sở đã tự chủ toàn bộ chi thường xuyên; đối với các cơ sở năm 2020 đã tự chủ một phần chi thường xuyên mức bố trí hỗ trợ năm 2021 trên cơ sở tiết kiệm chi bình quân thêm 5% so với dự toán năm 2020. Đồng thời, bố trí kinh phí cho các đơn vị có cơ chế tài chính đặc thù trên tinh thần triệt để tiết kiệm, giảm tối thiểu 15% so với dự toán chi năm 2020.

Theo đó, dự toán chi NSNN năm 2021 giảm so với dự toán năm 2020. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội chấp thuận các biện pháp cơ cấu lại chi thường xuyên của NSNN năm 2021 như Chính phủ trình. Đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, cơ cấu lại chi bảo đảm hợp lý, tiết kiệm, đúng quy định của pháp luật về NSNN.

Về Dự thảo Nghị quyết dự toán NSNN năm 2021, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 122/2020/QH14, trong đó quy định "Chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở và lương hưu từ ngày 01/7/2020. Căn cứ tình hình thực tế, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội về thời điểm điều chỉnh mức lương cơ sở".

Kết luận số 91-KL/TW của Hội nghị Trung ương 13 quy định: trong năm 2021 chưa điều chỉnh lương cơ sở, chưa điều chỉnh chuẩn nghèo. Thời gian qua, triển khai Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch Tài chính 5 năm quốc gia, việc thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp xã hội (đối tượng do NSNN bảo đảm) và trợ cấp ưu đãi người có công được thực hiện đồng thời với điều chỉnh mức lương cơ sở.

Theo báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội đã báo cáo cụ thể tình hình thu NSNN năm 2020 hụt thu so với dự toán; dự toán thu cân đối NSNN năm 2021 giảm so với dự toán năm 2020, nên chưa cân đối được nguồn để thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp xã hội và trợ cấp hàng tháng (đối tượng do NSNN bảo đảm), trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2020 và năm 2021, cũng như điều chỉnh chuẩn nghèo cho giai đoạn tới.

Về việc ưu tiên điều chỉnh mức tăng trợ cấp người có công, lương hưu và trợ cấp cho những người về nghỉ hưu trước năm 1995, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm có tổng kết, đánh giá và xây dựng phương án điều chỉnh phù hợp, báo cáo Quốc hội theo hướng ưu tiên hơn cho đối tượng này trong thời gian tới.

Lê Bảo

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/chua-dieu-chinh-muc-luong-co-so-luong-huu-tro-cap-xa-hoi-va-tro-cap-hang-thang-nam-2021-20201112154425647.htm