Chưa có công nghệ phù hợp để sửa chữa cầu Thăng Long – Hà Nội

Chi cục Quản lý đường bộ I.5 khẳng định, cầu Thăng Long đang được sử dụng nguồn thu từ quỹ bảo trì đường bộ để duy tu, duy trì, chưa có một đơn vị nào nhận sửa chữa vì không có công nghệ phù hợp.

Như đã thông tin, sở GTVT Hà Nội chưa nhận bàn giao cầu Thăng Long và kiến nghị UBND TP.Hà Nội đề xuất bộ GTVT chỉ đạo các các đơn vị liên quan nghiên cứu và tổ chức sửa chữa tổng thể toàn bộ phần mặt cầu bị hư hỏng trước khi bàn giao cho TP.Hà Nội quản lý.

Mặt cầu Thăng Long - Hà Nội bị hư hỏng nhiều năm chưa có phương án sửa chữa. (Ảnh: Thành Long).

Mặt cầu Thăng Long - Hà Nội bị hư hỏng nhiều năm chưa có phương án sửa chữa. (Ảnh: Thành Long).

Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Đặng Đình Quang - Chi cục trưởng chi cục Quản lý đường bộ I.5 (cục Quản lý đường bộ I) cho biết: “Cầu Thăng Long – Hà Nội bị xuống cấp đã nhiều năm, đã được tiến hành sửa chữa nhiều lần nhưng vẫn chưa thể khắc phục được. Hiện nay, chúng ta chưa tìm ra được công nghệ thích hợp để sửa chữa cầu Thăng Long nên hàng năm đơn vị chúng tôi phải tiến hành duy tu, duy trì liên tục”.

Nói về việc chất lượng của cầu Thăng Long, ông Quang cho biết: “Năm 2016, khi tiến hành kiểm định thì về chất lượng chịu lực vẫn đảm bảo tiêu chuẩn. Do đây là cầu được làm bằng thép nên biên độ rung rất lớn, trong khi đó mặt cầu Thăng Long được thiết kế trên đỉnh cầu nên biên độ rung càng lớn hơn”.

“Hiện nay, cầu Thăng Long đang được sử dụng nguồn thu từ quỹ bảo trì đường bộ để duy tu, duy trì. Cho đến thời điểm này, chưa có một đơn vị nào nhận sửa chữa vì không có công nghệ phù hợp”, ông Quang Khẳng định.

Vệt bánh xe xuất hiện rất nhiều trên mặt cầu Thăng Long.

Ông Quang cho hay: “Hiện nay, cục Đường sắt đang quản lý kết cấu thép của cây cầu, còn đơn vị chỉ quản lý mặt đường bê tông nhựa. Trước đây, Hà Nội quản lý cầu nhưng bên ban 3 thuộc tổng cục Đường bộ tiếp nhận cầu để sửa chữa nhưng khi sửa chữa xong Hà Nội không chịu tiếp nhận lại nên tổng cục Đường bộ giao lại cho cục Quản lý đường bộ I và cuối cùng là chúng tôi quản lý để đảm bảo việc duy tu, duy trì mặt cầu”.

Lý giải về việc mặt cầu liên tục bị hỏng xuống cấp, ông Quang cho rằng: “Do mặt cầu được làm bằng thép rồi mới trải thảm nhựa lên trên nên mỗi khi trời mưa khiến cho nhựa không kết dính được với thép, cùng với đó là mật độ phương tiện lưu thông cao cầu bị rung dẫn đến mặt cầu bị bong tróc. Để đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện lưu thông, hàng ngày đơn vị phải cho người đi kiểm tra phát hiện hỏng ở đâu thì sẽ tiến hành vá luôn”.

Cũng theo ông Quang cho biết thêm, gần đây nhất lãnh đạo tổng cục Đường bộ có cùng với các đơn vị của Hà Nội lên kiểm tra, thống nhất với nhau phương án sửa nhưng chưa tìm được phương án sửa.

Một số vị trí bị lún từ 3-5 cm.

Theo ông Ngô Mạnh Tuấn - Phó Giám đốc sở GTVT Hà Nội cho biết, việc sửa chữa mặt cầu, thảm bê tông nhựa tại 5 dàn thép của cầu chính đòi hỏi kỹ thuật, công nghệ phức tạp, do vậy cần phải được nghiên cứu và sử dụng những công nghệ phù hợp.

Sở GTVT Hà Nội kiến nghị UBND TP.Hà Nội đề xuất bộ GTVT chỉ đạo các các đơn vị liên quan nghiên cứu và tổ chức sửa chữa tổng thể toàn bộ phần mặt cầu bị hư hỏng trước khi bàn giao cho TP.Hà Nội quản lý.

Trong thời gian chưa bàn giao, đề nghị bộ GTVT chỉ đạo cục Quản lý đường bộ I (thuộc tổng cục Đường bộ Việt Nam) và các đơn vị liên quan tiếp tục công tác duy tu, duy trì mặt cầu đảm bảo an toàn giao thông.

Tháng 7 vừa qua, bộ GTVT cũng đã có văn bản yêu cầu tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các đơn vị liên quan thường xuyên tuần tra, kiểm tra và kịp thời sửa chữa ngay các hư hỏng phần mặt cầu đường bộ trên tầng 2 cầu Thăng Long để đảm bảo an toàn giao thông. Ngoài ra, tổng cục phối hợp với vụ Khoa học công nghệ có các giải pháp căn cơ xử lý hư hỏng phần mặt cầu đường bộ trên tầng 2 cầu Thăng Long đảm bảo chất lượng và khai thác ổn định, lâu dài...

Thế Anh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/chua-co-cong-nghe-phu-hop-de-sua-chua-cau-thang-long-ha-noi-a381928.html