Chưa buộc tái xuất lúa mỳ nhập khẩu nhiễm cỏ kế đồng từ ngày 1/11

Trước những khó khăn từ phía doanh nghiệp cũng như mong muốn từ cơ quan kiểm dịch thực vật tại các quốc gia xuất khẩu lúa mỳ hàng đầu vào Việt Nam, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) chính thức quyết định lùi thời gian áp dụng biện pháp tái xuất các lô lúa mỳ nhập khẩu có nhiễm cỏ kế đồng (Cirsium arvense).

Cục Bảo vệ thực vật sẽ làm việc với ba nước xuất khẩu lúa mỳ hàng đầu vào Việt Nam đề tìm cách giải quyết thỏa đáng vấn đề cỏ kế đồng. Nguồn: Internet

Doanh nghiệp “vật vã”

Tại cuộc họp do Cục Bảo vệ thực vật tổ chức với các bên liên quan, các nhà khoa học diễn ra sáng nay 17/10, tại Hà Nội, xung quanh câu chuyện từ ngày 1/11 tới, buộc tái xuất toàn bộ các lô lúa mỳ nhập khẩu có nhiễm có kế đồng, đông đảo doanh nghiệp lúa mỳ đều khẳng định, nếu áp dụng, quyết định này sẽ gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Dù đưa ra những lập luận khác nhau, song nhìn chung, các doanh nghiệp đều kiến nghị Cục Bảo vệ thực vật xem xét, lùi thời gian áp dụng tái xuất, đồng thời nghiên cứu để có giải pháp phù hợp, giảm tối đa thiệt hại cho doanh nghiệp.

Ông Vương Gia Tuệ, Giám đốc Công ty Bột mỳ Thiết Lập cho biết: Từ cuối tháng 4, đầu tháng 5 năm nay, khi phát hiện lô hàng lúa mỳ nhập khẩu có nhiễm cỏ kế đồng, Cục Bảo vệ thưc vật đã làm việc với doanh nghiệp.

“Suốt thời gian qua, doanh nghiệp đã trao đổi với đơn vị xuất khẩu lúa mỳ tại Hoa Kỳ, Nga, Canada…, khi đưa ra yêu cầu lô hàng xuất khẩu vào Việt Nam không được lẫn cỏ kế đồng, họ đều từ chối. Các nhà xuất khẩu chỉ đồng ý đảm bảo kiểm soát ở mức 0-5%, đồng thời sẽ nâng giá bán lên một chút. Nhà máy vẫn chấp nhận được mức giá tăng thêm này. Bởi vậy, doanh nghiệp đề xuất Cục Bảo vệ thực vật đưa ra chỉ tiêu để kiểm soát, ví dụ trong 1kg lúa mỳ phát hiện bao nhiêu phần trăm cỏ kế đồng thì buộc phải tái xuất”, ông Tuệ nói.

Đồng quan điểm với ông Tuệ, ông Lê Văn Vu, Phó Tổng giám đốc Công ty Bột mỳ Bình Đông cho biết thêm: Cuối năm vào dịp tháng 11, 12 và tháng 1 năm sau là mùa vụ để doanh nghiệp chuẩn bị nguyên liệu sản xuất cho 6 tháng sau đó. Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp không mua được lúa mỳ bởi nếu mua về có chứa cỏ kế đồng buộc phải tái xuất thì doanh nghiệp “chết”.

“Nếu vẫn áp dụng ngày 1/11 cho tái xuất lô hàng có cỏ kế đồng, không riêng Bình Đông, tất cả các doanh nghiệp trong ngành đều sẽ bị ảnh hưởng. Ngoài việc lùi thời hạn áp dụng tái xuất, doanh nghiệp kiến nghị Cục Bảo vệ thực vật có giải pháp, áp dụng quy trình kiểm soát ở một mức độ, tỷ lệ nhất định. Điều này giúp doanh nghiệp có cơ sở đàm phán với nhà cung cấp”, ông Vu nhấn mạnh.

Lùi sau ngày 1/11

Theo ông Hoàng Trung-Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật: Từ tháng 5 đến nay, có 1,6 triệu tấn lúa mỳ nhập khẩu bị nhiễm cỏ kế đồng. Quan điểm của Chính phủ là kiến tạo, phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp. Bởi vậy, từ tháng 5 đến nay, Cục đã dành 6 tháng phối hợp với các doanh nghiệp cũng như các nước tìm biện pháp xử lý.

