Chưa có quy hoạch trời, biển

Việt Nam có hơn 1,4 triệu km2 vùng trời. Nếu không quan tâm quy hoạch cụ thể thì khó tránh khỏi tai nạn giữa máy bay dân sự và quân sự

Sáng 21-11, Quốc hội (QH)thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quy hoạch. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình ý kiến của đại biểu (ĐB) QH về dự án luật này.

Chưa hình dung quy hoạch bầu trời thế nào

ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) băn khoăn khi phạm vi điều chỉnh chưa nêu rõ quy hoạch này là quy hoạch gì, tức là luật không có đối tượng. Theo ĐB Nhưỡng, phải xác định rõ không gian phát triển của Việt Nam ở mặt đất, vùng trời và vùng biển.

“Hiến pháp quy định có vùng trời. Ở đây, chúng ta không quy hoạch vùng trời, chỉ quy định vấn đề biển và đất, cơ bản nói về đất. Tôi cho rằng đây là vấn đề còn thiếu sót” - ĐB Nhưỡng nhấn mạnh thêm.

Là Phó Tư lệnh Quân khu 2, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò (Hà Giang) nhìn nhận vấn đề vùng trời hiện nay rất bức xúc. Trước đây, huấn luyện chiến đấu của lực lượng phòng không không quân tốt nhưng khi hàng không phát triển, diện tích này bị thu hẹp. Vừa qua, khi lực lượng không quân cất cánh bay, suýt nữa máy bay quân sự va chạm vào máy bay dân dụng.

Phòng không huấn luyện xong không dám bắn vì hỏa lực, tầm bắn sát thương 5-7 km trên không mà không có chỗ để bắn. Nước ta có hơn 1,4 triệu km2 vùng trời mà không quan tâm thì tai nạn máy bay là tai nạn tàn khốc nhất. Do đó, ĐB này đề nghị phải quy hoạch cụ thể đường bay nội địa, quốc tế, quá cảnh và đường bay dành cho lực lượng không quân để bảo đảm huấn luyện chiến đấu.

Về quy hoạch không gian biển quốc gia, ĐB Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng Chính phủ cần chuẩn bị đầy đủ để trình QH phê duyệt nội dung quy hoạch biển theo hướng cần có một mục hoặc một điều rõ nét hơn. Việc chỉ quy định tại khoản 1, điều 23 của luật là chưa đáp ứng được quy hoạch không gian biển hiện nay. ĐB Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) đánh giá dự thảo Luật Quy hoạch quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch không gian biển chưa phù hợp với Luật Biển Việt Nam.

Tiếp thu ý kiến các ĐB, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết việc quy hoạch về bầu trời đã đưa ra bàn bạc và xin ý kiến nhưng không hình dung là quy hoạch bầu trời thế nào.

Theo bộ trưởng, các máy bay bay trên trời được tự do, không có giới hạn ai được bay đến đâu và chiều cao của bầu trời không xác định được. Do đó, quy hoạch bầu trời rất khó.

Phó Tư lệnh Quân khu 2, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò (Hà Giang) cho rằng vấn đề bầu trời đang rất bức xúcẢnh: NGUYỄN NAM

Đô thị lai căng, chắp vá

ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) góp ý điều 9 nội dung quản lý nhà nước về quy hoạch cần bổ sung một nội dung quan trọng là nhà nước ban hành bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn quy hoạch chung cho quốc gia để tạo sự đồng bộ, thống nhất trong các quy hoạch.

“Ở các quy hoạch hệ thống đô thị và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông rất đồng bộ và in đậm bản sắc văn hóa, dấu ấn quốc gia. Trong khi ở nước ta, mỗi địa phương quy hoạch một kiểu, bộ mặt đô thị mỗi nơi một vẻ, nhìn chung là chắp vá, lai căng không có bản sắc, dấu ấn riêng” - ĐB chỉ ra.

Theo ĐB Tiến, cần mạnh dạn quy định khi chưa có quy hoạch tổng thể quốc gia thì chưa được lập quy hoạch ngành, vùng, địa phương. Ngược lại, muốn điều chỉnh quy hoạch ngành, vùng, địa phương thì phải điều chỉnh quy hoạch tổng thể quốc gia.

Quy định như vậy vừa bảo đảm tính nghiêm minh trong quản lý quy hoạch vừa tránh tình trạng quy hoạch tổng thể quốc gia chạy theo quy hoạch ngành, vùng, địa phương như đã diễn ra từ lâu khi các tỉnh thành đua nhau làm KCN hoặc các khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng ven biển trước khi có quy hoạch tổng thể.

ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nêu bất cập là đến nay vẫn chưa có cơ sở để làm quy hoạch vùng trong khi quy hoạch vùng sẽ khắc phục được tình trạng phân chia theo địa giới hành chính của các tỉnh.

“Chúng ta có 7 vùng về địa lý kinh tế, có 4 vùng về trọng điểm kinh tế: Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ và ĐBSCL; có cả vùng thủ đô. Vậy bây giờ quy hoạch vùng là quy hoạch theo vùng nào? Rõ ràng ở đây chúng ta không có cơ sở để thực hiện” - ĐB TP Hà Nội đặt vấn đề.

Ông Cường cũng nêu thực tế quy hoạch vùng được xây dựng thì không có người quản lý quy hoạch, theo dõi triển khai tổ chức thực hiện. Bởi vậy, ông đề nghị trước khi có quy hoạch vùng, phải có quy định về việc phân vùng, đồng thời phải quy định về việc thành lập các cơ quan quản lý vùng như là ủy ban quản lý vùng hoặc hội đồng quản lý vùng.

Quy định cụ thể trường hợp cảnh vệ nổ súng

Góp ý dự thảo Luật Cảnh vệ vào chiều cùng ngày, về nội dung biện pháp, chế độ cảnh vệ đối với nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Thủ tướng Chính phủ, nguyên Chủ tịch QH, ĐB Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) cho rằng quy định biện pháp bảo vệ cứng là thực hiện bắt buộc ngay cả khi nguyên lãnh đạo không muốn. Ông góp ý thực hiện chế độ cảnh vệ theo nguyện vọng của nguyên lãnh đạo.

ĐB Dương Văn Thông (Bắc Giang) cho rằng nổ súng là hành vi cần thiết được quy định trong lực lượng cảnh vệ nhưng dự thảo cần quy định theo hướng phân biệt giữa các đối tượng được cảnh vệ, nổ súng để bảo vệ yếu nhân, nổ súng để bảo vệ sự kiện, khu vực cảnh vệ, nổ súng khi thực hiện công vụ có tổ chức và sự kiện độc lập; đồng thời quy định trường hợp cụ thể hình thức tấn công trực tiếp nào để sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Giải trình về quy định nổ súng, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, khẳng định sẽ chỉnh lý về trường hợp nổ súng, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ của lực lượng cảnh vệ một cách cụ thể để vừa bảo đảm quyền công dân vừa tạo điều kiện cho lực lượng cảnh vệ hoàn thành nhiệm vụ.

Phương Nhung

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/chua-co-quy-hoach-troi-bien-20161121220631665.htm