Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có sẽ phạm tội gì?

Phạm tội này có thể bị xử phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm...

Thời gian vừa qua Tòa soạn Pháp luật Plus có nhận được câu hỏi từ bạn đọc Tạ Quang Tuấn có địa chỉ tại xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội.

Nội dung câu hỏi như sau: Đầu năm 2019 tôi có trồng một cây hoa Hải Đường trên đất của tôi có địa chỉ tại thôn Hợp Thành, xã Hợp Châu, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.

Đến khoảng tháng 4/2020 tôi có bị kẻ trộm đào mất cây hoa trên. Trong thời gian đi tìm tôi có phát hiện cây hoa của tôi được trồng tại TP Việt Trì tỉnh Phú Thọ. Ngay sau đó tôi đã đến Công an huyện Tam Đảo để trình báo vụ việc trên. Đến nay đã xác định được người trộm cây hoa Hải Đường và người tiêu thụ tài sản ăn trộm.

Xin được hỏi người tiêu thụ tài sản ăn trộm sẽ bị pháp luật xử lý thế nào?

Cây hoa Hải Đường của ông Tạ Quang Tuấn.

Cây hoa Hải Đường của ông Tạ Quang Tuấn.

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, Luật sư Quách Thành Lực, Công ty Luật TNHH LSX- Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho rằng: Theo quy định tại Điều 250 Bộ luật hình sự năm 1999 (nay là Điều 323 Bộ luật hình sự 2015).

1: Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp ;

c) Tài sản, vật phạm pháp có giá trị lớn;

d) Thu lợi bất chính lớn;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm:

a) Tài sản, vật phạm pháp có giá trị rất lớn;

b) Thu lợi bất chính rất lớn.

4: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Tài sản, vật phạm pháp có giá trị đặc biệt lớn;

b) Thu lợi bất chính đặc biệt lớn.

5: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt này.

Trên đây là nội dung bạn đọc cần hỏi, có nội dung nào chưa hiểu, bạn đọc có thể liên hệ Công ty Luật TNHH LSX để được hỗ trợ pháp lý một cách đầy đủ nhất, hoặc gửi email về Toasoan@Phapluatplus.vn Trân trọng cảm ơn.

Thanh Bình

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/chua-chap-hoac-tieu-thu-tai-san-do-nguoi-khac-pham-toi-ma-co-se-pham-toi-gi-d142418.html