Đến nay, thực trạng tình hình không thay đổi , thậm chí có xu hướng tăng lên. Điều này cho thấy, các biện pháp đã triển khai chưa đem lại kết quả đáng kể. Theo thông lệ quốc tế, tiến tới cần áp dụng biện pháp hiệu quả quả hơn. “Tất cả các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp, cái gì thuộc thẩm quyền của Cục, Cục sẽ xử lý, vượt thẩm quyền Cục sẽ kiến nghị, báo cáo Bộ NN&PTNT, thậm chí báo cáo Chính phủ”, ông Trung nói.

Đáp lại đề xuất của nhiều doanh nghiệp về vấn đề duy trì kiểm soát cỏ kế đồng trong lúa mỳ nhập khẩu ở một mức độ, tỷ lệ nhất định, ông Trung khẳng định: Điều này chắc chắn không được. Lý do là bởi: “Một cá thể, một hạt cỏ cũng có ý nghĩa. Cỏ kế đồng thuộc diện kiểm soát từ góc độ kiểm dịch thực vật. Trên thế giới, không có quốc gia nào như Việt Nam. Khi Việt Nam xuất khẩu, ví dụ chỉ xuất khẩu 1 container rau, phát hiện 1 còn ruồi đục lá hoặc con bọ phấn là lập tức nước nhập khẩu xử lý ngay. Cơ quan kiểm dịch triển khai các giải pháp như thời gian qua là đã rất đồng hành, chia sẻ cùng doanh nghiệp”.

“Tái xuất lô hàng lúa mỳ nhập khẩu có nhiễm có kế đồng là bắt buộc, trước sau gì cũng phải làm nếu không có biện pháp khắc phục thỏa đáng. Cục Bảo vệ thực vật quyết định chưa áp dụng biện pháp buộc doanh nghiệp tái xuất lô hàng từ ngày 1/11 tới. Tuy nhiên, quyết định tạm lùi này đến khi nào thì Cục chưa thể chốt”, ông Trung nói.

Cũng theo ông Trung: Biện pháp trước mắt, Cục Bảo vệ thực vật sẽ giám sát chặt chẽ các lô hàng lúa mỳ nhập khẩu. Thời gian tới, Cục sẽ làm việc với cơ quan kiểm dịch của ba thị trường xuất khẩu lúa mỳ hàng đầu vào Việt Nam là Nga, Canada và Hoa Kỳ, tìm ra giải pháp giải quyết phù hợp.

“Nếu qua qua trình bàn bạc, trao đổi vẫn không thể đưa ra giải pháp thỏa mãn cả ba bên gồm: Nhà xuất khẩu, doanh nghiệp nhập khẩu và cơ quan quản lý Việt Nam, Cục Bảo vệ thực vật sẽ áp dụng biện pháp buộc tái xuất và tiến tới tạm ngừng nhập khẩu. Sau khi đàm phán với các nước, Cục sẽ báo cáo Bộ NN&PTNT, khi có quyết định áp dụng biện pháp nào khác, Cục sẽ thông báo tới doanh nghiệp trước ít nhất 1 tháng”, ông Trung nhấn mạnh.

Trước đó, đầu tháng 9 mới đây, các đơn vị kiểm dịch thực vật một số khu vực đã có văn bản gửi đến các tổ chức, cá nhân nhập khẩu vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật về việc: “Vật thể nhiễm hạt cỏ Cirsium arvense (L.) scop”. Nội dung công văn nêu rõ: Thực hiện chỉ đạo của Cục Bảo vệ Thực vật, từ ngày 1/11/2018 các lô vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bị nhiễm cỏ Cirsium arvense (L.) scop sẽ bị áp dụng biện pháp xử lý là tái xuất. Đồng thời, Cục Bảo vệ Thực vật báo cáo Bộ NN&PTNT xem xét quyết định tạm ngừng nhập khẩu các loại vật thể nhiễm hạt cỏ nói trên”.

Thanh Nguyễn

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/chua-buoc-tai-xuat-lua-my-nhap-khau-nhiem-co-ke-dong-tu-ngay-1-11.aspx