Chưa cần đến chiến tranh thương mại, Trung Quốc thực sự đã gặp khó từ lâu

Cuộc khủng hoảng tại Trung Quốc là cuộc khủng hoảng của các ngân hàng thiếu vốn, doanh nghiệp phá sản và các vụ giải cứu của nhà nước.

Ảnh: Bloomberg

Một lần nữa, nhà đầu tư thế giới đang băn khoăn về Trung Quốc. Họ thực sự có lý do để làm như vậy. Tăng trưởng kinh tế quý 3/2018 rơi xuống mức 6,5% - tốc độ tăng trưởng thấp nhất tính từ thời kỳ tồi tệ nhất của khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. Trong năm ngoái, doanh số bán xe giảm lần đầu tiên trong hơn 2 thập kỷ.

Vào đầu tháng 1/2019, Apple cảnh báo rằng doanh số bán điện thoại iPhone tại Trung Quốc giảm, điều này không khỏi khiến thế giới lo lắng về kịch bản Trung Quốc sẽ kéo lùi tăng trưởng toàn cầu cũng như lợi nhuận doanh nghiệp. Thế nhưng các con số lại nói lên câu chuyện khác.

Ngay cả sau khoảng thời gian phục hồi gần đây, thị trường chứng khoán Thượng Hải vẫn mất đến 25% giá trị so với mức đỉnh trong năm 2018. Triển vọng không hề lạc quan hơn. Các biện pháp tăng thuế với hàng nhập khẩu Trung Quốc mà Tổng thống Trump áp dụng đang gây ra nhiều tác hại rõ nét lên các nhà máy tại Trung Quốc.

Trong tháng 12/2018, xuất khẩu của Trung Quốc bất ngờ sụt giảm, nó cho thấy nền kinh tế đang đi xuống nhanh như thế nào. Điều này khiến giới chức Trung Quốc buộc phải dịu giọng và đàm phán với Washington nhằm giảm bớt căng thẳng.

Thỏa thuận thương mại, một khi có được nó, sẽ giúp cho tâm lý nhà đầu tư được giải tỏa và thậm chí giúp cho kinh tế tăng trưởng tốt hơn, ít nhất ở hiện tại. Tuy nhiên nó sẽ không thể chấm dứt được những khó khăn mà Trung Quốc đang phải chịu đựng. Dù các biện pháp thuế quan gây ra không ít rắc rối, vấn đề thực sự tồi tệ hơn thế nhiều và nó ẩn sâu phía trong cấu trúc tài chính của Trung Quốc.

Người ta không nhận ra rằng Trung Quốc thực ra đã rơi vào khủng hoảng. Không phải cuộc khủng hoảng ngấm ngầm kiểu như Mỹ năm 2008 hay cuộc khủng hoảng sụp đổ bất thường mà các nền kinh tế lớn châu Á từng đối diện trong năm 1997. Cuộc khủng hoảng tại Trung Quốc là cuộc khủng hoảng của các ngân hàng thiếu vốn, doanh nghiệp phá sản và các vụ giải cứu của nhà nước. Bởi Trung Quốc xây dựng mô hình kinh tế riêng kiểu Trung Quốc nên ta có thể gọi cuộc khủng hoảng là cuộc khủng hoảng tài chính với đặc trưng Trung Quốc.

Cuộc khủng hoảng không chỉ đơn giản xoay quanh vấn đề kinh tế tăng trưởng chậm lại. Nó đã kéo dài một thời gian. Cuộc khủng hoảng được giải quyết như thế nào hoặc nếu không được giải quyết, sẽ gây ra tác động lớn hơn rất nhiều so với vài quý tăng trưởng yếu.

Cuộc khủng hoảng liên quan đến tương lai kinh tế của Trung Quốc và việc liệu Trung Quốc có đưa ra được các biện pháp cần thiết nhằm đưa nền kinh tế vào nhóm nền kinh tế phát triển nhất thế giới. Nó cũng sẽ quyết định liệu Trung Quốc có thể trở thành trụ cột của kinh tế toàn cầu, hoặc trở thành mối đe dọa với ổn định tài chính toàn cầu.

Nếu nhìn trên bề mặt, người ta có thể không tin rằng Trung Quốc đang khủng hoảng. Tăng trưởng kinh tế đã đi xuống, thế nhưng vẫn ở mức khá ổn - nếu bạn tin vào các số liệu của chính phủ Trung Quốc.

Các ngân hàng không lâm vào cuộc khủng hoảng thiếu thanh khoản trên quy mô lớn. Đồng nhân dân tệ thậm chí còn mạnh lên trong những ngày gần đây. Khi mà nỗi lo lắng về tình trạng kinh tế tăng lên, người tiêu dùng Trung Quốc thu hẹp hầu bao, tâm lý tại Trung Quốc chưa u ám giống như những gì thường diễn ra trước các đợt lùm xùm tài chính trước đây.

TRUNG MẾN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh-quoc-te/chua-can-den-chien-tranh-thuong-mai-trung-quoc-thuc-su-da-khung-hoang-tu-lau-3490069.html