Chưa có quy định nào gọi là 'trường quốc tế'

Ngay sau khi phát ngôn của ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy chia sẻ ở buổi họp báo về vụ học sinh trường quốc tế Gateway tử vong, trong điều luật không có trường nào mang tên ' trường quốc tế', đã khiến nhiều phụ huynh hoang mang.

Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy Phạm Ngọc Anh khẳng định, trên địa bàn quận không có trường nào tên là trường “quốc tế” và không có trường quốc tế trong quy định.

"Tên "trường tiểu học quốc tế Gateway" là cách mà trường tự đặt để thu hút thêm học sinh" - ông Ngọc Anh nhấn mạnh.

Phụ huynh có bị lừa?

Phụ huynh Lê Văn Tuấn (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, nếu đúng như không có quy định nào mang tên “trường quốc tế” thì khác nào bấy lâu nay nhiều trường vẫn đang lừa dối phụ huynh và cả xã hội. Đến cái tên gọi đã mang tính thương mại, chạy đua theo trào lưu thì làm sao có được chất lượng thực cho các con.

“Tôi cũng không hiểu vì sao, luật không có tên gọi “trường quốc tế” thì sao bấy lâu nay các cơ quan vẫn luôn để mặc cho các trường hiên ngang sử dụng và quảng bá”.

Liệu rằng việc gắn mác “trường quốc tế” có mang mục đích thương mại, bởi những trường này có mức học phí quá khủng, chỉ dành có con nhà giàu theo học. Nhưng điều họ nhận được lại là một trái đắng của sự thờ ơ, quản lý lỏng lẻo và thiếu trách nhiệm của các khâu quản lý trong trường học"- anh Tuấn nói.

Chị Kim Anh, Hiệu trưởng một trường THCS trên địa bàn Hà Nội cho biết, dựa vào lòng tin và xu hướng “sính ngoại” đã có một số lượng lớn phụ huynh sẵn sàng chi hàng trăm triệu, thậm chí nửa tỷ đồng tiền học mỗi năm cho con. Với kỳ vọng con được học ở môi trường hoàn hảo tiệm cận quốc tế nhất.

Đếm sơ qua ở thành phố Hà Nội hiện có khoảng hơn 10 trường liên cấp đang hoạt động với tên gọi “trường quốc tế” kèm một lời chào như được cấp bằng quốc tế… kêu gọi học sinh nhập học. Vỏ bọc tuyệt vời đó khiến bao gia đình quyết tâm cho con được mang trong mình cái mác “học sinh quốc tế”.

“Tôi nghĩ rằng đã đến lúc có một cơ chế quản lý chung đối với các trường ngoài công lập, rà soát chương trình học và đặc biệt lưu tâm đến tên gọi “trường quốc tế” mà các đơn vị tự phong để hút học sinh”, chị Kim Anh kiến nghị.

TS Nguyễn Văn Phúc, trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, không riêng gì thành phố Hà Nội, ở các đô thị lớn trong cả nước như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng…, “mốt” trường quốc tế được đà đua nhau nở rộ trong vài năm gần đây.

Chưa bàn tới chất lượng, nội dung chương trình học nhưng việc lợi dụng lòng tin của phụ huynh mà rao giảng, quảng cáo học “trường quốc tế” như thế là sai phạm và cần thay đổi ngay tên gọi. Chúng ta cần nghiêm túc soát lại những trường tự phong vỏ bọc "trường quốc tế” này, TS Phúc nhấn mạnh.

Nên quan tâm đến chương trình học

Hiện nay, ở Việt Nam có rất nhiều trường mang danh "trường quốc tế" với môi trường học tập hiện đại và mức học phí cao ngất. Tuy nhiên, trong các văn bản pháp luật hiện nay, không hề có quy định nào về trường quốc tế và cũng không có tiêu chuẩn cụ thể nào cho những trường mang danh "quốc tế".

Ngày 7/8, trao đổi với PV Dân trí, một cán bộ Bộ GD&ĐT cho biết, hiện nay tại Việt Nam khái niệm trường quốc tế chưa có ranh giới rõ ràng, chưa có văn bản nào quy định thế nào là trường quốc tế. Muốn phân biệt trường quốc tế với các trường khác thì phân biệt theo chương trình giảng dạy, đối tượng học và vốn đầu tư.

Về vốn đầu tư, có nhiều hình thức, vốn đầu tư trong nước nhưng dạy chương trình nước ngoài và vốn đầu tư nước ngoài dạy chương trình nước ngoài.

Trên địa bàn Hà Nội có các trường quốc tế do các cơ quan ngoại giao thành lập như trường Liên Hiệp Quốc UNIS, trường trung học Alexandre Yersin của Đại sứ quán Pháp, trường của Đại sứ quán Nhật, Hàn Quốc, Nga.

Bên cạnh đó, còn có các trường có vốn đầu tư của nước ngoài như Kinderworld/SIS (của Singapore), Horizon (Thổ Nhĩ Kỳ)… còn nhiều trường vốn đầu tư Việt Nam nhưng dạy theo chương trình nước ngoài như BIS & BVIS, Trường chuẩn quốc tế BIS tại biệt thự Vinhomes Riverside, trường quốc tế Hà Nội…

Về việc đặt tên trường, cán bộ Bộ GD&ĐT cho rằng, Nghị định 73 và Nghị định 86 đều đã có quy định rõ ràng.

Theo Điều 48 của Luật Giáo dục hiện hành, các loại hình nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân chỉ bao gồm: Trường công lập; Trường dân lập; Trường tư thục. Luật Giáo dục mới được Quốc Hội thông qua năm 2019 (có hiệu lực từ 1/7/2020) cũng quy định 3 loại hình nhà trường tương tự như trên.

Với các trường đặt theo tên nước ngoài tự nhận là " trường quốc tế" chỉ nhằm mục đích để thu hút người học vì họ có một số giáo viên nước ngoài và chương trình dạy có một phần dạy theo chương trình của nước ngoài. . Cách đặt tên này không sai vì không vi phạm thuần phong mỹ tục.

"Các bậc phụ huynh khi chọn trường cho con nên quan tâm tới chương trình trường dạy như thế nào chứ không nên quan tâm tới tên gọi "trường quốc tế” - cán bộ Bộ GD&ĐT chia sẻ.

Nhật Hồng - Hà Cường - Theo Dân Trí

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/chua-co-quy-dinh-nao-goi-la-truong-quoc-te-d104141.html