Chưa có văn bản quy định thu chi tiền công đức thế nào

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, hiện nay chưa có một văn bản pháp quy nào quy định tiền công đức sẽ thu như thế nào và chi như thế nào.

XEM CLIP:

ĐB Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) đề cập đến sự phát triển dự án tâm linh được đầu tư lớn, tầm cỡ kỷ lục quốc gia, khu vực và thế giới và chất vấn: “Báo cáo của Bộ trưởng đã đánh giá việc thu, chi tiền công đức công khai, minh bạch, xin Bộ trưởng cho biết tính chính xác của nhận định trên? Tổng thu, chi tiền công đức mỗi năm bao nhiêu? Sử dụng mục đích gì?

Bộ trưởng có chủ trương thanh tra, kiểm soát nguồn thu, chi cho hoạt động lễ hội, tín ngưỡng mang tính xã hội hóa đang thực hiện hiện nay hay không?”.

ĐB Mai Sỹ Diến. Ảnh: Minh Đạt

ĐB Mai Sỹ Diến. Ảnh: Minh Đạt

ĐB Diến cho rằng quyết định 245 quy định mỗi di tích không quá 3 hòm công đức tại 3 ban thờ chính và thắc mắc, báo cáo của Bộ khẳng định đã bố trí, sắp xếp hệ thống hòm công đức, nơi đặt lễ, tiền dầu nhang theo quy định nhưng có nhiều điểm tâm linh đặt hòm công đức dày đặc. Việc cúng thuê, khấn thuê đang tạo nên tình trạng thương mại hóa đời sống tâm linh, biến không gian linh thiêng trở nên phàm tục.

“Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ trưởng đối với tồn tại trên?”, Phó đoàn ĐB Thanh Hóa hỏi.

Cùng mối quan tâm, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu thống kê, nước ta có gần 8.000 lễ hội mỗi năm, trong đó có không ít lễ hội diễn ra phản cảm, lễ hội nào cũng gắn đến yếu tố cầu may, chọi trâu, chém lợn, đấu vật, cướp phẩm vật. Lễ hội biến tướng, nét đẹp lễ hội bị biến mất thay vào đó là cúng sao giải hạn như chùa Ba Vàng, xem chỉ tay, xem tử vi, tướng số, không ai phân biệt được đâu là lễ hội cầu may, cầu lợi hay lễ hội mê tín dị đoan.

“Bộ trưởng nghĩ gì về vấn đề này? Cách giải quyết để nước ta không còn lễ hội biến tướng nhằm phục vụ cho nhóm người lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi?”, ĐB Hòa hỏi.

Ông cũng chất vấn về việc, dư luận cho rằng có hiện tượng kinh doanh chùa, đền thờ để trục lợi, thực tế có như vậy không? Các thùng công đức rải rác khắp nơi thờ cúng, các nguồn thu, chi từ khu du lịch tâm linh, danh lam thắng cảnh rất lớn, ai quản lý, có làm nghĩa vụ cho nhà nước hay không?

Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn thu, chi

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, hiện nay chưa có một văn bản pháp quy nào quy định tiền công đức sẽ thu như thế nào và chi như thế nào. Về quản lý nhà nước cũng chưa có văn bản.

“Chỉ có một văn bản của Bộ VH-TT-DL cùng với Bộ Nội vụ có hướng dẫn về việc sử dụng tiền công đức nhưng ở đây, chỉ có nói tại thông tư liên tịch 04/2014, có hướng dẫn là tiền tài sản được dâng cúng công đức, tài trợ cho các cơ sở tín ngưỡng phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích, công khai. Về quản lý nhà nước, chúng tôi chưa có văn bản nào quy định về việc này”, Bộ trưởng Thiện giải đáp.

Ông thông tin thêm, Chính phủ có ban hành nghị định 110 liên quan đến quản lý và tổ chức lễ hội, trong nghị định đó có một điểm là giao cho Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn vấn đề thu, chi. Do nghị định vừa mới ban hành cuối năm 2018, Bộ Tài chính đang triển khai xây dựng văn bản theo hướng dẫn.

Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện. Ảnh: Minh Đạt

“Đối với tiền công đức, báo cáo với QH, hiện nay quản lý là như vậy. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã nói rồi, liên quan đến các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng mà có di tích, việc quản lý có vai trò của Bộ Văn hóa”, ông nói.

Thực ra cũng là khuyến cáo

Về số lượng thùng công đức, Bộ trưởng Thiện cho biết, quyết định của Bộ, “thực ra cũng là khuyến cáo”, cũng là yêu cầu để thực hiện nếp sống văn hóa, chứ cũng không phải đó là một văn bản có tính chất pháp quy, hướng dẫn các cơ sở nên tùy tình hình.

“Nói tóm lại, không được quá nhiều thùng công đức, gây phản cảm. Chúng tôi xin tiếp thu ý kiến của đại biểu và căn cứ vào tình hình thực tiễn, chúng tôi sẽ nghiên cứu, đề xuất, phối hợp với các bộ, ngành xem sẽ đặt thùng công đức như thế nào để đảm bảo thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa”, Bộ trưởng Văn hóa cam kết.

Trả lời câu hỏi ĐB Phạm Văn Hòa, Bộ trưởng Thiện nhìn nhận thực trạng “đúng như ĐB nói, chúng ta có nhiều lễ hội”. Điển hình như lễ hội dân gian, lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa, thể thao và du lịch…

Theo ông, trong năm qua, công tác quản lý lễ hội đang chấn chỉnh dần từng bước đi vào nề nếp. Những lễ hội phản cảm, lễ hội thương mại hóa, lễ hội có hành vi mê tín dị đoan như ĐB nói từng bước được khắc phục và giảm bớt.

“Tuy nhiên, hiện tượng này vẫn còn và chúng ta phải tiếp tục lên án, phê phán những hành vi này là hành vi vi phạm pháp luật, nếp sống văn hóa. Hành vi nào là hành vi vi phạm pháp luật thì chúng ta kiên quyết xử lý, vi phạm nếp sống văn hóa, văn minh thì chúng ta phải lên án”, người đứng đầu ngành Văn hóa cam kết.

ĐB Tống Thanh Bình (Lai Châu) tiếp tục nhắc đến thực tế cho thấy tại các điểm danh lam thắng cảnh, các điểm du lịch tâm linh lễ rất nhiều và đương nhiên lượng tiền công đức thu được cũng sẽ rất lớn. Tuy nhiên công tác quản lý, sử dụng cho thấy còn chưa công khai minh bạch.

“Bộ trưởng cho biết Bộ có giải pháp gì để quản lý chặt chẽ nguồn thu này trong thời gian tới, trả lời các ý kiến trước, Bộ trưởng chưa đề cập đến vấn đề giải pháp quản lý trong thời gian tới”, ĐB chất vấn.

Tuy nhiên, phần trả lời sau đó của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chưa kịp nhắc đến việc này thì hết giờ.

Thu Hằng - Hồng Nhì

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/quoc-hoi/chua-co-van-ban-quy-dinh-thu-chi-tien-cong-duc-the-nao-539125.html