Chữa chứng vô cảm

Trong vụ việc HS ở Trường THCS Phù Ủng, Hưng Yên bị đánh hội đồng và một số vụ việc tương tự, chưa nói đến vai trò của gia đình và nhà trường, có 3 đối tượng HS cần được quan tâm.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trong đó, bên cạnh việc phải chú ý, tham vấn, can thiệp về tâm lý kịp thời cho nạn nhân của bạo lực học đường, ngay chính HS bắt nạt (đánh bạn), HS bàng quan (chứng kiến bạn bị đánh mà không có thái độ, hành động can ngăn) đều phải có những bước tác động về tâm lý, GD kỹ năng sống.

Theo các chuyên gia tâm lý, cả 3 đối tượng trên đều có biểu hiện thiếu hụt kiến thức, kỹ năng sống. Trong đó, cả HS đánh bạn và HS bàng quan khi đứng xem cùng vô cảm trước nỗi đau của chính bạn mình.

Theo TS tâm lý Lê Nguyên Phương (người sáng lập tổ chức “Liên hiệp Phát triển Tâm lý Học đường” tại Việt Nam), 3 đối tượng trên đều có những khía cạnh tâm lý khác nhau cần được quan tâm: “Cần phải có những chương trình mang tính chất toàn diện để hỗ trợ cho các HS này, nhằm giảm thiểu những yếu tố gây nên bạo lực học đường và khiến vấn đề này khó thuyên giảm.

Đối với HS là nạn nhân bạo lực học đường, cần có những chương trình GD kỹ năng sống để có thể vững vàng, tự tin và biết cách bảo vệ chính mình.

Với HS thường xuyên bắt nạt bạn, đánh bạn, cũng phải có những chương trình GD kỹ năng sống phù hợp.

Trong giáo dục, để một “vỉa than đá” nhân cách thô nhám thành một “viên kim cương”, không chỉ cần thời gian, mà còn cần tới tâm huyết công phu của giáo viên chủ nhiệm, của gia đình.

Cô Hoàng Diệu Thúy

“Những HS có khuynh hướng “lãnh đạo” thì phải cho tham gia các chương trình khiến các em này có môi trường thể hiện kỹ năng của mình, cái “tôi” của mình một cách chính đáng” - TS Lê Nguyên Phương phân tích: “Đặc biệt, phải làm sao giúp đối tượng HS này nhận thức rằng nên dùng sức mạnh của mình làm cho cộng đồng tốt đẹp hơn. Các HS này cần được giúp đỡ để thể hiện “quyền lực” trong trường học một cách thích hợp, thể hiện vào những đóng góp trong học đường, cũng như trong cộng đồng rộng hơn”.

Tham vọng thể hiện cái “tôi” quyền lực của HS hay bắt nạt bạn nếu GD đúng cách, không chỉ khiến đối tượng này hạn chế “ra oai”, mà còn biến những viên “than đá” hóa “kim cương” như chia sẻ của cô Hoàng Diệu Thúy (giáo viên Trường THCS - THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội): “Trong GD, để một “vỉa than đá” nhân cách thô nhám thành một “viên kim cương”, không chỉ cần thời gian, mà còn cần tới tâm huyết công phu của giáo viên chủ nhiệm, của gia đình”.

Cô Thúy cũng đã có một HS ý thức kỷ luật “tệ hại” tới mức như “điểm đen” ở mọi nơi khi em xuất hiện, bạn bè tránh xa em… HS này trở nên nổi loạn, láo xược với thầy cô, gây gổ với bạn bè, sử dụng chất kích thích, thậm chí muốn tự tử vì tất cả mọi người đều xa lánh…

Nhưng chính sự kiên trì, cảm hóa của giáo viên chủ nhiệm đã giúp HS “bất trị” này “nhìn thấy ánh sáng trong đường hầm tăm tối”. Chính em HS “đặc biệt” mà cô Thúy nhắc tới đã thốt lên: “Con cần một môi trường để thay đổi”.

Để giảm bạo lực học đường, không chỉ 2 đối tượng HS trên cần được GD để thay đổi, chính đối tượng trẻ bàng quan (vô cảm khi chứng kiến cảnh bạo lực học đường) cũng phải được GD. Cần phải cho HS bàng quan hiểu rằng không phải cứ có thái độ vô cảm là trẻ “vô sự”.

Bởi, chính bản thân trẻ bàng quan khi nhìn bạn bị bắt nạt, bị đánh, sẽ phải chịu những chấn thương gián tiếp bởi tận mắt chứng kiến những cảnh bạo lực như vậy. Sự ám ảnh lâu dài trong tâm trí phức tạp hơn nhiều.

Cô Hoàng Diệu Thúy

Tâm An

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/chua-chung-vo-cam-3994179-b.html