Chưa có quy định về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực

Chiều 20.9, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga (Ảnh: QH)

Theo báo cáo Thẩm tra dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) của Ủy ban tư pháp (UBTP) của Quốc hội, dự thảo Luật có nhiều sửa đổi, bổ sung về minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập như mở rộng đối tượng kê khai tài sản; bỏ quy định kê khai hàng năm, thay vào đó là kê khai lần đầu và kê khai bổ sung;...

Bên cạnh việc tán thành với nhiều định hướng sửa đổi, bổ sung được quy định trong dự thảo Luật, UBTP nhận thấy, trong Tờ trình, Chính phủ nêu rõ: Kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN cho thấy một trong những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành là “còn vướng mắc về trình tự, thủ tục giải trình, xác minh tài sản, thu nhập; thiếu quy định về xử lý tài sản, thu nhập không được giải trình một cách hợp lý…”.

Tuy nhiên, trong dự thảo Luật còn chưa có quy định về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không được giải trình một cách hợp lý; chưa có quy định nhằm kết nối dữ liệu trong các bản kê khai tài sản, thu nhập với dữ liệu về thuế thu nhập cá nhân, đăng ký nhà đất, các giao dịch khác về tài sản của người có nghĩa vụ kê khai…, là những nội dung rất quan trọng để bảo đảm tính hiệu quả của các quy định về minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập.

Ngoài ra, những sửa đổi trong các quy định về minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập mới chỉ tập trung đến việc kê khai tài sản, thu nhập với các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, trong khi hiện nay chưa có các giải pháp để kiểm soát tài sản, thu nhập của các đối tượng khác trong xã hội nên không đảm bảo được tính toàn diện và khó đạt được hiệu quả như mong muốn.

Về đối tượng kê khai tài sản, thu nhập, đa số ý kiến tán thành với chủ trương tiến tới tất cả đảng viên, cán bộ, công chức phải kê khai tài sản theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 3 (khóa X). Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy, việc kê khai tài sản, thu nhập thời gian qua còn hình thức, hiệu quả thấp, chưa kiểm soát được tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

Trong điều kiện đó thì trước mắt nên giữ nguyên hoặc thu hẹp diện đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, tập trung vào các đối tượng giữ vị trí quan trọng ở trung ương, địa phương và thuộc lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao để bảo đảm tập trung nguồn lực tiến hành kiểm soát có hiệu quả hơn, tránh hình thức như thời gian vừa qua.

Việc mở rộng đối tượng sẽ được nghiên cứu bổ sung khi đã làm tốt việc kiểm soát tài sản, thu nhập của nhóm đối tượng nêu trên và có đủ nguồn lực đáp ứng cho việc mở rộng đối tượng kiểm soát tài sản, thu nhập.

X.H

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thoi-su/chua-co-quy-dinh-ve-xu-ly-tai-san-thu-nhap-ke-khai-khong-trung-thuc-565712.ldo