Chua chát kỳ thị người giàu: Nén bạc đâm toạc những gì?

Chuẩn mực đạo lý của Việt Nam đã thay đổi. Bây giờ, nén bạc đâm toạc đạo lý, luật pháp, ai cũng đua nhau làm giàu, tranh quyền cao chức trọng...

Về tình trạng kỳ thị người giàu vẫn tồn tại trong xã hội Việt Nam dù đất nước ngày càng có nhiều người giàu và siêu giàu, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành đặt một câu hỏi ngược lại: Tại sao người giàu ở các nước văn minh, các nước công nghiệp cao lại được trân trọng, trong khi người giàu ở Việt Nam thì không, đôi khi bị kỳ thị?

Sau đó, ông tự lý giải: "Người giàu của thế giới hiện nay, nhất là trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0, từng công nghệ, từng phát minh, sáng kiến đều từ trí tuệ, sáng tạo của họ mà ra.

Họ không dựa vào thế lực, không chiếm đoạt tài nguyên, không gian xảo, dối trá... để làm giàu và khi giàu có, họ chọn cách để lại hết cho xã hội, cho nhân loại những gì mình làm được bằng trí tuệ, tài năng, nhiệt tình của mình và chỉ để lại cho con rất ít số tài sản khổng lồ đó. Những người giàu đó xứng đáng là những thiên tài và ông Bụt của thời đại mới.

Còn người giàu Việt Nam, tài sản của họ từ đâu mà ra? Đó là từ BT, BOT, từ kinh doanh đất vàng đất bạc, khai thác các loại tài nguyên của đất nước, làm hàng gian hàng giả... Hàm lượng chất xám trong tài sản họ làm ra thì thấp, mà hàm lượng thế lực, quyền lực cấu kết thì rất cao. Họ đã để lại gì cho nhân loại, cho người Việt mình? Tôi tin rằng rất thấp".

Từ đây, ông Nguyễn Văn Đực cho rằng, không phải người Việt ganh ghét với người giàu, mặc dù một trong những điểm xấu trong tính cách người Việt là tính ganh tỵ, đố kỵ. Nhưng tính ganh tỵ, đố kỵ ấy được nhân đôi, nhân mười... vì nhiều người giàu Việt Nam không xứng đáng và không làm được nhiều việc tốt, thậm chí toàn việc xấu.

Ông Nguyễn Văn Đực

Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành dẫn trường hợp tứ đại hào phú của miền Nam thời Pháp thuộc: "Nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa" (Huyện Sĩ - Lê Phát Đạt; Tổng đốc Phương - Đỗ Hữu Phương; Bá hộ Xường - Lý Tường Quan và chú Hỏa - Huỳnh Văn Hoa) làm ví dụ.

Tuy xếp thứ tư nhưng chú Hỏa là người để lại nhiều dấu ấn nhất, trong đó phải kể đến tấm lòng không chỉ thu vén cho riêng mình mà còn biết hướng tới cộng đồng của ông. Ông có nhiều đóng góp quan trọng trong sự hình thành bộ mặt thành phố Sài Gòn như Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, Bệnh viện Từ Dũ, Trung tâm cấp cứu Sài Gòn...

Người dân quý trọng chú Hỏa vì ông làm giàu chân chính, để lại khối tài sản lớn, hiến tặng hàng loạt công trình phúc lợi xã hội mà chức năng của chúng vẫn tồn tại đến tận ngày nay.

"Việt Nam có mấy người như chú Hỏa? Có lẽ là chưa có ai dù bây giờ người ta giàu nhanh hơn, tốc hành hơn ngày xưa rất nhiều. Trong mắt người dân, người giàu ở Việt Nam chưa đóng góp cho cộng đồng cao như chú Hỏa hay những người giàu nước ngoài như Bill Gates, George Soros...

Vì lẽ đó, dù thích giàu nhưng người Việt vẫn có cái nhìn thiếu thiện cảm với người giàu - những người không phải giàu lên bằng trí tuệ, ý chí mà bằng nhiều sự trợ giúp khác.

Cũng bởi làm giàu nhờ con đường khác mà không phải tài năng, trí tuệ nên có thể thấy nhiều người giàu duy tâm, thờ thần, thờ Phật, đi cúng chùa, lập đình để tạ ơn trên đã giúp họ từ một người không có gì nổi bật trở nên giàu có.

Và dù cúng bái cho tâm linh rất nhiều nhưng mấy ai cúng hiến cho xã hội. Ít ai lập một quán cơm cho người nghèo, lập một bếp ăn cho người bệnh hay lập tủ thuốc cho người nghèo ở bệnh viện, lập một trường dạy trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật...", ông Đực phân tích.

Thế nhưng, bất chấp cái nhìn thiếu thiện cảm của xã hội, người giàu hiện nay không lấy làm buồn bởi theo ông Đực, phần đông họ sống trên dư luận. Họ chiếm đoạt tài nguyên một cách công khai mặc dư luận xã hội lên án.

"Nhiều năm rồi chuẩn mực đạo lý của Việt Nam đã thay đổi. Người ta chạy theo vật chất nhiều quá mà quên đi đạo đức.

Bây giờ, nén bạc đâm toạc đạo lý, luật pháp, ai cũng đua nhau làm giàu, tranh quyền cao chức trọng, từ chức danh GS-PGS đến các vị trí trong chính quyền, các dự án... bất chấp đạo lý, bất chấp môi trường, xã hội, dân sinh.

Thậm chí, nếu ai có cơ hội mà không làm giàu thì bị ghép cho cái tội ngu và câu cửa miệng "ngu sao không làm?" đã trở thành tựa đề cho mục tiêu của các đại gia, thấy cơ hội làm giàu đến họ chẳng dại gì bỏ qua, bất chấp hậu quả", ông Nguyễn Văn Đực chua chát.

Cũng từ đây, ông cho rằng người Việt giàu nhưng chưa sang bởi chữ “sang” có ý nghĩa rất cao quý, nó đòi hỏi phải đi kèm với cái sỉ, tức sĩ diện, liêm sỉ, một đạo lý trong nếp sống.

Theo ông Đực, nhiều người giàu Việt vắng bóng sĩ diện và liêm sỉ, họ chà đạp lên chuẩn mực đạo lý thông thường nên gần như hiện nay người giàu Việt không có người sang. Bản thân xã hội cũng không đề cao cái sang, cái sỉ nữa mà đề cao người có nhiều tiền, nhiều quyền lực, quan tâm ai giàu nhanh nhất, ai nhiều đất vàng nhất, ai đứng top giàu nhất Việt Nam…

Đây chính là điểm khác biệt lớn của người giàu Việt Nam với người giàu nước ngoài.

Ông Nguyễn Văn Đực nhận xét, nếu Việt Nam đặt nặng chuyện hơn thua, thắng bại hơn là sang, cái sỉ thì người giàu nước ngoài lại đề cao tinh thần hiệp sĩ, tinh thần quý tộc hơn là của cải, quyền lực. Tinh thần quý tộc ấy chính là sự thành tín, đạo nghĩa và ý thức trách nhiệm, đại diện cho đỉnh cao của văn minh nhân loại.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/dai-gia/chua-chat-ky-thi-nguoi-giau-nen-bac-dam-toac-nhung-gi-3354290/